leftcenterrightdel
 Đoạn đường bị sạt lở ở Đà Nẵng - Quảng Ngãi
 
Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi có chiều dài gần 140km với tổng mức đầu tư khoảng 34.500 tỉ đồng (trên 1,6 tỷ USD) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác đi qua TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp (giai đoạn 1), tốc độ thiết kế 120 km/h. Dự kiến vào cuối năm 2017, toàn bộ tuyến cao tốc dài gần 140km này sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành. Ngày 2/8/2017,  65 km đầu tiên của tuyến cao tốc xuất phát từ Túy Loan (Đà Nẵng) đi Tam Kỳ (Quảng Nam) đã được thông xe và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ hơn 3 tháng đưa vào sử dụng sau đợt mưa bão vừa qua, nhiều đoạn tuyến trên cao tốc đoạn qua Quảng Nam đã bị sạt lở nghiêm trọng.
 
Tại Km 31+200 thuộc địa phận hai xã Hòa Mỹ và Quế Xuân (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), đất hai bên phần kè cao tốc bị cuốn trôi, hiện rõ mái ta luy dương nền đường, làm hỏng chân trụ tường hộ lan mềm. Tại đây có một cống thoát nước ngang tuyến đã bị bong tróc phần mố và sạt lở nghiêm trọng. Đơn vị thi công đã vá nhiều lần nhưng chưa xử lý dứt điểm. Ngoài ra, đoạn ra vào trạm thu phí Hà Lam (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có rất nhiều vị trí bị nước cuốn trôi trượt mái ta luy nền đường. Không những vậy, tại Km20+500, nền đào đá cũng bị sạt lở nghiêm trọng. 
 
Lý giải về hiện tượng sạt lở này, đại diện Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho hay, các vị trí sạt lở mái dốc taluy dương thuộc hạng mục bổ sung ngoài hợp đồng và đơn vị gia cố chưa xong. Ban Quản lý này khẳng định, nhà thầu đã thi công theo đúng bản vẽ được phê duyệt. Đoạn Km20+480 – Km20+650 địa chất khi thi công cơ bản đúng với kết quả khoan địa chất, nền đào đá bên phải tương đối ổn định, đoạn bên trái có thay đổi cục bộ với hồ sơ, xuất hiện nhiều lớp xen kẹp, bị phong hóa mạnh, đặc biệt lớp đá phong hóa hoàn toàn màu đen khi bị ảnh hưởng bởi nước ngầm và nước mặt sẽ bở rời rạc, giảm lực ma sát trong, gây mất ổn định mái dốc. Ngoài ra do địa chất khu vực này chủ yếu là cát kết, liên kết kém, đá bị phong hóa mạnh và có nhiều vết nứt nhỏ, làm tăng khả năng nứt to và phá vỡ liên kết khi gặp nước dẫn đến sụt trượt.
 
Cũng theo Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, VEC đã xin Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trương thay đổi biện pháp xử lý từ dạng khung sang dạng phun bê tông kết hợp neo và lưới thép và được Bộ GTVT chấp thuận. Hiện tại, phía bên phải đã được thực hiện xong. Còn phía bên trái, do tiếp tục bị sạt trượt, nên VEC đã báo cáo Bộ GTVT xin chủ trương ngả mái phía bên trái và cục bộ 1 đoạn ngắn bên phải. Đối với vị trí bị hư hỏng cục bộ đá hộc xây bảo vệ mái dốc tứ nón cống dân sinh, do nước trên mặt đường chảy tràn qua bó vỉa gây xói lở nền đắp... Ban đã chỉ đạo nhà thầu tháo dỡ và thi công lại, đảm bảo chất lượng. Với một số điểm xói lở mái dốc nền đường, tại khi vực nút giao Hà Lam (Quảng Nam) Ban này cho biết đã chỉ đạo nhà thầu sửa chữa ngay để đảm bảo an toàn.
 
“Khu vực nút giao này là khu vực được bàn giao mặt bằng rất muộn, do đó nhà thầu thi công chỉ hoàn thành mặt đường ngay trước khi thông xe đường cao tốc; các hạng mục phụ trợ như: trồng cỏ mái dốc, rãnh thoát nước cho mặt đường vẫn đang được tiếp tục thi công trong quá trình khai thác, do đó sẽ gặp nhiều khó khăn như vừa thi công vừa đảm bảo giao thông. Hiện tại, Ban Quản lý dự án đã chỉ đạo tư vấn giám sát và nhà thầu tiến hành khảo sát toàn tuyến để xác định các điểm xói lở nền đường cũng như các khiếm khuyết khác để chỉ đạo nhà thầu xử lý ngay, đảm bảo chất lượng công trình cũng như an toàn khai thác tuyến đường cao tốc”. Văn bản phát đi từ Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho hay.
 
 
Xuân Nha