Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Hà Bắc - Bí thư Quận ủy Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), đồng chí Trần Thị Kim Oanh - Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Văn Quang - Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, các đồng chí lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP, TAND TP Đà Nẵng cùng lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên VKSND các quận, huyện trên địa bàn…
|
|
Toàn cảnh buổi tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Lê Đường – Viện trưởng VKSND quận Liên Chiểu cho biết, trong những năm qua, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, tính chất thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhiều vụ án phạm tội có tổ chức với nhiều đối tượng tham gia, trong khi thời hạn điều tra vụ án theo quy định của pháp luật có hạn, gây nhiều khó khăn, thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh phạm tội.
|
|
Đồng chí Lê Đường - Viện trưởng VKSND Liên Chiểu phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp TP Đà Nẵng đã ban hành 26 quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với 26 vụ án do VKS hai cấp TP Đà Nẵng truy tố. Trong 26 vụ án Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, cấp thành phố có 10 vụ, cấp quận huyện có 16 vụ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ và quyết định trả yêu cầu điều tra bổ sung từ Tòa án, trên cơ sở quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn hiện hành, các đơn vị VKS đã chấp nhận và tự mình điều tra bổ sung 1 vụ. Thời hạn lưu hồ sơ tại VKS đối với vụ án là 2 ngày. VKS chấp nhận và chuyển trả Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung 16 vụ, thời hạn lưu hồ sơ tại VKS đối với các trường hợp này, ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 56 ngày. VKS không chấp nhận và chuyển lại Tòa án để xét xử theo thủ tục chung là 9 vụ, Thời hạn lưu hồ sơ tại VKS đối với các trường hợp này ngắn nhất là 2 ngày, dài nhất là 32 ngày. Trong tổng số 26 vụ án mà Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung có đến 15 vụ án mà thời hạn lưu hồ sơ tại VKS là trên 10 ngày, chiếm 57, 7 %, 11 vụ án mà thời hạn lưu hồ sơ tại VKS là từ 10 ngày trở xuống chiếm 42,3%.
|
|
Đồng chí Nguyễn Hà Bắc - Bí thư Quận ủy Liên Chiểu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Các vụ án phải trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung thường là những vụ án phức tạp, các chứng cứ tài thu thập chưa đầy đủ, toàn diện, quá trình điều tra có phát sinh một số nội dung mâu thuẫn nhưng chưa được cơ quan pháp luật có thẩm quyền xác minh điều tra làm rõ.
Nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra tuân thủ theo các quy định của pháp luật, hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi phạm tội có căn cứ, bảo đảm cho quá trình giải quyết vụ án hình sự được khách quan, toàn diện, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung các quy định cụ thể các căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và các chế định liên quan đến vấn đề này.
Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật, vẫn còn phát sinh một số bất cập, vướng mắc mới, nhất là việc áp dụng thời hạn giải quyết vụ án của Viện kiểm sát trong trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung từ Tòa án.
|
|
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị. (Ảnh: LT) |
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các nội dung về quy định của pháp luật về trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung trong tố tụng hình sự, quan điểm nhận thức và thực trạng xử lý của 2 cấp kiểm sát TP Đà Nẵng, kiến nghị, đề xuất các phương án về thời hạn Viện kiểm sát giải quyết yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án,...
Tại hội nghị, lãnh đạo Quận ủy Liên Chiểu và lãnh đạo VKSND TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo đơn vị tổ chức nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp ý kiến để báo cáo lên cấp trên nhằm sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, nhất là quy định về thời hạn giải quyết vụ án của VKS trong trường hợp đã tiếp nhận hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung từ Tòa án, bởi hiện Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 vẫn chưa có quy định cụ thể là bao nhiêu ngày.
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Quang - Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: LT) |
Đồng thời, các cơ quan liên ngành tố tụng quận Liên Chiểu cần tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin, họp bàn phương án xử lý… khi có các sự vụ xảy ra nhằm đảm bảo cho việc thực thi pháp luật được công bằng, nghiêm minh, cũng như đảm bảo đúng quyền, lợi ích chính đáng của các bị can, bị cáo.