Theo ông Nguyễn Công Hùng, Hiệp hội Taxi Hà Nội, vấn đề xe taxi truyền thống và Uber, Grab thời gian qua đã nói khá nhiều nhưng có những vấn đề cần phải xem xét. “Thời gian qua, liên tục giá cước Uber, Grab nhảy múa tăng 3 – 4 lần nên cứ giờ cao điểm, lễ tết khách hàng lại chuyển sang đi taxi truyền thống. Chính vì quy định chưa chặt chẽ nên dẫn đến chưa thượng tôn pháp luật, nói rằng thí điểm Uber, Grab ở 5 tỉnh thành nhưng nhiều nơi vẫn thực hiện mà không bị làm sao”, ông Hùng cho hay.
Còn ông Trương Đình Quý, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong lĩnh vực vận tải hàng khách bằng taxi và xe hợp đồng nên xem các điều kiện kinh doanh là tiêu chuẩn, quy chuẩn như tiêu chuẩn về lái xe, phương tiện, quản lý điều hành sự cố... vì đây là lĩnh vực liên quan đến tính mạng, an toàn của hành khách.
Ông Quý cho biết thêm, cần làm rõ hơn định nghĩa về xe hợp đồng vì hợp đồng điện tử là phương thức giao dịch chứ không phải phương thức và mô hình kinh doanh. Gọi Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử là sự đánh tráo khái niệm vì làm gì có xe hợp đồng 1 ngày có mấy chục hợp đồng? Chính kẽ hở, đánh tráo khái niệm này tạo lối mở để ào ạt Uber, Grab tham gia không kiểm soát được.
|
|
Các đại biểu tham dự hội thảo phát biểu. |
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cũng dẫn chứng thêm, ở TP Hồ Chí Minh có 21.600 xe Uber, Grab trong khi đó taxi truyền thống được khống chế chưa đầy 11.000 xe, giờ chỉ còn chưa đầy 8.000 xe. “Chúng tôi tán thành, cần nhìn từ lợi ích người tiêu dùng là lợi ích thực sự và lâu dài. Với số lượng xe lớn như vậy nhưng 3 năm qua vốn điều lệ Grab là 20 tỷ, 3 năm lỗ trên 900 tỷ, trong khi Vinasun nộp ngân sách gần 1.200 tỷ thì lợi ích lâu dài cho đất nước như thế nào? Chưa kể Uber, Grab còn tùy tiện tăng giá gấp đôi gấp 3, tài xế đánh hành khách, thất thoát tài sản... nói tóm lại cần có môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống”, ông Quý cho hay.
Ông Quý cũng chỉ ra câu chuyện hiện nay Grab sau khi thâu tóm Uber thì cần đặt vấn đề độc quyền Grab trên thị trường. Do đó, thời gian tới cần có những quy chuẩn, tiêu chuẩn của các bộ ngành để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lại có góc nhìn khác, ông cho rằng, cần nhìn vấn đề Uber, Grab và taxi truyền thống dựa trên hiệu quả, đảm bảo cân bằng quyền lợi nhà nước – doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đứng dưới góc độ người tiêu dùng, ông Long phân tích, nếu so sánh điều kiện kinh doanh giữa xe taxi và xe hợp đồng thì không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên cũng có những quy định gây bất lợi cho taxi truyền thống như quy định số xe tối thiểu, quy hoạch số phương tiện tối đa...
Ông Long cũng cho rằng, cần có quan điểm cởi mở đối với dịch vụ mới, khi xu hướng hiện đại ngày càng đi sâu vào chuyên môn hóa, thay vì sản xuất cung ứng một hàng hóa, dịch vụ từ đầu đến cuối thì giờ đây người ta chỉ tập trung một mắt xích, nhiều mắt xích phụ trách bởi nhiều DN sẽ tạo chuỗi giá trị cuối cùng. Sự xuất hiện Uber, Grab đã làm thị trường vận tải có những chuyển biến đáng kể, các hãng taxi phải cải thiện chất lượng, thay đổi dịch vụ, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
“Có ý kiến nên quản lý xe Uber, Grab giống như taxi là không nên mà cần xác định đúng bản chất hoạt động kết nối của Uber, Grab, nên gọi dịch vụ này là dịch vụ kết nối vận tải là phù hợp nhất, dịch vụ này có thể kết nối cho xe hợp đồng, taxi cũng như vận tải hàng hóa", ông Long đề xuất.
Còn ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nên cởi mở với xu hướng phát triển mới, bản chất taxi công nghệ rất đơn giản là kết nối. Chúng ta quen lối tư duy kinh doanh truyền thống là phải có tài sản, cán bộ nhân viên, tổ chức kinh doanh... xu hướng mới hiện nay nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối mà chỉ kinh doanh một dịch vụ, một công đoạn khác nhau. Do đó, tư duy quản lý phải đổi mới, nhà kinh doanh có thể chỉ kinh doanh một dịch vụ và có nghĩa vụ thuế cũng như các dịch vụ liên quan chứ không thể bắt họ trả tất cả các khâu.
Trang Thu/Báo Tin tức