Hỏi ra mới biết để tránh bị bắt vì vi phạm bản quyền theo Công ước quốc tế mà Trung Quốc đã ký kết, dân làm hàng giả, hàng nhái ở Quảng Châu chỉ gắn nhãn hiệu khi nào người mua yêu cầu, còn chưa gắn thì chẳng sợ gì hết! A Dìn nói: "Mua 1 cái không bán đâu, mua 5 cái trở lên mới bán". Tôi hỏi nếu tôi đặt làm 100 cái thì giá bao nhiêu, và chừng nào có hàng?



Rồi A Dìn vẫy tôi theo anh ta vào thang máy. Lên đến tầng 5, anh ta quẹo trái, đi thẳng rồi rẽ trái và dừng lại trước một cánh cửa kim loại màu xám. Bấm một loạt số trên tấm bảng điều khiển gắn bên cạnh cửa, Dìn cho tôi biết đây là kho hàng, ngoài túi xách Gucci thì còn nhiều loại khác, tôi tha hồ chọn.

Cửa mở, kho tối om. Khi những bóng đèn compact sáng lên, tôi thấy phải đến cả trăm thùng các tông, thùng nào thùng nấy bề ngang cỡ 60cm, cao khoảng 80cm, hai bên hông in hình cây dù và mấy dòng chữ Tàu, có lẽ là "đừng để bị ướt".

Trong đầu tôi lúc ấy nổi lên 2 điều: Một là làm sao chụp được cái kho này. Móc điện thoại ra chụp thì A Dìn sẽ biết ngay vì trong kho chỉ có tôi và anh ta. Hai là - và điều này mới quan trọng nhất - tôi phải làm sao để lát nữa khi xuống, tôi không mua thứ gì hết mà A Dìn và bà chủ tiệm không… nổi điên vì qua cách tiếp xúc với tôi, họ tưởng tôi là "khách sộp!".

Đi thẳng vào trong, A Dìn kéo ra một chiếc thùng các tông rồi mở nắp. Trong thùng, cả chục chiếc túi "Gucci" nằm xếp lớp. Loại túi này, các siêu thị thời trang cao cấp ở Sài Gòn bán mỗi chiếc vài chục triệu nhưng sau khi chứng kiến cái đống đồ giả y như thật ấy, giá chỉ có 1,7 triệu đồng, tôi phân vân tự hỏi không biết túi Gucci ở Sài Gòn liệu có "thật" không!

Kéo một chiếc thùng khác, A Dìn giới thiệu đây là túi Prada, chỉ cần gắn mác vào là thành "hàng hiệu" liền. Thật lòng mà nói, nếu chỉ lấy tư liệu để viết bài mô tả chuyện buôn bán hàng nhái, hàng giả ở Quảng Châu thì như vậy xem ra đã đủ. Nhưng cái thằng tôi có tật đã làm gì thì phải làm cho ra trò nên bữa cơm chiều hôm ấy, tôi đề nghị với Trần rằng bằng cách nào đó, anh tìm hiểu giúp tôi về nơi sản xuất hàng giả và các công đoạn của nó. Suy nghĩ một lát, Trần nói: "Bạn tôi toàn dân mua bán dừa sấy nên không hiểu tụi nó có biết không. Nhưng thôi, để tôi hỏi thử. May ra trong số đó có đứa rành chuyện này".

3. Và chỉ đến khi ngồi trên máy bay về TP HCM, Trần mới kể túi xách giả hiệu Prada chủ yếu được sản xuất tại làng Yongtai, quận Bạch Vân. Trần nói: "Bạn tôi cho biết cứ mỗi "nhà máy" chỉ rộng chừng 200m2 với 30 công nhân, họ làm ra 100 túi Prada mỗi ngày".

Với túi xách nhái nhãn hiệu Chanel, nó được làm tại làng Xinjang thuộc quận Huadu rồi được vận chuyển đến chợ đồ da Tianhong.

Vẫn theo Trần, hàng nhái được chia thành nhiều lớp, trong đó lớp AA là tốt nhất - nghĩa là giống y như thật nhất. Tiếp theo là lớp A rồi đến lớp B, lớp C: "Lớp A giống đến 95% so với hàng thật, lớp B khoảng từ 85 đến dưới 95%, còn lớp C thì thấp hơn".

Quá trình làm giả bắt đầu bằng việc nghiên cứu. Trần nói, chủ cơ sở làm giả sẽ mua một chiếc túi xách thật rồi đem về tháo tung: "Việc tháo túi cũng được tiến hành rất kỹ lưỡng để quan sát những đường chỉ khâu ở các nếp gấp, các mối nối vì những chỗ này rất dễ bị phát hiện ở hàng giả, chưa kể một số hãng còn có những ký hiệu đặc biệt in chìm tại một vị trí bí mật nào đó trong túi để chống làm giả…".

Tiếp theo, một "chuyên gia" sẽ nghiên cứu xem chỉ khâu được cấu tạo bằng chất liệu gì, gồm bao nhiêu phần trăm nylon và bao nhiêu phần trăm cotton, màu sắc, độ bền ra sao. Tương tự như vậy, "chuyên gia" về da sẽ đánh giá độ dày, độ mềm, màu sắc, hoa văn in trên da để đặt hàng với các cơ sở thuộc da.

Riêng khóa kéo, nhãn mác, đã có "chuyên gia" cơ khí, xi mạ kim loại: "Trung bình mỗi cái túi xách có từ 4 - 6 loại nguyên vật liệu. Ở khâu cuối cùng là khâu dập nhãn mác lên sản phẩm lớp AA, chỉ có một số ít công nhân tay nghề cao mới được giao làm việc này vì nó đòi hỏi sự chính xác đến mức tối đa".

Chưa hết, lúc ngồi taxi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà, Trần còn dành cho tôi một món quà nữa: "Điện thoại anh mở chưa? Tôi bắn bluetooth cho anh hai tấm hình này". Đó là hình chụp một "nhà máy" làm túi xách giả ở làng Xinjiang. Qua khung cửa sổ, một thanh niên đang ráp thử một mẫu túi xách bằng da màu trắng, còn tấm hình kia là hai thanh niên đang khiêng một gói lớn từ trên xe xuống mà theo lời Trần: "Họ vận chuyển túi xách giả đến nơi tiêu thụ".

Trở lại chuyện A Dìn, khi theo anh ta xuống lại quầy hàng, tôi quyết định sẽ nài nỉ để mua bằng được một chiếc túi xách Gucci với lý do "đem về cho sếp tôi ở Sài Gòn xem rồi mới quyết định". Quả như lời Dìn nói, bà chủ tiệm thoạt đầu nhất mực nguây nguẩy không bán nhưng thấy tôi "hót" dữ quá, bà mới phán một câu thẳng thừng: "Một cái thì phải trả 800 tệ" - nghĩa là gần 2,8 triệu đồng.

Giương lên trước mắt tôi cuốn ca-ta-lô to như cuốn lịch treo tường, lại còn cười toe toét trong lúc đợi A Dìn lên kho dập nhãn mác, bà chủ tiệm nói một tràng tiếng Tàu. Chẳng hiểu gì cả nhưng tôi đoán bà đang tiếp thị cho tôi để tôi về "báo cáo sếp".

Trong cuốn ca-ta-lô ấy, mỗi trang là hàng chục mẫu mã của những hãng sản xuất túi xách lừng danh mà chiếc đắt nhất cũng chỉ hơn 3 triệu đồng trong lúc nếu là hàng thật, người mua phải "xùy" ra không dưới 50 triệu…

(Còn nữa)

 

Theo An ninh thế giới

.