Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TP HCM) đã có những chia sẻ...

leftcenterrightdel
Hiện trường vụ tai nạn khiến cô gái tử vong, nam thanh niên bị thương nặng. 

Theo luật sư Hùng, thứ nhất,  nếu  trước khi rẽ trái tài xế đã có bật đèn báo hiệu rẽ trái và có thời gian bật đủ lâu để báo hiệu cho sẽ phía sau về việc xe sắp rẽ hướng. Nói cách khác, tài xế đã tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ, thì hành vi của tài xế sẽ bị xem xét xử lý theo “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 132 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017, quy định như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Trong trường hợp này, đôi nam nữ đã rơi vào trạng thái bất động, không còn nhận thức, được xem là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo điều 132 BLHS hiện hành. Nhưng tài xế đã bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, tài xế có điều kiện cứu giúp, có phương tiện để đưa các nạn nhân đến bệnh viện để kịp thời chữa trị, nhưng đã bỏ mặc sợ trách nhiệm, thể hiện sự vô tâm, thiếu tình người, không cứu giúp nạn nhân đủ căn cứ để khởi tố về tội danh trên dù nạn nhân có chết hay không” luật sư Hùng cho biết.

leftcenterrightdel
Sau khi tông xe máy khiến 2 người văng lên vỉa hè, tài xế xuống xe đứng nhìn rồi bỏ đi. 

Thứ hai, trong trường hợp tài xế không tuân thủ quy định về giao thông đường bộ, không bật đèn báo hiệu trước khi rẽ trái, làm nạn nhân bất ngờ không kịp phản ứng dẫn đến tai nạn, nhưng tài xế lại bỏ mặc. Thì sẽ bị xử lý theo Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, được quy định như sau:

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

“Như vậy hành vi bỏ mặc của tài xế sẽ là tình tiết tăng nặng tại điểm c khoản 2 điều 260 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với mức án từ 3 năm đến 10 năm tù” luật sư Hùng cho hay.

Cũng theo luật sư Hùng, ngoài trách nhiệm của tài xế, những người đi đường cũng có thể bị xem xét trách nhiệm xử lý về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo điều 132 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như đã phân tích ở trên, tương tự với hành vi của tài xế.

“Sự việc này một lần nữa cảnh báo chúng ta về sự vô cảm trong xã hội hiện nay, mà tôi cho rằng cơ quan có thẩm quyền cũng có trách nhiệm cho vấn đề này. Đã có rất nhiều trường hợp người dân họ hỗ trợ, cứu giúp người bị nạn không những không được khen thưởng mà còn lại bị gây phiền phức, đã đánh vào tâm lý của người dân, khiến họ e dè trong việc giúp đỡ một người bị nạn, từ đó dần dẫn đến thói quen bỏ mặc không giúp đỡ mà chỉ đến xem do hiếu kì, để chụp ảnh… mà không cứu giúp nạn nhân” Trưởng văn phòng Luật sư Gia Đình thông tin thêm.

Ngoài ra, theo luật sư Hùng, cần tuyên truyền pháp luật về trách nhiệm cứu giúp người trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Do hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế, họ không biết được pháp luật có quy định người không cứu giúp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và tâm lý lo sợ bị vạ lây. Chính vì thế cần phổ biến quy định tại điều 132 Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tại BLHS hiện hành, để nâng cao hiểu biết pháp luật của người dân. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét xử lý thấu đáo sự việc, tránh trường hợp làm oan người tốt, gây tâm lý hoang mang, e dè cho người dân khi họ cứu giúp người bị nạn.

Như Báo Bảo vệ pháp luật đã đưa tin, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài khoảng 11 phút ghi lại vụ tai nạn giữa tài xế taxi Vinasun và xe máy xảy ra vào rạng sáng 25/6 tại giao lộ đường Tân Hương - Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP HCM).

Sau va chạm, đôi nam nữ trên xe máy văng xuống vỉa hè. Nam nạn nhân nằm một chỗ, biểu hiện co giật, còn nữ nạn nhân bất động hoàn toàn. Tài xế taxi mở cửa xuống nhìn các nạn nhân rồi… bỏ đi. Vài phút sau đó, có nhiều phương tiện lưu thông qua nhưng không ai dừng lại hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân.

Một số người khác sau đó cũng chạy đến nhưng vẫn để các nạn nhân nằm bất động một mình, đứng trò chuyện, trao đổi với nhau./.

Nguyễn Lánh - Phi Sơn