3 năm giảm 59 "điểm đen" ùn tắc tại Hà Nội
Cập nhật lúc 16:27, Thứ hai, 02/11/2015 (GMT+7)
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông 2012-2015 của HĐND TP Hà Nội, toàn TP đã giảm được 59 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc. Theo đánh giá, giai đoạn 2016-2020, ùn tắc giao thông sẽ còn phức tạp do sức ép phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, UBND TP đưa ra mục tiêu, sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc. (điểm đen, Hà Nội, ùn tắc )
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông 2012-2015 của HĐND TP Hà Nội, toàn TP đã giảm được 59 điểm, tuyến đường ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc. Theo đánh giá, giai đoạn 2016-2020, ùn tắc giao thông sẽ còn phức tạp do sức ép phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, UBND TP đưa ra mục tiêu, sẽ giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc.
Phát triển hạ tầng gắn với nâng cao ý thức người dân
Trong giai đoạn tiếp theo, UBND TP đánh giá, mặc dù số điểm ùn tắc đã giảm mạnh nhưng do tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng phương tiện và dân số nhanh nên tình hình ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, tiếp tục phải xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu chống ùn tắc giao thông cho giai đoạn 2016-2020. Ông Phạm Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT đánh giá, tình hình ùn tắc giao thông sẽ vẫn tiếp diễn phức tạp ở khu vực phía Tây thành phố và các tuyến vành đai 3. Mục tiêu giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ tập trung giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra ùn tắc kéo dài. Dự kiến sẽ cải tạo 50 tuyến đường, nút giao và lắp đặt 56 nút đèn tín hiệu; lắp đặt 10 cầu thép lắp ghép trên sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét... lắp đặt 10 cầu vượt cho người đi bộ…
Lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, ngoài những giải pháp về hạ tầng, trong giai đoạn tiếp theo cần phân rõ, gắn trách nhiệm về chống ùn tắc giao thông cho chính quyền cơ sở, không thể chỉ trông chờ vào các lực lượng công an và thanh tra GTVT. Trong khi đó, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt, CAHN cho hay, giai đoạn tới cần quan tâm đến ATGT đường sắt. Trên địa bàn TP hiện có 581 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt nhưng có đến 401 điểm chưa có rào chắn, đèn cảnh báo.
Đặc biệt liên quan đến áp lực gia tăng của xe máy, lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ-đường sắt thông tin, trung bình mỗi tháng, Hà Nội tăng thêm 15.000 xe máy, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng. Trong khi đó, ô tô đã có quy định về niên hạn sử dụng, còn xe máy hiện nay vẫn chưa có quy định này, gây khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát. Ngoài ra, cần đầu tư, nâng cấp hệ thống camera giám sát để tăng cường phạt nguội, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của người tham gia giao thông.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng, trong 5 năm tới, Hà Nội sẽ có 2 tuyến metro đi vào hoạt động là Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội cùng với 1 tuyến buýt nhanh BRT. Do vậy, cần phải có kế hoạch tổ chức, sắp xếp lại giao thông, mạng lưới xe buýt, kết nối mạng lưới công cộng. Ngoài những dự án hạ tầng sẽ thực hiện trong thời gian tới, các ngành, địa phương cần đột phá trong cách tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, bắt đầu từ việc giáo dục trong nhà trường…
Theo ANTĐ
.