Hai đối tượng phạm tội, gồm: Lê Trần Khanh, sinh năm 1994, hộ khẩu thường trú tại số 31B Lê Quý Đôn, phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Chỗ ở hiện nay số 10 Bà Triệu, phường Phú Hội, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyễn Ngọc Hải, sinh năm 1988; chỗ ở tại số 8/53 Hàn Mặc Tử, phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiến Huế.
Trong đó, Lê Trần Khanh là đối tượng chủ mưu, thực hiện hành vi hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Nguyễn Ngọc Hải là đối tượng đồng phạm, được Lê Trần Khanh giao quản lý tài khoản ngân hàng nhận tiền chiếm đoạt. Sau mỗi lần chiếm đoạt tiền thành công, Khanh chia cho Hải 10%.
|
|
Hai đối tượng tại cơ quan Công an. |
Từng được đào tạo ngành công nghệ thông tin tại Trường Đại học Huế nên Khanh có kiến thức và am hiểu về các ứng dụng trên nền tảng internet. Vậy nhưng, Lê Trần Khanh lại không chọn công việc chân chính để phát huy kiến thức chuyên môn được đào tạo mà chọn “lang thang” trên mạng internet, tìm những tài khoản mạng xã hội zalo, facebook để thực hiện hành vi chiếm quyền sử dụng rồi nhắn tin cho người quen của chủ tài khoản để hỏi vay tiền qua hình thức chuyển khoản để chiếm đoạt.
Theo Thiếu tá Phạm Văn Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Nam Định cho biết, Lê Trần Khanh vào các trang mạng facebook của người khác, tìm thông tin cá nhân của chủ tài khoản (ngày, tháng, năm sinh; số CCCD, biển số xe...). Sau đó, Khanh dùng thông tin cá nhân của chủ tài khoản facebook đăng nhập vào tài khoản zalo của họ.
Khi đã chiếm được quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội zalo, Khanh giả mạo là chủ tài khoản, nhắn tin cho người quen của chủ tài khoản hỏi vay tiền rồi chiếm đoạt. Khi giả mạo là chủ tài khoản, Lê Trần Khanh lấy lí do đang khó khăn về kinh tế, rất cần sự giúp đỡ rồi nhắn tin hỏi vay với số tiền không lớn để nạn nhân ít nghi ngờ.
Chỉ trong ngày 26/8/2022, Lê Trần Khanh đã hack tài khoản zalo của chị T.T.H, ở thành phố Nam Định, giả là chủ tài khoản nhắn tin cho 3 người bạn của chị H hỏi vay tiền qua hình thức chuyển khoản. Nghĩ là chị H nhắn tin nên 3 người bạn đã chuyển khoản tổng cộng 30 triệu đồng và bị Lê Trần Khanh chiếm đoạt hết.
Qua công tác nắm tình hình địa bàn và trinh sát trên không gian mạng, Đội Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Nam Định phát hiện có nhiều người bị lừa tiền với thủ đoạn hack tài khoản zalo, facebook của người quen rồi nhắn tin hỏi vay tiền. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Thông tin được báo cáo lên lãnh đạo Công an thành phố Nam Định và các trinh sát nhận lệnh phải nhanh chóng điều tra, xác minh, làm rõ vụ án; bắt giữ đối tượng phạm tội.
Sau một thời gian điều tra, xác minh, Công an thành phố Nam Định đã làm rõ đối tượng trực tiếp đánh cắp tài khoản zalo, facebook để lừa tiền là Lê Trần Khanh cùng đối tượng đồng phạm là Nguyễn Ngọc Hải. Ngày 11/1/2023, Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Nam Định triển khai phương án bắt giữ hai đối tượng tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và tại tỉnh Quảng Trị. Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội của bản thân.
Qua đấu tranh, Lê Trần Khanh còn khai nhận, đã hack tài khoản zalo, facebook, mạo danh chủ tài khoản thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nhiều người ở các tỉnh, thành trong cả nước. Trong 2 tháng 8 và 9/2022, Lê Trần Khanh đã hack tài khoản mạng xã hội và lừa nhiều nạn nhân với tổng số tiền chiếm đoạt khoảng 1 tỉ đồng.
Công an thành phố Nam Định đề nghị những ai là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội hãy liên hệ Đội Cảnh sát hình sự để được giải quyết theo quy định.
Qua công tác điều tra, xác minh các vụ án về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Thiếu tá Phạm Văn Sơn – Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Nam Định nhận thấy, nhiều người lấy thông tin cá nhân (ngày, tháng, năm sinh, số CCCD, số nhà, biển số xe...) làm mật khẩu các tài khoản mạng xã hội của bản thân. Trong khi thông tin cá nhân lại được kê khai trong các ứng dụng mạng xã hội và được để ở chế độ mở. Đây chính là sơ hở để các đối tượng lừa đảo lợi dụng để hack tài khoản mạng xã hội hoặc tạo nên những tài khoản giả mạo để lừa tiền chính người thân, bạn bè của chủ tài khoản.
Hiện nay, có rất nhiều người sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram... Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội cần luôn cảnh giác; hãy bảo mật thông tin cá nhân; không đặt mật khẩu bằng thông tin cá nhân. Tuyệt đối không truy cập các đường link, liên kết trong tin nhắn/email lạ hoặc không rõ nguồn gốc. Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, phải gọi điện trực tiếp kiểm tra, xác minh.
Nếu không may bị lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải trình báo ngay cơ quan Công an để liên hệ các ngân hàng nhằm tra soát những giao dịch, phong tỏa tài khoản. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được tiền.
Không ai khác, chính mỗi người phải tự nâng cao cảnh giác, trình độ hiểu biết pháp luật, công nghệ để tránh bị lừa. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an để kịp thời xử lý.
Theo Bộ luật Hình sự, mức án phạt cao nhất với đối tượng lừa đảo qua mạng lên tới 20 năm tù. Một mức phạt được kỳ vọng sẽ góp phần giảm mạnh loại hình tội phạm này./.