Cụ thể, Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung Điều 11 của Thông tư số 67/2019/TT-BCA về hình thức giám sát của nhân dân.

Theo đó, nhân dân được giám sát thông qua các hình thức sau: Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng Công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

So với Thông tư số 67/2019/TT-BCA thì Thông tư 46/2024/TT-BCA không còn quy định hình thức giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình.

Về nội dung này, theo Bộ Công an, qua hơn 4 năm thực hiện, Thông tư số 67/2019/TT-BCA đã không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều bất cập. Trong đó, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng CSGT có lúc, có nơi chưa khách quan, đúng quy định, lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc với cán bộ, chiến sĩ CSGT và chia sẻ lên mạng xã hội dẫn đến tư tưởng ngại va chạm, thiếu tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ và ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng CSGT. 

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Bên cạnh đó, Thông tư 46/2024/TT-BCA nêu rõ việc giám sát của nhân dân phải đảm bảo các điều kiện đó là: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ; không được vào khu vực thực thi công vụ, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; đồng thời, tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Mặt khác, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 Thông tư số 67/2019/TT-BCA về trách nhiệm của Nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Cụ thể: Thông báo cho cơ quan Công an hoặc UBND nơi gần nhất các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham giao giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh CAND; chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông khác.

Thông tư 46/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 15/11/2024.

Trước đó, tại Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 nêu rõ mục đích thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vì Nhân dân phục vụ.

P.V