Tính từ ngày 27/4 đến nay, đã có 3 trường hợp sau khi hết thời gian cách ly tập trung (có 2-3 lần âm tính) lại nhận kết quả dương tính khi trở về nơi cư trú. Hậu quả là một đợt dịch mới bùng lên và đã có ít nhất 56 người trong cộng đồng đã bị lây nhiễm hoặc liên quan những trường hợp này dương tính với SARS-CoV-2. 

Trước tình trạng báo động đó, Bộ Y tế đã khẩn cấp yêu cầu các địa phương tạm thời chưa giải quyết kết thúc và cho ra khỏi khu cách ly tập trung (cả của quân đội, dân sự quản lý) đối với tất cả các trường hợp đã đủ điều kiện hết cách ly. 

leftcenterrightdel
 Trốn tránh cách ly y tế là hành vi vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm.

Trước đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng, người đi về hoặc từng qua vùng có dịch của quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19, người tiếp xúc gần với trường hợp xác định mắc COVID-19 là những đối tượng bắt buộc cách ly tập trung trong thời gian 14 ngày. Trong thời gian cách ly, các đối tượng cách ly sẽ được cung cấp suất ăn riêng, nghiêm cấm tổ chức ăn uống, hoạt động tập trung đông người. Đồng thời bị giám sát chặt chẽ việc thực hiện cách ly và sẽ bị cưỡng chế nếu không tuân thủ yêu cầu cách ly y tế.

Nếu thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt theo quy định của Bộ Y tế thì rất an toàn. Vậy nhưng, một loạt trường hợp trở thành nguồn lây nhiễm trong cộng đồng sau khi rời khu cách ly tập trung mới đây cho thấy, một số cơ sở cách ly tập trung đã lơ là, không thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn. Thậm chí đã để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly rồi lan ra cộng đồng một cách rất nghiêm trọng.

Ngoài việc không tuân thủ quy định trong các khu cách ly, công tác bàn giao, tiếp nhận người hoàn thành thời gian cách ly tập trung, theo dõi, giám sát y tế tại nơi cư trú ở một số nơi cũng được cho là còn nhiều bất cập. 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, dù không bắt buộc phải cách ly thêm 14 ngày tại nhà, những người vừa ra khỏi khu cách ly tập trung về nơi cư trú, ngoài việc phải thông báo cho chính quyền địa phương để theo dõi sức khỏe 14 ngày còn phải thông tin cho cán bộ y tế về tình hình sức khỏe, hạn chế đến nơi đông người, hạn chế tiếp xúc, nếu tiếp xúc phải có phương tiện bảo hộ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia pháp luật lại cho rằng, ngoài vấn đề ý thức, xét về quy định pháp luật, vẫn đang còn lỗ hổng trong việc quản lý những người sau cách ly tập trung. Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, Luật sư Hà Huy Từ (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Ngày 19/1/2021, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 có công văn số 425/CV-BCĐ v/v hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung. Nhưng theo Luật sư Từ thì văn bản này chỉ là công văn hành chính, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Từ đó Luật sư Hà Huy Từ cho rằng, giải pháp quan trọng nhất, cấp bách nhất hiện nay là cơ quan chức năng cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật và quyết liệt chỉ đạo việc quản lý, giám sát những người sau cách ly tập trung. “Hệ thống quy định pháp luật quản lý người sau cách ly tập trung cần chi tiết, cụ thể hơn và trên quan điểm cần xem công tác quản lý người sau cách ly phải chặt chẽ, bài bản như trong cách ly tập trung” - Luật sư  kiến nghị. 

Diễn biến dịch mấy ngày qua cho thấy vẫn đang còn có sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương. Thực tế cho thấy, công tác quản lý, giám sát 14 ngày tiếp theo tại nhà, nơi làm việc của những người nhập cảnh sau khi hết cách ly tập trung còn đang bị buông lỏng. Các ca cách ly tập trung này khi rời khỏi khu cách ly đã không có ai giám sát việc tiếp tục cách ly tại nhà. Như nhóm chuyên gia Trung Quốc sau khi hết cách ly tập trung đã di chuyển tới nhiều địa điểm, nhiều nhà hàng, quán bar… tiếp xúc với nhiều người, là nguồn lây cho nhiều ca bệnh tại Vĩnh Phúc. BN 2.899 sau khi về địa phương đã đi nhiều nơi, tụ tập liên hoan anh em bạn bè, làm lây nhiễm cho nhiều người. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều luật sư đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để răn đe. Theo đó cần khởi tố hình sự đối với các trường hợp không tuân thủ việc phòng, chống dịch làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng theo Điều 240 Bộ Luật hình sự 2015. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù với mức án cao nhất lên đến 12 năm tù. 

Đồng thời, có hình thức kỉ luật đối với các cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch. Mọi trường hợp lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, thực hiện không nghiêm các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch phải được xác định trách nhiệm tập thể và cá nhân để xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Hoài Thu