Thu phí BOT tự động: Doanh nghiệp chậm trễ vì sợ minh bạch?
Cập nhật lúc 16:35, Thứ ba, 23/08/2016 (GMT+7)
Các doanh nghiệp dự án BOT chậm trễ trong triển khai thu phí tự động vì còn lo ngại chính ưu điểm của hình thức này là sự minh bạch. ( Doanh nghiệp , BOT, minh bạch, Thu phí )
Các doanh nghiệp dự án BOT chậm trễ trong triển khai thu phí tự động vì còn lo ngại chính ưu điểm của hình thức này là sự minh bạch.
Theo Tiến sỹ Phạm Sanh – chuyên gia giao thông thì sự nghi ngờ lượng xe không chính xác, gây thất thoát trong thu phí của các BOT đã được đặt ra từ trước khi có những vụ việc tiêu cực được phát hiện. Trong khi đó, người dân vẫn phải “è cổ” đóng phí hàng ngày. Bộ GTVT được giao giám sát nhưng thực hiện kiểm tra cũng rất sơ sài, còn kiểm soát của Bộ Tài chính cũng vậy.
“Kẽ hở của chúng ta đã bộc lộ trong giám sát, quản lý thu tiền vé như thế nào. Thông tư 159 của Bộ Tài chính chẳng qua chỉ nói lên được trình tự thủ tục thu phí còn kiểm soát thế nào, giám sát thế nào phải là Bộ GTVT. Lượng xe phải được theo dõi, qua đó có đề xuất về giá vé, thời gian thu phí tăng hay giảm. Như vậy, lỗi ở đây là đơn vị giám sát của Bộ GTVT được giao giám sát trách nhiệm kém khi theo dõi, giám sát thu phí”, Tiến sỹ Phạm Sanh nói.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau hoàng loạt việc không minh bạch doanh thu tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 5 cũ… hơn 40 trạm BOT khác trên cả nước cũng sẽ được đưa vào diện kiểm tra trong thời gian tới.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất khoán doanh thu cho các trạm thu phí BOT, sẽ căn cứ vào số liệu khảo sát để dự báo tăng trưởng lưu lượng xe hằng năm, với thời gian khoán là 5 năm/lần. Sau 5 năm, cơ quan có thẩm quyền sẽ tổng hợp số thu thực tế để làm cơ sở khoán cho giai đoạn tiếp theo.
Tiến sỹ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để minh bạch thu phí BOT, cần áp dụng hình thực thu phí tự động. “Thế giới triển khai rất nhiều trạm thu phí tự động thì ở Việt Nam không có lí do gì lại không triển khai. Nếu có chậm chuyển cũng chỉ vì tính minh bạch của dự án không cao. Bộ GTVT cần phải có qui định bắt buộc các doanh nghiệp phải chuyển sang thu phí tự động”, Tiến sỹ Trần Đình Thiên cho biết.
Bộ GTVT đã yêu cầu các Dự án BOT trước mắt phải lắp đặt một cửa thu phí không dừng tại trạm thu phí. Ông Hồ Trọng Vinh – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tasco, một đơn vị triển khai hệ thông thu phí tự động cho biết, phương án tổng thể thu phí tự động không dừng, các phương tiện phải dán thẻ thu phí tự động và tất cả cơ sở dữ liệu tập trung về hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước.
Cơ quan nhà nước có thể tìm hiểu các trạng thái của phương tiện tham gia giao thông, từng trạm thu phí, doanh thu đều được cập nhật tại Bộ GTVT. Sự minh bạch chính là ưu điểm của việc thu phí tự động và cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định điều hành dựa trên số liệu.
“Từng trạm thu phí hoạt động như thế nào, bao nhiêu doanh thu đều được cập nhật. Cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT đưa ra quyết định cụ thể tùy theo từng trạng thái thu phí về doanh thu, lưu lượng xe tham gia giao thông tại trạm các hoạt động khác từ dữ liệu thu phí”, ông Vinh cho biết.
Nước ta có 96 trạm thu phí BOT, trong đó gần 50 trạm đang thu phí hoàn vốn và hàng loạt các dự án sắp đưa vào thu phí. Việc công khai doanh thu của các trạm BOT là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo sự công bằng giữa các doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.
Nhưng các doanh nghiệp dự án BOT thì lại “chậm trễ” trong triển khai thu phí tự động vì còn lo ngại chính ưu điểm của hình thức này là sự minh bạch và đó cũng là nhược điểm. Do đó, các doanh nghiệp BOT cần tính toán đến hiệu quả dựa vào khả năng thực tế đầu tư có lộ trình./.
Theo VOV
.