Dự kiến, phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 35 bị cáo sẽ bắt đầu từ ngày 21/12 và diễn ra trong khoảng 20 ngày, kể cả ngày Thứ bảy, Chủ nhật.
Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định đưa vụ án liên quan cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn; Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai); Đinh Quốc Thái (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) và các bị cáo ra xét xử công khai.
Trước đó, VKSND tối cao (Vụ 3) đã ban hành Cáo trạng truy tố 36 bị can trong vụ án về các tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222, khoản 4 Điều 364, khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Khoản 3 Điều 281, khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Kết quả điều tra cũng cho thấy, Công ty AIC do Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm Chủ tịch HĐQT và các công ty do AIC chỉ định tham gia 16 gói thầu và trúng toàn bộ 16 gói, với tổng giá trị hơn 665 tỉ đồng. Trong đó, 14/16 gói thầu gây thiệt hại 148 tỉ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn ký và chỉ đạo thuộc cấp ký các Phụ lục hợp đồng với Chủ đầu tư để điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng trái quy định tại Điều 57 Luật Đấu thầu năm 2005 (tương ứng Điều 67 Luật Đấu thầu năm 2013), gây thiệt hại số tiền hơn 3,5 tỉ đồng. Tổng số tiền thiệt hại là hơn 152 tỉ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá rất cao các cơ quan tiến hành tố tụng đã truy tố và đưa ra xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm, dù các bị can đang bỏ trốn.
Việc truy tố và xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật, trong đó có một số đối tượng đang bỏ trốn rất phù hợp với quy định pháp luật và nguyện vọng của nhân dân.
Để truy tố và đưa ra xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm có vai trò, đóng góp rất lớn của Cơ quan điều tra và VKSND”.
Ông Nguyễn Túc cũng nhấn mạnh, việc truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật dù đang bỏ trốn, bị truy nã đã thể hiện quyết tâm rằng, mọi hành vi vi phạm pháp luật phải bị trừng trị thích đáng và nghiêm minh.
Qua việc này cũng cảnh báo đối với những người vi phạm pháp luật, dù có bỏ trốn ra nước ngoài cũng không thoát tội và phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật.
“Pháp luật luôn bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị buộc tội trong tố tụng hình sự nhưng Nguyễn Thị Thanh Nhàn và một số đối tượng đang bỏ trốn đã khước từ các quyền theo quy định pháp luật. Phiên tòa diễn ra dù một số bị cáo vắng mặt do đang bỏ trốn là hoàn toàn phù hợp và đúng quy định pháp luật”, ông Nguyễn Túc nói.
Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Túc cũng cho rằng, đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, gây bức xúc dư luận như vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm, dù bỏ trốn mà lại tạm đình chỉ vụ án đối với bị can sẽ gây băn khoăn trong nhân dân, thậm chí với những lão thành cách mạng sẽ thấy bất bình.
Do đó, khi Viện kiểm sát ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm và chuẩn bị đưa các bị cáo ra xét xử trong những ngày sắp tới là rất hợp lòng dân.
“Chúng ta không thể dung túng, tạo điều kiện cho những người vi phạm pháp luật đã bỏ trốn ra nước ngoài mà phải trì hoãn, đình chỉ trong việc truy tố, xét xử. Mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý một cách kịp thời, như thế mới đủ sức răn đe, cảnh tỉnh”, ông Nguyễn Túc nói.
|
|
Luật gia Phạm Xuân Anh. Ảnh: NVCC. |
Luật gia Phạm Xuân Anh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang cũng bày tỏ sự đồng tình và đánh giá rất cao các cơ quan tiến hành tố tụng đã rất nhanh chóng, khẩn trương điều tra, truy tố và chuẩn bị đưa ra xét xử Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm.
Luật gia Phạm Xuân Anh cho rằng, nếu như các đối tượng vi phạm pháp luật, dù bỏ trốn nhưng việc chứng minh được các đối tượng này phạm tội, đầy đủ căn cứ, bằng chứng theo quy định pháp luật thì hoàn toàn có thể truy tố, xét xử vắng mặt bị cáo.
Đối với vụ án gây bức xúc và nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận như vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn và đồng phạm, dù nhiều đối tượng đang bỏ trốn thì việc điều tra, truy tố, xét xử một cách kịp thời là rất cần thiết.
“Việc truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội, dù đang bỏ trốn để đảm bảo pháp luật được thực thi một cách nghiêm chỉnh, mọi hành vi phạm tội, bất kỳ ai vi phạm cũng bị xử lý một cách kịp thời, đúng người, đúng tội. Có như vậy mới cảnh tỉnh, răn đe những người đang có ý định phạm tội rồi bỏ trốn”, Luật gia Phạm Xuân Anh nói.