Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Trong đó, khoản 3 Điều 27 của dự thảo này đang thu hút ý kiến sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, trong khoản 3, Điều 27 đề xuất: "Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau".

Trong khi đó, hiện nay, Luật GTĐB và Nghị định 100/2019, người lái xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn. Nếu vi phạm quy định này sẽ bị xử phạt hành chính 100-200 nghìn đồng.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc bật đèn vào ban ngày là quy định không cần thiết. Có nhiều trường hợp lắp thêm đèn bật vào ban ngày còn bị xử lý bởi làm chói mắt người đi đường. Vì vậy, theo ông, đề xuất bật đèn vào ban ngày không phù hợp với khí hậu, thời tiết ở Việt Nam.

Đại diện giảng viên trường Đại học GTVT Hà Nội cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới đã quy định bắt buộc xe cơ giới đường bộ (gồm mô tô, xe máy) phải có đèn chiếu sáng ban ngày để nâng cao khả năng nhận biết cho phương tiện khi tham gia giao thông. Đa số các quốc gia ở châu Âu đều đang áp dụng bật đèn xe ban ngày để tham gia giao thông.

Đại diện Vụ An toàn giao thông, Bộ GTVT, quy định xe máy bật đèn cả ngày được Bộ GTVT căn cứ theo Công ước Vienna 1968 về Giao thông đường bộ với 85 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Theo Công nước này, xe máy được coi là phương tiện yếu thế hơn ô tô, vì vậy Công ước Vien quy định bật đèn nhận diện xe máy cả ngày (không phải đèn chiếu sáng) để người điều khiển ô tô phát hiện xe máy. Việt Nam đã tham gia Công ước này nên phải tuân theo quy định.

“Việc bật đèn xe máy vào ban ngày sẽ giúp người lái ô tô nhận biết xe máy khi đèn chiếu vào gương, giúp đảm bảo an toàn giao thông” - vị đại diện này khẳng định.

Công ước về giao thông đường bộ, thường được gọi là Công ước Vienna về giao thông đường bộ, là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng an toàn giao thông bằng cách thiết lập các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước. Công ước đã được thống nhất tại hội nghị của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc về Giao thông đường bộ (7/10 - 8/11/968) và được ký kết tại Viên vào 8/11/1968. Nó có hiệu lực vào ngày 21/5/1977. Công ước này được phê chuẩn bởi 78 Quốc gia, nhưng những nước không phê chuẩn vẫn có thể trở thành một thành viên do Công ước về Giao thông Đường bộ 1949. Hội nghị này còn đưa ra Công ước về Tín hiệu và Tín hiệu Đường bộ.

Lưu ly