(BVPL) - Trong quá trình tìm mua các phần mềm gián điệp trên mạng về sử dụng, đối tượng cài đặt lên chính điện thoại của mình và phát hiện phần mềm này có thể theo dõi “nhất cử nhất động” của những thao tác trên chiếc điện thoại được cài đặt. Thấy nhiều người cần, đối tượng bắt đầu một chiến dịch bài bản từ việc thuê người thiết kế website, viết bài quảng cáo, chăm sóc khách hàng…để bán phần mềm nghe lén cho khách hàng, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng.


Hơn 3.700 khách hàng mua và sử dụng phần mềm nghe lén

Đối tượng chuyên bán phần mềm nghe lén, theo dõi đời tư người khác là Huỳnh Ngọc Đến (SN 1982, trú ở ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) vốn là một võ sư có tiếng. Người ta biết đến Đến không chỉ bởi tài năng võ thuật, mà còn là một một giám khảo từng được mời tham gia nhiều giải võ thuật lớn. Không chỉ là một võ sư, Đến còn mở một văn phòng dịch vụ thám tử tư để phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Trong quá trình làm việc, khách hàng tìm đến Đến chủ yếu yêu cầu theo dõi vợ, chồng, người tình hoặc đối tác làm ăn. Đến thấy nhu cầu của khách hàng lớn nên lên mạng tìm mua các phần mềm gián điệp nhằm “tối ưu hóa” công việc của mình. Trong quá trình tìm mua các phần mềm gián điệp trên mạng về sử dụng, đối tượng cài đặt lên chính điện thoại của mình và phát hiện phần mềm này có thể theo dõi “nhất cử nhất động” của những thao tác trên chiếc điện thoại được cài đặt. Thấy nhiều người cần, đối tượng bắt đầu một chiến dịch bài bản từ việc thuê người thiết kế website, viết bài quảng cáo, chăm sóc khách hàng…để bán phần mềm nghe lén cho khách hàng.

Phần mềm “Copyphone” cực kỳ nguy hiểm cho người sử dụng


Một Điều tra viên thuộc C50 cho biết, phần mềm “Copyphone” có thể đánh cắp mọi thông tin trên điện thoại từ danh bạ đến các file ảnh, video, ghi âm các cuộc gọi, sao chụp tin nhắn điện thoại mọi dữ liệu trên các tài khoản như email, Viber, Zalo, Facebook cũng bị kiểm soát. Nguy hiểm hơn, các giao dịch trên điện thoại như: lưu giữ tài khoản ngân hàng, giao dịch qua Internet banking... cũng đều bị đối tượng đánh cắp và gửi về máy chủ do Đến làm quản trị.


Do Đến nắm quyền quản trị, có thể truy cập tài khoản khách hàng trên các website trên nên hắn có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đã lấy cắp được từ máy điện thoại bị cài phần mềm “copyphone” mà không cần tới mật khẩu của người đã mua phần mềm. Nếu Đến sử dụng những tài khoản đó vào mục đích xấu, chắc chắn sẽ vượt qua tầm kiểm soát và mong muốn của chính khách hàng.

 

“Kinh doanh” một “mặt hàng” không thuộc chuyên môn, Đến không thể tự mình làm hết mọi việc nên đã thuê người cùng giúp Đến. Nhân viên thân cận nhất của Đến là Trần Thanh Huyền, một người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực thiết kế Website. Từ năm 2012, Huyền bắt đầu làm việc cho Đến. Từ đó đến ngày Đến bị bắt, Huyền đã thiết kế, xây dựng 8 trang web để Đến sử dụng đăng thông tin quảng cáo, giao dịch bán phần mềm “Copyphone”.

Trên các website mà Huyền thiết kế (theo yêu cầu Đến đưa ra), Đến đăng tải các bài viết giới thiệu về phần mềm “Copyphone”, cùng các đường dẫn, số điện thoại để người cần có thể liên hệ mua, hướng dẫn cài đặt. Nhiệm vụ của Huyền sau khi thiết kế là bảo trì, sữa chữa mỗi khi website bị lỗi. Ngoài Huyền, Đến còn tuyển thêm bốn người khác với các công việc khác nhau như: quản lý, tạo lập, xây dựng, chỉnh sửa, diệt vi rút và duy trì hoạt động của các website, viết bài quảng cáo, đăng tải bài viết lên các trang web và đăng tải lên Google+ tại các trang web quảng cáo.

 

Để tăng tính chuyên nghiệp và phục vụ khách hàng, Đến còn thuê cả nhân viên chăm sóc khách hàng, nghe điện thoại tư vấn, hướng dẫn khách hàng giao dịch mua phần mềm; Hướng dẫn khách hàng cách thức thanh toán, cài đặt. Sử dụng phần mềm, nối máy cho Đến để Đến trực tiếp tư vấn khi khách hàng khó tính thắc mắc về những vấn đề liên quan đến phần mềm “Copyphone”.

Khi mua phần mềm, khách hàng phải đăng ký một địa chỉ email và cung cấp cho Đến. Sau khi phần mềm “Copyphone” được cài đặt hoàn tất, Đến sẽ nhắn tin tên tài khoản và mật khẩu để khách hàng tự đăng nhập trên trang web của Đến, chủ động lấy dữ liệu từ điện thoại mình muốn theo dõi.

Mỗi khách hàng sau khi mua phần mềm “Copyphone” của Đến đều được dùng thử miễn phí 3 ngày trước khi quyết định có tiếp tục duy trì hoạt động của phần mềm hay không. Nếu muốn tiếp tục duy trì hoạt động, đối với các khách hàng cài đặt phần mềm trên hệ điều hành Android sẽ phải trả 3 triệu, 4,5 triệu và 7,5 triệu tương ứng cho các gói có thời hạn 3, 6, và 12 tháng.

Đối với hệ điều hành iOS, do phải bẻ khóa mới có thể cài đặt được và duy trì phần mềm hoạt động khó khăn hơn nên Đến sẽ thu phí cao hơn. Theo đó, khách hàng phải trả 6 triệu cho gói 3 tháng; 8 triệu cho gói 6 tháng và 10 triệu cho gói 12 tháng; đối với gói không giới hạn thời gian, Đến thu của khách hàng 27,5 triệu đồng.

Khi thấy điện thoại có dấu hiệu bất thường, cần cài đặt lại


Đa phần các khách hàng mua bản dùng thử phần mềm “Copyphone” đều dùng thử trong vòng 3 ngày và không gia hạn thêm. Họ chỉ nghĩ khi không trả tiền cho Đến nữa có thể chấm dứt mọi giao dịch, và Đến cũng không thể truy cập, lấy các thông tin từ chiếc điện thoại được cài đặt. Tuy nhiên, họ không biết rằng nếu muốn Đến vẫn có thể truy cập, khai thác mọi dữ liệu phục vụ cho mục đích riêng của hắn. Các trinh sát Phòng 2, C50 khuyến cáo, nếu nghi ngờ bị cài phần mềm nghe lén, nạn nhân có thể sử dụng câu lệnh *#55555#ok để kiểm tra. Để chắc chắn hơn, khi người dùng điện thoại thấy điện thoại của mình có những dấu hiệu bất thường như nhanh hết pin, máy nóng, không tắt được định vị…thì nên cài đặt lại để loại bỏ các phần mềm chạy ngầm, trong đó có thể có cả phần mềm nghe lén.

 

Đến khai rằng, Đến biết việc bán các phần mềm này là phi pháp, nên để tránh bị lộ, Đến không bao giờ ra mặt mà thực hiện tất cả các giao dịch thông qua internet hoặc điện thoại. Khi có người đặt mua “Copyphone”, Đến gửi phần mềm hoặc đường link của phần mềm qua email, tin nhắn điện thoại và hướng dẫn khách hàng cài đặt.

 

Để chắc chắn hơn, Đến chỉ nhận thanh toán thông qua thao tác chuyển khoản tại ngân hàng chứ không nhận thanh toán trực tiếp. Tinh vi hơn, Đến không bao giờ yêu cầu khách hàng thanh toán qua tài khoản mang tên mình, mà nhờ người ra các tiệm cầm đồ mua chứng minh nhân dân để mở tài khoản ngân hàng, nhằm nhận tiền thanh toán. Đến không ngờ được rằng, dù hoạt động tinh vi nhưng vẫn không thể qua mặt được Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an.

 

Lật mặt…

Phát hiện những phần mềm nghe lén được bán công khai, tràn lan, C50 – Bộ Công an đã lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, C50 đã có đầy đủ tài liệu, chứng cứ, lý lịch của đối tượng bán phần mềm “Copyphone” nên đã báo cáo lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT tổ chức đấu tranh, bắt giữ đối tượng Huỳnh Ngọc Đến, thu giữ nhiều máy tính, ổ cứng, USB, điện thoại di động, dữ liệu trong các hộp thư điện tử cá nhân, dữ liệu trong các website, các tài liệu, chứng cứ khác do Đến sử dụng làm công cụ thực hiện hành vi truy cập bất hợp pháp, xâm phạm đến đời tư của người khác.

Tại Cơ quan điều tra, Đến thừa nhận việc mình bán phần mềm nghe lén là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn nhắm mắt làm liều vì lợi nhuận. Đến cũng tỏ ra chủ quan vì phần mềm này có chức năng chạy ngầm trên điện thoại, bí mật lấy cắp tất cả các dữ liệu, tài khoản mà nạn nhân không hề hay biết nên không dễ gì bị nạn nhân và cơ quan chức năng phát hiện.

Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ có tổng số 3.762 khách hàng đã cài đặt phần mềm “Copyphone” của Đến, trong đó 3.452 khách hàng chỉ dùng thử trong thời gian 3 ngày, 310 khách hàng khác đã gia hạn thời gian sử dụng phần mềm và chuyển trả cho Huỳnh Ngọc Đến với tổng số tiền là 1,384 tỷ đồng.

Với những chứng cứ, tài liệu thu thập được, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Huỳnh Ngọc Đến về tội “Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác”.
 

Việt Hoa

.