Dịp cao điểm về giao thông Tết Nguyên đán 2016 trên địa bàn Hà Nội trùng với thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, do đó, công tác đảm bảo giao thông rất quan trọng. Trong dịp này, Sở GTVT Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp vận tải phải có kế hoạch tăng giá vé cụ thể, không được lợi dụng bắt chẹt, tăng giá vé tùy tiện .

 

 Các hành vi nhồi nhét, bắt chẹt giá vé hành khách sẽ bị xử lý nghiêm
Các hành vi nhồi nhét, bắt chẹt giá vé hành khách sẽ bị xử lý nghiêm


Cấm lái xe nhồi nhét, tăng giá vé tùy tiện

Dịp nghỉ Tết Dương lịch 2016 kéo dài 3 ngày nên Sở GTVT Hà Nội dự báo, lượng khách đi lại trong dịp này cũng sẽ cao hơn so với cùng kỳ các năm. Ngoài ra, đi lại dịp Tết Nguyên đán 2016 cũng được dự báo sẽ đông hơn các ngày thường trong năm từ 30-50%. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngoài lượng khách đi lại gia tăng vào dịp nghỉ Tết thì đợt này còn diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Do vậy, các tuyến đường lân cận như Vành đai 3, các tuyến đường dẫn về bến xe Mỹ Đình sẽ phải tổ chức phân luồng giao thông.

Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các bến xe kiểm tra, kiểm soát nghiêm các xe ra/vào bến đón trả khách, kiểm tra chất lượng phương tiện, người lái, hàng hóa, hành lý theo quy định, ngăn chặn kịp thời hiện tượng hành khách đưa các chất cháy nổ, các loại hàng hóa, hành lý cấm vận chuyển lên phương tiện. Từ chối phục vụ đối với các phương tiện và chủ phương tiện đưa xe không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, các xe không có bình cứu hỏa, hoặc có bình cứu hỏa nhưng không sử dụng được. Sở GTVT Hà Nội nghiêm cấm các hành vi chở quá tải, hàng hóa lẫn với các hành khách, hàng hóa dễ cháy nổ, hàng quốc cấm, hàng lậu, gia súc gia cầm trên xe ô tô khách.

Đối với xe tăng cường giải tỏa khách trong dịp cao điểm, khi phát phù hiệu xe tăng cường phải kèm theo lệnh xuất bến của đơn vị quản lý, khai thác bến xe. Đặc biệt, phù hiệu xe tăng cường chỉ có giá trị cho 1 chuyến xe. Sở GTVT Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp vận tải, bến xe quản lý chặt chẽ đối với xe tăng cường để tránh xe dù, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân dịp nghỉ lễ, Tết.

Ngoài ra, các đơn vị vận tải khách liên tỉnh phải bố trí thời gian làm việc của lái xe, phụ xe theo đúng quy định để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Lái xe vi phạm phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm, không bao che.  

Cước vận tải khó giảm vì phí đường bộ cao?

Liên quan đến giá cước vận tải trong dịp này, ông Đỗ Văn Cường, Phó trưởng Ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho hay, hiện giá xăng A92 chỉ còn 16.400 đồng/lít, giá dầu diezel là 11.800 đồng/lít nhưng số doanh nghiệp nộp hồ sơ kê khai giảm cước chiếm tỷ lệ rất ít. Vừa qua, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp vận tải tính toán lại các yếu tố cấu thành giá cước, trong đó có xăng dầu để giảm giá cước cho phù hợp trước ngày 31-12. Sau thời gian này, Sở Tài chính sẽ phối hợp cùng Sở GTVT thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cố tình không giảm giá.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội thông tin, Hiệp hội đã đề nghị một số hãng taxi lớn trên địa bàn TP giảm giá cước, trong đó taxi Mai Linh cam kết sẽ tính toán lại và giảm cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, với vận tải khách liên tỉnh, ông Bùi Danh Liên thông tin, từ năm 2014 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp không tăng giá vé, trong khi đó, phí đường bộ đã tăng lên rất nhiều. Theo tính toán, trong cơ cấu giá thành cước vận tải khách liên tỉnh hiện nay, dầu chiếm 40%, phí đường bộ chiếm 40%, vì vậy rất khó để giảm cước. Cụ thể, một chiếc xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, trung bình mỗi tháng mất 17 triệu đồng phí cầu đường bộ, một chiếc xe khách 45 chỗ ngồi chạy tuyến Hà Nội- Thái Bình 1 năm chi phí hết 90 triệu đồng phí cầu đường bộ...  

Đồng tình với nhìn nhận của Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty CP Thương mại và đầu tư Thiên Trường cho rằng, hiện các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh phải chịu phí đường bộ quá cao. Do vậy, kiến nghị Bộ GTVT, các Sở GTVT quan tâm đến các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp được mua vé tháng; các trạm BOT cũng phải có lộ trình tăng phí ổn định, lâu dài, tránh tình trạng mỗi năm tăng một lần….
 

Theo An ninh thủ đô

.