(BVPL) - Việc các dự án giao thông quan trọng được triển khai đồng loạt trong thời gian qua trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh, thành cả nước khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của kết cấu hạ tầng giao thông, nhưng cũng kéo nạn chở quá tải cho các công trình trọng điểm và liên tỉnh, đang trở nên phổ biến, dẫn đến nhiều con đường bị sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng, gây ùn tắc. Nên xử lý nghiêm hay xử lý hài hòa là ý kiến đang được giới chuyên gia, các bộ, ngành bàn thảo quyết liệt.

 


Mới đây, Bộ GTVT cũng đã có văn bản lên Bộ Tư pháp kiến nghị đối với hành vi chở quá tải trên 150% phải xử lý hình sự, tống giam ngay chứ không chỉ dừng ở mức phạt tiền. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự cần tính toán, xem phá hoại bao nhiêu để xử lý hình sự. Hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định, bởi bất kể việc đưa ra chế tài nào thì cũng cần xem xét tính khả thi, nếu không khả thi sẽ bị vô hiệu hóa về luật. Nhưng chắc chắn phải đưa ra xử lý hình sự bởi lẽ chở hàng quá tải là đồng nghĩa với hành vi phá hoại tài sản quốc gia.

Đồng quan điểm trên, Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ VN cũng bày tỏ: đối với xe vi phạm quá tải trọng cho phép nên xử lý hình sự, mức độ nặng nhẹ cứ áp dụng cụ thể trong từng trường hợp để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng kiến nghị đối với các đơn vị quản lý đường cao tốc, đường BOT cần lắp trạm cân cố định ở những trạm thu phí, từ chối không cho xe quá tải lưu thông, còn việc xử phạt thuộc thẩm quyền cơ quan chức năng.

Việc người lái xe chở quá tải cũng có thể do cố tình hoặc bắt buộc do chủ xe ép, bởi vậy, nếu chở quá tải sẽ phạt cả chủ doanh nghiệp lẫn tài xế. Chủ tịch HHVTOTO VN dẫn chứng: Có những chủ doanh nghiệp phản ứng lại rằng, vi phạm chở quá tải là do tài xế, chứ không liên quan đến chủ xe. Tuy nhiên, đã là chủ doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm quản lý nhân viên của mình, chứ không thể để tình trạng này tiếp diễn, ông Thanh nhấn mạnh.
 

T.Thúy - M.Châu

.