Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát hành báo cáo thường niên “Hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo”, đánh giá các nỗ lực của cơ quan chức năng 62 tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận, xử lý các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo trong năm 2021 (trừ tỉnh Bạc Liêu không ghi nhận vi phạm).

Trong năm 2021, số vụ vi phạm do người dân thông báo được ENV chuyển giao đến cơ quan chức năng là 1.056 vụ việc. Tỉ lệ phản hồi trung bình với các vi phạm do người dân thông báo trên cả nước (tỉ lệ số vụ vi phạm do người dân thông báo được cơ quan chức năng xử lý) vẫn tiếp tục cao, đạt 97% (năm 2020 là gần 98%).

leftcenterrightdel
 Cá thể khỉ từng bị nuôi nhốt tại nhà dân. (Ảnh: ENV).

Trong cả nước, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về nỗ lực xử lý vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo, đạt kết quả toàn diện trên mọi tiêu chí đánh giá, với tỉ lệ phản hồi báo cáo vi phạm đạt 100%. Đà Nẵng đạt tỉ lệ xử lý thành công các vi phạm là 52,9% và tỉ lệ xử lý thành công vi phạm liên quan đến động vật hoang dã còn sống đi đầu cả nước đạt 80%.

Mặc dù vậy, tỉ lệ xử lý thành công các vụ vi phạm về động vật hoang dã nói chung và đặc biệt là tỉ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến động vật hoang dã còn sống đều giảm so với năm 2020. Tỉ lệ xử lý thành công là 28,9% (tỉ lệ số vụ vi phạm được xử lý có kết quả là tịch thu/chuyển giao động vật hoang dã và/hoặc xử phạt các đối tượng vi phạm). Tỉ lệ xử lý thành công liên quan đến động vật hoang dã còn sống là 29,8% (Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của cơ quan chức năng do cần phải xử lý nhanh chóng để thành công).

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai địa phương ghi nhận số vụ vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo cao nhất cả nước. Đồng thời, cơ quan chức năng của hai địa phương đã tích cực phản hồi các vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo tuy nhiên hiệu quả công tác xử lý tại hai thành phố lớn vẫn chưa đạt mức kỳ vọng. Tại TP Hồ Chí Minh, tỉ lệ xử lý thành công đối với vi phạm liên quan đến động vật hoang dã còn sống chỉ đạt 15,8%, đều dưới mức trung bình của cả nước.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do tác động của dịch COVID-19 dẫn đến sự chậm trễ trong công tác xử lý thông tin vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng các địa phương cũng cần tiếp tục cải thiện năng lực xử lý các vi phạm về động vật hoang dã được người dân thông báo để đạt được tỉ lệ thành công cao hơn trong những năm tới.

leftcenterrightdel
 Hiệu quả chung trong công tác xử lý các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo trên cả nước.

Bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV chia sẻ: “Tỉ lệ phản hồi trung bình đạt 97% là một kết quả rất khả quan, thể hiện cơ quan chức năng các địa phương đã quan tâm và tích cực “lắng nghe” cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, chúng ta cần làm tốt hơn nữa để đạt được tỉ lệ xử lý thành công cao hơn, các cơ quan chức năng phản hồi nhanh chóng và hiệu quả khi xử lý các tin báo vi phạm cũng như áp dụng các hình thức xử phạt nghiêm khắc với các đối tượng vi phạm trong mọi trường hợp. Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan chức năng sẽ xử lý thành công hơn 50% các vi phạm về động vật hoang dã do người dân thông báo để cho thấy pháp luật đang được thực thi, tạo tính răn đe tốt hơn cho những đối tượng đã và đang có ý định vi phạm”.

 

Lê Tâm