Ngày 13/4, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản giao Sở Giao thông vận tải tỉnh  làm đầu mối liên hệ với Vụ Tổng hợp kinh tế- Bộ Ngoại giao để trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt.

Trước đó ngày 4/4, Bộ Ngoại giao có văn bản số 1423/BNG-THKT gửi Sở Ngoại vụ tỉnh Lâm Đồng về việc Tập đoàn Stadler Thụy Sĩ có nhu cầu tham gia vào dự án trùng tu đường sắt Đà Lạt.

Văn bản số 1423/BNG-THKT cho biết, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam có công hàm chuyển thư của bà Helene Artieda, Quốc vụ khanh, Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, về việc triển khai một số đề xuất của  các đại diện khu vực kinh tế tư nhân Thụy Sĩ tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trong khuôn khổ Diễn đần Kinh tế Thế giới WEF Davos 2023.

Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng đã chia sẻ tiềm năng cũng như cơ hội để phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam- Thụy Sĩ và đề nghị các doanh nghiệp Thụy Sĩ nghiên cứu thúc đẩy, tận dụng triển khai các hoạt động đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch.

leftcenterrightdel
 Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt trong quá trình xây dựng. Ảnh: TL. 

Trong số doanh nghiệp tham gia có Tập đoàn Stadler, thành lập năm 1942, là một trong những nhà sản xuất tàu điện hàng đầu thế giới, chuyên cũng cấp các giải pháp vận tải đường sắt toàn diện trong môi trường khắc nghiệt, tàu hỏa dùng công nghệ hydrogen, với hơn 12.000 nhân viên làm việc tại 18 quốc gia.

Văn bản của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Stadler rất ấn tượng với những nỗ lực trong lĩnh vực đường sắt và cam kết của Việt Nam trong việc xây dựng nền kinh tế xanh, đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào dự án trùng tu Đường sắt Đà Lạt.

Theo Tập đoàn Stadler, việc khôi phục tuyến đường sắt này cần có những toa tàu có giá đỡ và bánh răng mới và Stadler là công ty dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực này.

Liên quan đến dự án, đầu năm 2019, UBND tỉnh Lâm Đồng và Cục Đường sắt Việt Nam đã nghe báo cáo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm (Ninh Thuận) – Đà Lạt (Lâm Đồng), do Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Bach Dang Complex) đề xuất, với sự tư vấn của các chuyên gia Pháp.

leftcenterrightdel
 Một đoạn đường ray răng cưa đang được sửa chữa nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng năm 1928. Ảnh: TL.

Trong thông báo kết luận buổi làm việc nghe báo cáo hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hoan nghênh và ủng hộ việc Bach Dang Complex đề xuất, thực hiện dự án theo hình thức PPP (BOT kết hợp BT), nhằm bảo tồn kiến trúc, khai thác có hiệu quả tiềm năng của tuyến đường sắt, góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Văn bản nhấn mạnh, dự án có quy mô quốc gia, thuộc thẩm quyền phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GTVT.

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công ty Bạch Đằng tiếp thu ý kiến của Cục Đường sắt Việt Nam, Ban PPP và các sở, ngành, địa phương 2 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, báo cáo Bộ GTVT trình Chính phủ và Quốc hội xin chủ trương đầu tư theo quy định; đề nghị Cục Đường sắt Việt Nam tham mưu Bộ GTVT có văn bản gửi các bộ, ngành trung ương để góp ý về cơ chế, chính sách, hình thức thực hiện, quy mô đầu tư,… làm cơ sở để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo theo quy định.

leftcenterrightdel
 Theo Giám đốc ga Đà Lạt, chỉ còn 6 thanh ray răng cưa được lưu giữ tại ga này. Ảnh: NH.

Vào tháng 3/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã làm việc với Công ty Bạch Đằng về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm - Đà Lạt.

Dự trù, tổng kinh phí của dự án là hơn 17.200 tỉ. Trong số này, nhà đầu tư đề xuất phía nhà nước tham gia cơ cấu vốn khoảng 1.000 tỉ đồng, chủ yếu chủ yếu ở hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng hơn 800 tỉ đồng).

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo địa phương bày tỏ  ủng hộ nhà đầu tư trong đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt leo núi Tháp Chàm - Đà Lạt  với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thúc đẩy ngành du lịch – dịch vụ, kết hợp bảo tồn kiến trúc.

Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt được lập trên cơ sở tuyến đường sắt cũ, tổng chiều dài 84 km, nối thành phố cao nguyên ngàn hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) với phố biển nắng gió Phan Rang (Ninh Thuận).

leftcenterrightdel
 Đầu máy cổ do Nhật Bản sản xuất năm 1930 trên sân ga Đà Lạt. Ảnh: NH.

Tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt, vốn tuyến đường sắt leo núi độc nhất vo nhị tại Việt Nam, được xây dựng từ năm 1908. Những chuyến tàu đầu tiên hoạt động từ năm 1916. Phải đến năm 1932 toàn tuyến đường sắt mới được hoàn tất.

Đây là tuyến tuyến đường sắt leo núi thứ hai trên thế giới, sau tuyến đường sắt ở đèo Furka (Thụy Sĩ).

Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có 3 đoạn có đường ray răng cưa tổng chiều dài 16 km để leo dốc, xuống dốc với độ dốc trên 12%, gồm các đoạn Sông Pha - Eo Gió (chênh lệch độ cao từ 186m đến 991m), Đơn Dương - Trạm Hành (1016 m – 1515 m), Đa Thọ - Trại Mát (1.402 m -1.550 m). Phần lớn các ga trên tuyến đường sắt nằm ở độ cao 1.400 m – 1.550 m so với mực nước biển.

Các đầu kéo sử dụng cho tuyến đường sắt Tháp Chàm – Đà Lạt là đầu máy hơi nước chuyên dụng HG 4/4 và HG 3/4 do Thụy Sĩ sản xuất.

leftcenterrightdel
 Ga Đà Lạt hiện nay. Ảnh: NH.

Từ sau giải phóng, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt bị dỡ bỏ dần, thanh lý sắt vụn. Các đầu máy HG cũng bị bỏ hoang, nằm rải rác trên các ga dọc tuyến và được nhà đầu tư Thụy Sĩ mua lại phần lớn trong số 9 đầu máy đã sử dụng trên tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, trong một “chiến dịch” mang tên “Back to Switzerland- hồi hương Thụy sĩ” vào năm 1990.

Hiện nay, “di sản” tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt còn ga Đà Lạt, ga Trại Mát, ga Đ’ran cùng nhà kho, một số hầm chui, cầu đường sắt và đoạn đường ray trơn dài 7 km, từ ga Đà Lạt đi Trại Mát, đang được khai thác vào mục đích dịch vụ du lịch với đầu máy diezen.

Ga Đà Lạt được xem là nhà ga lâu đời nhất ở Việt Nam và Đông Dương, được xây dựng năm 1932 và hoàn thành năm 1938, do hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Reveron thiết kế. 

Tại quyết định 1468/QĐ-TTg, ngày 24/8/2015, của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn 2030, dự án đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được quy hoạch đầu tư khôi phục.

V.H