Lô thuốc H-Capita là thuốc giả

Chiều 1/10, Hội đồng xét xử TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng (cựu chủ tịch, tổng giám đốc VN Pharma) 17 năm tù, Võ Mạnh Cường (cựu giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C) 20 năm tù, 10 bị cáo còn lại từ ba năm tù (cho hưởng án treo) đến 13 năm tù. 

Trong những ngày xét xử vừa qua, đại diện VKS đã có nhiều lập luận để phân tích, đánh giá về hành vi phạm tội của các bị cáo; về tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại về vật chất và xã hội do hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra; đặc biệt là những lập luận để khẳng định rõ: lô thuốc 9.300 hộp chữa ung thư có tên là H-Capita 500mg Caplet do các bị cáo buôn bán là thuốc giả.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKS tham gia tranh tụng tại tòa.

Theo đại diện VKS, trước hết về căn cứ pháp luật để xác định về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: thực tế hậu quả đã xảy ra toàn bộ lô thuốc giả đã được nhập khẩu trót lọt và đấu thầu thành công tại bệnh viện. Ngoài thiệt hại hơn 6 tỷ đồng cho Công ty Pharma vì nhập khẩu thuốc giả bị phát hiện, ngăn chặn không tiêu thụ được. Còn nâng khống giá thuốc để thu lợi bất chính hơn 6 tỷ đồng. Đặc biệt, nếu lô thuốc này không được kịp thời ngăn chặn sẽ được đưa vào bệnh viện để sử dụng chữa bệnh cho các bệnh nhân ung thư khi đó hậu quả xảy ra sẽ vô cùng lớn thì chắc chắn mức hình phạt dành cho các bị cáo sẽ ở khung cao nhất của hình phạt. Chính các bị cáo đã rất ăn năn về hành vi của mình là trái lương tâm, đã vi phạm tôn chỉ, đạo đức nghề nghiệp của người làm ngành dược.

Đại diện VKS khẳng định, những lập luận có căn cứ, đúng pháp luật để HĐXX và những người theo dõi phiên tòa có cái nhìn khách quan, chính xác và phù hợp với pháp luật hơn, cụ thể:

- Thứ nhất, tất cả mọi người chúng ta đều khẳng định rằng: Thuốc chữa bệnh cho người là một loại hàng hóa tiêu dùng đặc biệt, cho nên đòi hỏi Nhà nước phải có những quy định, quy trình và điều kiện cụ thể, khắt khe để thực hiện việc nhập khẩu, quản lý, sử dụng. Không những thế, bởi tính chất chữa bệnh là liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người cho nên những yêu cầu về điều kiện chất lượng thuốc đòi hỏi rất cao. Nó khác biệt hẳn với những loại hàng nhái, hàng giả là những mặt hàng phục vụ sinh hoạt thông thường như quần áo, giầy dép, đồ gia dụng… những hàng hóa này ít nhiều vẫn có giá trị sử dụng mặc dù nó không phải hàng thật. Nhưng là thuốc chữa bệnh giả thì tuyệt đối không được sử dụng để chữa bệnh.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Nguyễn Minh Hùng.

- Thứ hai, đại diện Cục Quản lý Dược (CQLD) và Cơ quan giám định của Bộ Y tế trả lời trước HĐXX luôn cho rằng: lô thuốc 9.300 hộp do các bị cáo nhập về để chữa ung thư có tên là H-Capita 500mg Caplet đang bị xét xử hôm nay chỉ giả về xuất xứ, chỉ là thuốc kém chất lượng, chứng minh bằng các tài liệu do Đoàn công tác của Bộ Y tế đi xác minh tại Ấn Độ cung cấp. Đại diện VKS thấy có một số vấn đề đã được làm rõ và cần phải trả lời rõ như sau:

Một là: Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế khẳng định chỉ có 01 chỉ tiêu (tạp chất) là không đạt, còn các chỉ tiêu khác khi thuốc nhập về đều đạt. Trong khi Kết luận điều tra, Cáo trạng, Luận tội và các tài liệu điều tra đã thu thập có trong hồ sơ đều xác định rõ nhiều chỉ tiêu khác không đạt như:

+ Màu sắc viên thuốc: Thuốc đăng ký tiêu chuẩn là màu Đỏ nhưng thuốc nhập về là màu Hồng. Có lẽ chỉ cần nhìn bằng mắt thường thì ai cũng thấy giả chứ chưa cần phải giám định;

+ Vỉ thuốc: có vỉ rỗng không có viên thuốc;

+ Một số Hộp thuốc đóng không đúng số lượng vỉ;

+ Nhãn mác ghi không đầy đủ, không chính xác thông tin được duyệt;

+ Tờ Hướng dẫn sử dụng thực tế và tờ Hướng dẫn sử dụng được duyệt ghi khác nhau về thành phần tá dược, thậm chí có hộp thuốc không có tờ Hướng dẫn sử dụng;  

Đây là những cơ sở quan trọng để một lần nữa chúng tôi khẳng định rõ: lô thuốc 9.300 hộp chữa bệnh ung thư mà các bị cáo mua về để bán cho người bệnh có tên là H-Capita 500mg Caplet là thuốc giả cả về xuất xứ và về chất lượng.

Hai là: Lô thuốc 9.300 hộp chữa bệnh ung thư có tên là H-Capita 500mg Caplet do CQLD Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu là thuốc có xuất xứ từ Công ty Helix Canada, nhưng đại diện Cục quản lý dược và Cơ quan giám định của Bộ Y tế trả lời trước HĐXX luôn cho rằng thuốc này được bảo đảm chất lượng khi xuất xưởng của một nhà máy sản xuất tại Ấn Độ. Vậy tiêu chuẩn thuốc của Ấn Độ và Canada thì có gì khác nhau? Nhà máy sản xuất thuốc tại Ấn Độ và Canada có gì khác nhau? Chất lượng thuốc được sản xuất tại Ấn Độ và Canada có gì khác nhau? Giá thuốc sản xuất tại Ấn Độ và Canada có gì khác nhau mà các bị cáo phải dùng thủ đoạn gian dối để nâng khống giá thuốc và chuyển tiền ra nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam thu lời bất chính hơn 6 tỷ đồng? Tại sao không trả lời thẳng thuốc này không đúng với tiêu chuẩn, chất lượng thuốc có xuất xứ từ Canada thì nó phải là thuốc có giá, chất lượng và xuất xứ của Canada. Là cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe nhân dân thì phải có trách nhiệm hướng dẫn về việc cấp phép nhập khẩu thuốc có chất lượng tốt nhất để phục vụ nhân dân. Nhưng, kết quả cấp phép thì lại là một công ty không có thật ở đất nước có nền y học hiện đại trên thế giới mà vẫn tìm cách né tránh trách nhiệm lớn lao này trước nhân dân.

“Các câu hỏi này đề nghị Cục quản lý dược và Bộ Y tế trả lời thì chúng ta sẽ được rõ hơn bản chất của thuốc giả trong vụ án này”, đại diện VKS nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Các bị cáo tại phiên tòa.

Nhắc nhở các luật sư lưu ý điều chỉnh phát ngôn mang tính chủ quan 

Chúng tôi những là những Kiểm sát viên thay mặt Nhà nước giữ quyền công tố tại phiên tòa đã lắng nghe và ghi nhận các ý kiến bào chữa của luật sư, bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án và nhận thấy: các luật sư, các đại diện tổ chức, cá nhân tham gia phiên tòa đã trách nhiệm trong công việc của mình để phiên tòa diễn ra công khai, nghiêm túc, dân chủ, đúng theo tinh thần cải cách tư pháp”, đại diện VKS tranh luận tại phiên tòa.

Đại diện VKS nhận định, có những luật sư không nắm vững các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia phiên tòa, chưa tuân thủ trình tự tố tụng tại phiên tòa, khi phát biểu ý kiến, trình bày bào chữa dùng những lập luận mang tính chủ quan, tùy tiện, có ý quy kết các cơ quan tiến hành tố tụng không minh bạch, không khách quan, xúc phạm đến đại diện VKS đang thực hành quyền công tố tại phiên tòa... ngay từ đầu phần xét hỏi đã phát biểu đề nghị VKS dừng phiên tòa, cho rằng đại diện VKS được VKSND tối cao phân công chỉ bảo vệ cáo trạng.

“Chúng tôi cũng muốn nhắc nhở các luật sư lưu ý điều chỉnh các phát ngôn mang tính chủ quan như vậy tránh để ảnh hưởng đến uy tín của các Cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng thời cũng ảnh hưởng đến uy tín chung của luật sư. Cũng đề nghị Chủ tọa phiên tòa khi điều hành phiên tòa không để xảy ra tình trạng trên”, đại diện VKS nhắc nhở các luật sư.

Đối với ý kiến của các luật sư xoay quanh việc VKS truy tố theo khoản 4 Điều 157 BLHS 1999 khi không có hướng dẫn qui định của pháp luật về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

VKS cho biết, theo nghị quyết 02/2003 ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hoặc thông tư 02/2001 VKSTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 hướng dẫn về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về tài sản là từ 1,5 tỷ đồng trở lên (Điều 202, 245 BLHS 1999). Đồng thời cũng hướng dẫn về hậu quả phi vật chất như luận tội đã nhận định, phân tích thì hậu quả phi vật chất trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng. Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã cụ thể hóa điều này khi quy định tại điểm d khoản 4 Điều 194 là gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

VKS xác định số tiền hơn 6 tỷ đã được chứng minh là số tiền thiệt hại thực tế xảy ra trong việc nhập lô thuốc H-Capita giả này, Công ty VN Pharma không phải của Hùng mà còn có tất cả các cổ đông góp vốn, nên thiệt hại xảy ra là thiệt hại của công ty, việc công ty không yêu cầu bồi thường là quan hệ dân sự giữa Công ty và Hùng, còn việc công ty thiệt hại thực tế đã được chứng minh. Dù với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan thì công ty vẫn bị thiệt hại và vẫn có quyền yêu cầu bồi thường, điều này đã được qui định trong BLHS.

Về việc các luật sư cho rằng các tài liệu liên quan đến các văn bản của Bộ Y tế để chứng minh nguồn gốc, chất lượng của lô thuốc H-Capita không được vận dụng.

Đại diện VKS "rất khâm phục" đoàn công tác Bộ Y tế chỉ bằng 01 chuyến đi kiểm tra nhà máy sản xuất vắc xin tiêm chủng trong 4 ngày mà đã thu thập được toàn bộ thông tin liên quan đến việc sản xuất, mua bán, vận chuyển lô thuốc H-Capita và Bộ Y tế đã chuyển các tài liệu này cho CQĐT và sau đó lại tiếp tục bằng Công văn 10987 ngày 12/6/2018 đã kết luận lô thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đạt tiêu chuẩn sản xuất tại nhà máy.

“Như vậy, các tài liệu do Bộ Y tế tự thu thập, tự thực hiện các hoạt động xác minh, hợp pháp hóa lãnh sự gửi cho CQĐT. Tất cả các tài liệu này CQĐT sử dụng đưa vào KLĐT mà chưa được kiểm tra, xác minh tính hợp pháp của các tài liệu này”, VKS phát biểu tranh tụng.

VKS nhận thấy, việc thu thập tài liệu cũng như xác nhận tính pháp lý của tài liệu để đưa vào hồ sơ vụ án không được thực hiện đúng các quy định của Bộ luật TTHS, không đảm bảo giá trị pháp lý, để làm căn cứ xác định lô thuốc 9.300 hộp của nhà máy Ấn Độ sản xuất bán cho Công ty Magnolia như tài liệu Bộ Y tế tự thu thập. Vì CQĐT chưa kiểm tra xác định tính hợp pháp của các tài liệu này.

Các nội dung này nếu thực hiện phải do CQĐT thu thập hoặc nếu thông qua các cơ quan chức năng khác thì cũng phải có các tài liệu để chứng minh việc thu thập tài liệu, cung cấp tài liệu là dựa trên yêu cầu của CQĐT và do chính đơn vị được yêu cầu cung cấp. Hiện CQĐT đang còn tiếp tục xem xét, điều tra về hành vi này nên tài liệu của Bộ Y tế thu thập không xuất phát từ các yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, vừa không đảm bảo tính pháp lý như đã phân tích và cũng không đảm bảo tính khách quan.

“Do đó, VKSND tối cao đã không sử dụng các tài liệu này để làm căn cứ xác định nguồn gốc lô thuốc H-Capita”, một lần nữa đại diện VKS nhấn mạnh.

Đối với ý kiến của các luật sư về VKS kết luận thuốc giả chất lượng là không có căn cứ. VKS cho biết, cáo trạng và luận tội đã kết luận lô thuốc H-Capita bị giả mạo nguồn gốc, xuất xứ là do công ty Helix Canada sản xuất vì kết quả điều tra xác định công ty Helix Canada là không có thật. Và cũng chính vì Công ty Helix Canada không có thật, tất cả các hồ sơ để cấp phép nhập khẩu thuốc tất cả đã bị làm giả, trong đó có tiêu chuẩn thuốc. H-Capita không phải của Helix; các tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm không phải của Công ty Helix thì chất lượng thuốc H-Capita không phải là chất lượng thuốc của Helix thì phải là thuốc giả.

Ngoài ra, nếu theo quy định tại khoản 23 Điều 2 Luật Dược thì “Thuốc kém chất lượng là thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền” thì rõ ràng chất lượng đăng ký đã bị làm giả, thì không thể xác định là chất lượng kém so với đăng ký giả mà phải xác định đây là thuốc đã bị giả về chất lượng. “Thử hỏi nếu biết đăng ký chất lượng bị làm giả có Cơ quan nào dám giám định chất lượng không. Việc các cơ quan chuyên môn có thẩm định, giám định đều không biết là hồ sơ giả, nếu các quý vị biết hồ sơ giả mà thẩm định cấp phép thì các quý vị cũng đã có mặt tại phiên tòa hôm nay với tư cách là bị cáo… Như các phần phân tích trên thì chúng tôi khẳng định thuốc H-Capita giả cả về chất lượng và xuất xứ”, đại diện VKS luận tội./.

Phi Sơn - Nguyễn Lánh