Cụ thể, tại Điều 38, dự thảo Nghị định đề xuất phạt tiền từ 600-800 nghìn đồng đối với giáo viên dạy thực hành để học viên không có phù hiệu “Học viên tập lái xe” hoặc có phù hiệu nhưng không đeo khi lái xe tập lái.

Đặc biệt, giáo viên không đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe” khi giảng dạy; giáo viên dạy thực hành không mang theo giấy phép lái xe tập lái hoặc mang theo giấy phép lái xe tập lái đã hết hạn sử dụng cũng bị phạt tiền từ 600-800 nghìn đồng.

leftcenterrightdel
Thêm quy định để siết chặt hoạt động đào tạo lái xe.

Ông Nhu, đã có hơn 20 năm thâm niên trong nghề dạy lái xe chia sẻ: “Từ lâu, mỗi học viên khi học lái xe thì đều được phát phù hiệu nhưng không đeo. Bởi có đeo hay không đeo cũng chả có đơn vị nào kiểm tra và phạt cả, miễn dạy học viên hiểu luật và điều khiển được xe an toàn là được”.

Về đề xuất trên, ông Nhu hoàn toàn ủng hộ và cho biết, mọi quy định đưa ra đều sẽ giúp hoạt động đào tạo lái xe diễn ra chặt chẽ, an toàn hơn.

Theo nhiều tài xế, xử phạt giáo viên khi để học viên không đeo phù hiệu “Học viên tập lái” hay thầy giáo không đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe” là cần thiết. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp va chạm xảy ra trên đường. Giáo viên để học viên tự điều khiển phương tiện dẫn đến không làm chủ thiết bị gây tai nạn. Việc này tiềm ẩn nguy hiểm với người học lái lẫn người đi đường.

Đang có nhu cầu học lái xe, anh Nguyễn Đình Tâm (Huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Đeo phù hiệu để phân biệt rõ đâu là thầy giáo, đâu là học viên. Theo tôi tìm hiểu thì bây giờ trên xe đều có thiết bị camera nên rất thuận tiện cho cơ quan chức năng quản lý, đồng thời chứng minh việc giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy hay không”.

Theo TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia, chúng ta cần phân biệt rõ ràng các trường hợp có phù hiệu nhưng không đeo là do cố tình hay nhiều khi chỉ là do sơ suất chưa đeo hoặc vô tình quên không mang theo. Ngoài ra, còn có trường hợp không có phù hiệu do học viên ngoài danh sách đào tạo…

“Phù hiệu của học viên hay thầy dạy lái xe cũng là một khía cạnh liên quan đến trật tự an toàn giao thông, nhưng không phải yếu tố quyết định. Vì thế, chúng ta cũng nên cân nhắc đưa ra mức xử lý với những người không tuân thủ quy định hành chính mà mọi người cần phải có”, ông Tạo chia sẻ thêm.

Trong dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe, Bộ Công an còn đưa ra quy định:

Trường hợp cơ sở đào tạo bố trí giáo viên không đủ tiêu chuẩn, giáo viên thực hành không ngồi bên cạnh bổ trợ tay lái cho học viên, sử dụng xe tập lái không có giấy phép xe tập lái hoặc có nhưng hết hạn, không gắn biển xe "Tập lái" trên xe theo quy định, không ghi tên cơ sở đào tạo, số điện thoại ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định… thì bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng.

Trường hợp tuyển sinh, đào tạo vượt quá lưu lượng quy định trong giấy phép, phạt tiền cơ sở đào tạo từ 5-10 triệu đồng; Nếu cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc chứng chỉ sơ cấp, chứng chỉ đào tạo cho học viên sai quy định, phạt từ 10-15 triệu đồng.


Duy Minh