Ngày 6/10, VKSND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cho biết, đơn vị đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can thêm 10 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự trong vụ án lừa đảo 50 tỉ đồng của hơn 7.000 bị hại.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND huyện Tiên Du lấy lời khai một đối tượng trong vụ án. Ảnh: VKSND huyện Tiên Du.

Cụ thể, các bị can gồm: Phùng Minh Tuấn (SN 1997, Thạch Đà, Mê Linh, Hà Nội); Phạm Văn Thắng (SN 1996, Tùy Hồ, Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình);

Nguyễn Minh Anh (SN 1998, An Nhân, Tân Tiến, Hưng Hà, Thái Bình); Nguyễn Xuân Hải (SN 1997, Đông Sàng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội);

Trần Trọng (SN 2000, Đoài Khê, Đan Phượng, Hà Nội); Nguyễn Liên Thanh (SN 1998, Đông Sàng, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội);

Nguyễn Quang Huy (SN 1998, Quang Trung, Sơn Tây, Hà Nội); Nguyễn Khắc Ngọc Phát (SN 1999, Bắc Cường, TP Lào Cai);

Vũ Quang Vinh (SN 2002, Mường Khoa, Chiềng Khoa, Vân Hồ, Sơn La); Phan Thị Thu (SN 1993, Tiên Sơn, Duy Tiên, Hà Nam).

leftcenterrightdel
 Một người bệnh tại huyện Tiên Du bị các đối tượng lừa mua 8 triệu đồng thuốc, thực phẩm chức năng của các đối tượng. Ảnh: VKSND huyện Tiên Du.

Trước đó, VKSND huyện Tiên Du cũng đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với đối tượng cầm đầu là Phạm Viết Trung (SN 1995, ở Xuân Thành, Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Kết quả đấu tranh bước đầu làm rõ: Từ khoảng tháng 5/2022, Phạm Viết Trung thuê mặt sàn tầng 7 tòa nhà có địa chỉ ở số 251 Vũ Tông Phan (Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) làm văn phòng.

Sau khi thuê được mặt bằng, Trung mở văn phòng và thuê nhiều đối tượng làm việc tại Văn phòng có địa chỉ kể trên cho mình bằng hình thức giả danh các đơn vị y tế (Bệnh viện 103, Bệnh viện 108) để lừa đảo bán cho những người bệnh các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng qua mạng Internet.

Ngày 6/10/2022, Trung đăng ký thành lập Công ty cổ phần dược phẩm SPARTA, mã số thuế 0110142663, địa chỉ trụ sở chính tại số 104, khu liền kề La, TT Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội và hoạt động loại hình Công ty cổ phần.

Công ty do Phạm Viết Trung làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc quản lý điều hành.

leftcenterrightdel
 Tang vật vụ án. 

Để bán được các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng, Trung chia thành các nhóm kinh doanh có mô hình hoạt động như nhau.

Các nhóm kinh doanh tạo lập các Fanpage trên mạng xã hội Facebook giả mạo trang Fanpage của “Bệnh viện quân đội 108 – Chuyên khoa nội tiết” hoặc “Bệnh viện quân y 103” để đăng tải các hình ảnh, logo của các bệnh viện kể trên; các Fanpage này có tiêu đề, nội dung, hình ảnh có liên quan đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện quân đội 103.

Mục đích để người bệnh khi truy cập vào Fanpage trên sẽ lầm tưởng đây là fanpage chính thống của các đơn vị y tế (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Bệnh viện quân y 103) để lại thông tin họ tên, số điện thoại.

Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện và tự xưng là bác sỹ của Bệnh viện 108 hoặc Bệnh viện 103 để tư vấn, mời chào mua các liệu trình thuốc điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp được các đối tượng đưa thông tin sai sự thật là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền do Bệnh viện 108, Bệnh viện 103 điều chế, sản xuất để bán với giá cao hơn nhiều lần, nhằm chiếm đoạt tài sản, thu lời bất chính.

Bằng phương thức, thủ đoạn kể trên, trong thời gian từ tháng 6/2022 đến nay, Trung và đồng phạm đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tổng số tiền khoảng gần 50 tỉ đồng của hơn 7000 bị hại trên toàn quốc, trong đó có nhiều bị hại trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

Lê Thị Thúy Điệp