leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh:TH)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước, MTTQ triển khai mạnh mẽ, rộng khắp từ Trung ương đến địa phương. Nhiều nghị quyết, văn bản pháp luật về đấu tranh PCTN được ban hành. Bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, được đông đảo cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ nhất là việc phát hiện, xử lý kỷ luật đối với nhiều cán bộ, công chức, trong đó có cả các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng đã được điều tra và đưa ra xét xử…Tuy nhiên, cuộc đấu tranh PCTN bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của nhân dân. Vì vậy, PCTN là nhiệm vụ sống còn không riêng một ngành nào, một cơ quan nào mà là của toàn xã hội, trong đó có MTTQ Việt Nam.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, ngay từ đầu năm 2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra cho MTTQ Việt Nam phải tích cực tham gia công tác đấu tranh PCTN lãng phí, để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên. Trong thời gian qua, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai các nội dung công tác phòng chống tham nhũng, tại Hội nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam lần thứ sáu, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về việc Mặt trận với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí và phát động giải báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiến hành sơ kết 3 tháng, 6 tháng về việc MTTQ và báo chí đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. (Ảnh:TH)

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, MTTQ các cấp vẫn chưa tích cực, quyết liệt trong công tác đấu tranh PCTN, lãng phí. Hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến công tác này chưa đầy đủ, hoàn thiện; những quy định về giám sát của Mặt trận mới chủ yếu là những quy định có tính chất chung và chủ yếu quy định quyền năng giám sát, chưa có những quy định cụ thể và đầy đủ về trách nhiệm. Chính vì vậy, đại biểu tham dự Hội thảo sẽ cùng thảo luận, đánh giá và đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường vai trò, hiệu quả của MTTQ Việt Nam trong công tác PCTN, sao cho thực sự thiết thực và hiệu quả.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, công tác PCTN của MTTQ Việt Nam xuất phát từ vị trí, chức năng và nhiệm vụ của  MTTQ  Việt Nam. MTTQ đại diện, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tham nhũng là kẻ thù của nhân dân, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân nên với trách nhiệm đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân, MTTQ Việt Nam phải tham gia quyết liệt vào công cuộc PCTN.

Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, trong công tác PCTN của MTTQ, vai trò và sự tham gia của quần chúng nhân dân chiếm một vị trí rất quan trọng. Thực tiễn cũng đã khẳng định, chính nhân dân mới là những người tích cực nhất trong việc phát hiện những hành vi tham nhũng; những thông tin, phản ánh của người dân, sự vào cuộc của báo chí là kênh hết sức quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xác minh, xử lý. Tự thân MTTQ không thể tham gia PCTN có hiệu quả nếu không dựa vào nhân dân, các tổ chức thành viên, vào các hình thức giám sát, phát huy dân chủ ở cơ sở như Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng và sự tham gia trực tiếp của người dân.

Về các kết quả đạt được của MTTQ trong PCTN thời gian qua, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết, MTTQ đã kiên trì vận động các tầng lớp nhân dân tham gia PCTN; tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng pháp luật về PCTN; tiến hành các hoạt động giám sát và đã có những kết quả bước đầu. Các hình thức giám sát của MTTQ được triển khai thường xuyên, Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên từng bước tích cực thực hiện chức năng giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở cơ sở; phối hợp giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ chốt do HĐND cấp xã bầu; phát hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vụ việc tham nhũng và giám sát giải quyết các vụ việc đó… Cùng với đó, tiếp nhận thông tin của nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri, đơn thư, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, trong đó có kênh báo chí...

leftcenterrightdel
 Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh:TH)

Nói về nguyên nhân của các hạn chế, tồn tại trên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, những năm qua, trong công tác PCTN, MTTQ và các tổ chức thành viên chủ yếu đóng vai trò tham gia, hưởng ứng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước mà chưa thực sự là một chủ thể độc lập, có tiếng nói độc lập để tham gia ý kiến với Đảng, Nhà nước và đại diện cho nhân dân để giám sát, góp ý, phản biện xã hội liên quan đến công tác PCTN. Việc vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh PCTN còn chưa được quan quan tâm đúng mức. Chưa có cơ chế hữu hiệu để tạo điều kiện cho nhân dân cũng như các cơ quan báo chí tố giác, phát hiện các hành vi tham nhũng và giám sát hoạt động với cơ quan công quyền. Vấn đề dân chủ hóa hoạt động cả các cơ quan nhà nước, công khai hóa thông tin để nhân dân có thể giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước mới tiến hành được bước đầu. Có nơi vẫn còn tình trạng che giấu thông tin về tham nhũng vì cho rằng đó là vấn đề nhạy cảm...

Do vậy, MTTQ tổ chức hội thảo nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác PCTN của Mặt trận, trong đó cần làm rõ tiếng nói của MTTQ nên thế nào khi có vụ việc tham nhũng mà dư luận, nhân dân quan tâm; làm gì để phát huy sự vào cuộc của người dân tham gia PCTN; cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân, bảo vệ người tố cáo tham nhũng nên như thế nào, cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các lực lượng PCTN ra sao?... “Đặc biệt, cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, về sự quan tâm gia đình, nuôi dạy con, chế độ một vợ, một chồng, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh...”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng trong công tác PCTN. MTTQ Việt Nam tham gia và giám sát công tác xây dựng chính sách, pháp luật góp phần làm cân bằng các khía cạnh chính sách, giảm thiểu tác động của các “nhóm lợi ích” tới chính sách, pháp luật, ngăn chặn tham nhũng ngay từ đầu. Quy định của pháp luật về giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là cơ cở chính trị là cơ sở để Mặt trận thực hiện công tác giám sát, phản biện, nhất là đối với các tổ chức đảng và đảng viên… Thực tiễn cho thấy, thông qua tuyên truyền, vận động của MTTQ các cấp, người dân đã tham gia ngày càng tích cực vào công tác kiểm tra, giám sát, việc xây dựng quy chế, quy định của đơn vị, địa phương. Công tác thanh tra nhân dân, góp phần quan trọng trong việc phát hiện các vụ việc tham nhũng.

Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định, PCTN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Với cách hiểu về tham nhũng theo quy định hiện hành, “căn bệnh” tham nhũng bắt nguồn chủ yếu từ cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức - những tổ chức và cá nhân có quyền lực trong hệ thống nhà nước, tổ chức chính trị. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào quyền lực và hệ thống quyền lực nhà nước để loại trừ “bệnh quyền lực” trong bộ máy nhà nước sẽ khó đạt hiệu quả. Chính vì thế, dựa vào quần chúng nhân dân, huy động nhân dân tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN là biện pháp quan trọng và sẽ là có hiệu quả nhất….
 

Thu Hà/ĐCSVN