leftcenterrightdel
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng đổ bê tông hợp long cầu Bạch Đằng 

Đến dự và chứng kiến buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng;...

Về phía tỉnh Quảng Ninh có đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.

Với việc hoàn thiện tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, khoảng cách giữa Hạ Long và Hải Phòng đã được rút ngắn xuống còn 25 km, thay vì khoảng 70 km như trước đây. Với vận tốc thiết kế 100 km/h, kết nối vào đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội sẽ rút ngắn được khoảng 60 km từ Hạ Long đi Hà Nội và thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút. Ngoài ra, tuyến cao tốc sẽ giúp cho việc kết nối hạ tầng giao thông giữa các tuyến được đồng bộ, tăng lưu lượng hàng hóa vận chuyển từ Quảng Ninh đi các tỉnh khu vực phía Bắc và ngược lại.

Cầu Bạch Đằng có vai trò quan trọng trong việc kết nối 3 sân bay chính của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ gồm: Sân bay Quốc tế Nội Bài, Sân bay Cát Bi và Sân bay Vân Đồn sắp được đưa vào xây dựng.

leftcenterrightdel
Chính thức thông xe cầu Bạch Đằng

Cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến được đầu tư theo hình thức BOT dài 5,4km, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h. Dự án được khởi công từ ngày 25/1/2015 và chính thức thi công từ tháng 6/2015. Trong đó, cầu chính Bạch Đằng dài 700m, thiết kế là cầu dây văng hệ cáp 2 mặt phẳng, nhiều nhịp lớn nhất Việt Nam hiện nay. Cầu được bố trí 3 trụ tháp, thiết kế là 3 chữ “H” mang ý nghĩa lớn, thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long; cầu có 4 nhịp bố trí theo sơ đồ (110+2x240+110)m, rộng 28m, tĩnh không thông thuyền cao 48,4m. Trong đó, trụ tháp giữ cao 97,50m, 2 trụ tháp 2 bên cao 94,993m có thể chịu được động đất cấp VII (thang MSK-64), nhịp chính vượt sông dài 240m là một trong những cầu có khẩu độ nhịp vượt sông lớn nhất hiện nay. Phần cầu dẫn, cầu vượt và nút giao 2 bờ Hải Phòng và Quảng Ninh có chiều dài 4,7km kết cầu dầm super T và đúc hẫng trên hệ thống móng cọc BTCT đường kính từ 1,5 đến 2m, mặt cắt ngang 25m.

Đây là cây cầu có thiết kế phức tạp do phải đảm bảo 2 yếu tố: chiều cao cầu đảm bảo lưu thông hàng hải của tàu tải trọng lớn ra vào, chiều cao tháp thấp do bị khống chế phễu bay của Cảng hàng không Cát Bi (TP Hải Phòng) dẫn tới góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ), trọng lượng khối đúc lên đến 450 tấn/khối, là khối đúc công nghệ mới lần đầu triển khai ở Việt Nam... Với thiết kế này, Cầu Bạch Đằng đang là một trong số 7 cầu dây văng hiện có nhiều nhịp nhất trên toàn thế giới và là cầu lớn thứ 3.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Vì thế, Quảng Ninh đã dành sự quan tâm lớn, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hoá, mở rộng các hình thức đầu tư để ưu tiên phát triển hạ tầng. Quảng Ninh bỏ ra một đồng ngân sách đã thu về 8,3 đồng ngoài ngân sách… Những việc làm tích cực của tỉnh đã được trung ương đánh giá cao, là một trong những địa phương mạnh dạn đi đầu của cả nước, được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai đầu tư xây dựng nhiều đường cao tốc, cảng hàng không và cảng biển.

Hoàng Hưng