(BVPL) - Nhiều xe khách tuyến cố định coi việc nhận chở hàng hóa là một dịch vụ kinh doanh béo bở, mang lại doanh thu lớn trong khi lại chưa có qui định về việc quản lý nguồn gốc, kiểm soát khối lượng khi đưa lên xe. Đây có thể là kẽ hở khiến những loại hàng hóa bất minh về nguồn gốc như: hàng cấm, hàng lậu tuồn lên xe khách. Việc lạm dụng quá mức khi chở hàng bằng xe khách có thể là nguyên nhân gây mất ATGT.
Nguy cơ mất an ninh, an toàn
|
Việc chở hàng hóa bằng xe khách có thể là nguyên nhân gây mất ATGT. |
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tại Điều 68, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) đã có quy định về vận tải hành khách bằng xe ô tô, trong đó có quy định người vận tải, người lái xe khách không được chở hàng nguy hiểm, hàng hóa khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách. Bên cạnh đó, tại Điều 71 qui định về quyền và nghĩa vụ của hành khách là “không mang theo hành lý, hàng hóa mà pháp luật cấm lưu thông”.
Trong thực tế hiện nay, việc nhận hàng hóa trên dọc hành trình là khá phổ biến. Nhận định về tình trạng xe khách chở hàng, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Đã từng có trường hợp một nhà xe nhận gói hàng từ người gửi giữa đường và được người gửi cho biết là một hộp bánh kẹo, đồng thời cung cấp đầy đủ địa chỉ, số điện thoại của người nhận. Thế nhưng sau đó, họ lại báo cho Công an đến kiểm tra và phát hiện 3 kg pháo nổ, vì thế nhà xe này đã bị xử lý. Hay như vụ nổ đài cát xét trên xe khách “xảy ra ở Nghệ An cách đây không lâu theo nhận định của tôi cũng là do xuất phát từ mâu thuẫn giữa các nhà xe với nhau…”.
Về mặt quản lý nhà nước, theo tôi cần có những hướng dẫn cụ thể hơn. Chẳng hạn như khi nhận hành lý của hành khách thì phải xác minh, ghi rõ họ tên, địa chỉ, điện thoại của cả người gửi lẫn người nhận. Thậm chí phải kiểm tra cả số CMTND của người gửi để có thể truy cứu trách nhiệm khi hàng hóa đó có vấn đề”.
“Hiện nay tình hình xã hội rất phức tạp. Vì thế việc kiểm soát nguồn gốc các loại hàng hóa trên xe khách là rất cần thiết” – ông Liên đề xuất.
Theo ông Trần Quang Bình, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), tại Thông tư số 18, việc xếp hàng lên xe có một số vấn đề qui định như: giám sát, vận chuyển hàng cấm, súc vật, hàng dễ cháy nổ, không chở hàng trong khoang hành lý. Bên cạnh đó, không được chở quá tổng khối lượng cho phép của phương tiện. Bến xe có trách nhiệm giám sát, ngăn chặn ngay từ bến. Tuy nhiên, do bến xe không thể tổ chức việc cân trọng tải và kiểm soát quá trình xe khách nhận hàng trên đường nên trách nhiệm chính vẫn phải là đơn vị vận tải và lái xe.
Cũng theo ông Bình, hiện việc kiểm soát hàng hóa trên xe khách của lực lượng chức năng trên đường chưa được thực hiện bởi vẫn chưa có quy định cụ thể về khối lượng toàn bộ của xe khách được phép chuyên chở (hành khách và hàng hóa). Những qui định này sẽ được bổ sung trong khi sửa đổi Thông tư số 18 về quản lý vận tải.
“Cùng với đó, sẽ bổ sung qui định lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc đó còn bến xe phải có trách nhiệm giám sát, ngăn chặn” – ông Bình cho biết.
Về việc kiểm soát tải trọng xe khách ông Bình cho biết, hiện 63 tỉnh, thành đã được trang bị trạm cân vì thế có thể tiến hành cân cả xe khách để phát hiện tải trọng có đúng hay không để xử lý.
Sẽ có quy định về kích thước khoang chứa hàng
Về việc ban hành quy định khối lượng toàn bộ của xe khách được phép chuyên chở, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đã tổ chức thu thập số liệu kích thước thực tế khoang hầm hàng hay còn gọi là khoang chứa hành lý của gần 300 xe khách ghế ngồi, hơn 50 xe giường nằm đang lưu hành. Kết quả cho thấy, nhiều xe tuy cùng số lượng ghế ngồi, giường nằm nhưng có kích thước khoang chứa hàng lại khác nhau. Ví dụ, xe 47 chỗ nhãn hiệu Huyndai Aero Space LS có kích thước dài – rộng - cao là 300 x 220 x 80 mm, có chiếc lại là 4100 x 2200 x 800mm, hiệu Huynh dai Earo Hispace là 3670 x 2200 x 800mm, nhãn hiệu Bahai Univer30 là 4100 x 2300 x 900mm…
Tương tự, xe giường nằm cùng nhãn hiệu Thaco loại 42 chỗ nhưng khoang chứa hàng của Thaco Huyndai HB120ESL lại có số đo là 4450x2360x900 còn Thaco HB120ESL lại là 4000x2360x900mm...
Điều này cho thấy, từ việc kích thước hầm hàng không chuẩn dẫn đến tình trạng trọng lượng hàng chất lên xe cũng khác nhau. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến độ an toàn của xe, nhất là liên quan đến hiệu lực của phanh, độ nghiêng lệch khi xe vào đường cong cua.
Hiện tại, một số bến xe và đơn vị kiểm định ô tô, vấn đề xe khách có kích thước hầm hàng khác nhau, ngoài việc do nhà thiết kế, còn do nhiều nhà xe tự ý cải tạo hầm hàng để chở được càng nhiều hàng càng tốt. Nhiều xe khách loại 40 - 50 chỗ đều có bụng chứa hàng, mà chiều dài bằng với khoảng các giữa trục xe trước và sau xe, đủ rộng để mắc võng ngủ trong đó.
Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, hiện nước ta chưa có quy định tiêu chuẩn riêng về kích thước khoang chở hành lý xe khách. Hiện các kích thước vẫn được tính toán theo tiêu chuẩn châu Âu, mà cụ thể tương ứng mỗi khối thể tích tương đương với 1 tạ hàng. Cục Đăng kiểm Việt Nam đang khảo sát để đánh giá đúng thực trạng và đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hơn cho xe khách.
Về lâu dài, Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng sẽ đề xuất Bộ GTVT sửa quy chuẩn thiết kế xe chở khách và ban hành quy định về khối lượng hàng hóa lớn nhất mà mỗi người được mang theo tương ứng với số ghế ngồi (khoảng 20kg/người). Trên cơ đó sẽ đưa ra yêu cầu về thiết kế hầm chở hàng có kích thước tương ứng.
Hữu Bắc