Kể từ sau trận lũ lịch sử năm 2008, Hà Nội đã chi hàng nghìn tỷ đồng để nâng cấp các trạm bơm, nạo vét các hồ chứa, hệ thống kênh mương thoát nước. Tuy nhiên, từ đó đến nay hễ mưa là nhiều tuyến phố Hà Nội ngập úng nặng. Một trong những nguyên do là năng lực ứng phó còn yếu.
 

Trước đó, trong cuộc gặp gỡ các cơ quan truyền thông để nói về việc triển khai công tác chống úng trong mùa mưa, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội khẳng định: Năm 2014 với việc hoàn thành một số hạng mục cống thoát nước trên địa bàn Hà Nội có thể giảm 10 điểm úng ngập cục bộ mỗi khi có mưa lớn.

Các “điểm đen” như khu vực đường Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Lương Bằng, nút Hàng Chuối - Phạm Đình Hổ, Tông Đản - Lê Lai hay trọng điểm như Nguyễn Tri Phương - Điện Biên Phủ… năm nay có thể không còn úng ngập. Các khu vực khác thời gian tiêu thoát cũng nhanh hơn.

“Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa hoặc do nhiều công trình hạ tầng đang trong giai đoạn thi công có thể gây phát sinh nhiều điểm ngập úng khác như khu vực đường Phạm Văn Đồng, đường 70, lưu vực sông Nhuệ, khu vực Tây Hồ Tây, chân cầu Vĩnh Tuy, phố Vĩnh Hưng… Hiện nay, công ty đang phối hợp và kiên quyết yêu cầu các chủ đầu tư có công trình đang thi công thanh thải dòng chảy, xử lý các bất cập nhằm hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng khả năng thoát nước của thành phố”, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết.

Nguy cơ ngập úng còn cao

Đề cập khả năng và phương án ứng phó với mùa mưa bão trong năm 2014, ông Nguyễn Lê, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho rằng, dự báo mùa mưa bão năm nay tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp.

Mùa mưa có thể sẽ đến sớm hơn bình thường và cần đề phòng những trận mưa lớn trên địa bàn Hà Nội. Cũng như bản kế hoạch hằng năm, năm nay Công ty Thoát nước Hà Nội đã xây dựng phương án tương ứng ba tình huống (đối với những trận mưa vừa khoảng 50mm; mưa to khoảng 50mm-100mm và mưa rất to trên 100mm).

Theo Công ty Thoát nước Hà Nội, trong ba năm (2011-2013), số kilômet cống thoát nước trong nội thành của Hà Nội đã tăng lên 20%, với chi phí đầu tư hàng tỷ đồng.

Do đó, đối với những trận mưa vừa (khoảng 50 mm) hay mưa to (50 mm đến 100 mm), có thể ứng phó được. Trên địa bàn sẽ không còn điểm úng ngập mà chỉ đọng nước do đường trũng.

Những trận mưa to, cường độ trên 100 mm, công ty sẽ huy động tổng lực nhân công và phương tiện để vệ sinh họng thu nước mặt; kiểm tra, kiểm soát các cửa cống ra sông Nhuệ, đảm bảo nước sông Nhuệ không tràn vào nội thành; phá dỡ toàn bộ các đập chắn, đập dẫn dòng trên hệ thống thoát nước.

Tuy nhiên, thực tế, trong trận mưa đầu mùa ngày 27/4 cho thấy, lượng mưa đo được tại một số điểm vẫn chưa vượt trên 100mm (Hồ Tây A 95,5mm; Yên Sở 95,5mm; Long Biên 77,8mm; Đông Anh 92mm...), thế nhưng, nhiều khu vực lại bị ngập sâu.

Thậm chí, trong danh sách 10 điểm “đen”, được phía Công ty Thoát nước đưa ra có thể thoát ngập trong năm nay vẫn bị úng ngập nặng. Mới đây, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phòng chống lụt bão năm 2014, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chỉ ra hàng loạt bất cập trong phương án ứng phó khi có mưa bão, úng ngập của Hà Nội hiện nay.

Lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, khi có mưa bão nếu ở khu vực ngoại thành lo về đê điều thì khu nội thành rất lo về úng ngập nên phương án ứng phó phải rất chi tiết và chú trọng đến trách nhiệm của tất cả các ngành. Do năng lực và khả năng phòng chống lụt bão còn rất hạn chế nên trận lụt năm 2008 đã bộc lộ rất rõ năng lực của Hà Nội.

“Ngay trong nội thành bây giờ, khi mưa lớn xảy ra, năng lực tiêu thoát nước vẫn còn thấp kém, vì năng lực thoát nước thực tế hiện nay mới chỉ đáp ứng được những trận mưa có cường độ 176 mm/hai ngày đêm. Thực tế có những trận mưa tới hơn 100mm chỉ trong một ngày đã gây úng ngập.

Khi năng lực thoát nước còn hạn chế thì phương án ứng phó, năng lực điều hành phải thiết lập thật kỹ. Phải nói thật, nhận thức của các cơ quan hiện còn rất chủ quan trước bão lũ. Từ chủ quan dẫn tới buông lỏng quản lý nên tình trạng nội thành Hà Nội vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ ngập úng khi có mưa lớn”, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ rõ.
 

Theo Tiền phong

.