Phát biểu tại Hội nghị sơ kết phòng, chống tham nhũng (PCTN) 5 năm, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Tội phạm tham nhũng thường là những “chủ thể đặc biệt”, là người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, am hiểu pháp luật; đa số vụ án xảy ra lâu mới bị phát hiện, được che đậy tinh vi... Trong khi đó, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh có liên quan đến nhiều quy định mới của nhà nước, nhiều nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc áp dụng của cơ quan tiến hành tố tụng đôi lúc khác nhau, ảnh hưởng tiến độ điều tra án.
Thực tế, các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng thường có nhiều hành vi phạm tội phải chứng minh, như: cố ý làm trái, vi phạm các quy định cho vay, tham ô, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm... với số lượng vài chục bị can, hàng trăm đối tượng liên quan, có vụ hàng ngàn người bị hại, phải lấy lời khai ở nhiều tỉnh, thành đặt ra áp lực rất lớn cho cơ quan điều tra trong đảm bảo tiến độ và yêu cầu điều tra triệt để các vụ án. Đơn cử, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như phải trả lại hồ sơ, điều tra nhiều lần. Phải qua 38 lần họp mới thống nhất được tội danh của Như là lừa đảo chứ không phải tham ô tài sản.
Bên cạnh đó, việc điều tra án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, nhất là các nước Việt Nam chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp rất khó khăn. Nhiều vụ không có trả lời từ phía nước ngoài, ảnh hưởng đến tiến độ vụ án.
Đặc biệt là những vướng mắc trong giám định tư pháp cũng là khó khăn trong việc điều tra án tham nhũng. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có nội dung khối lượng trưng cầu giám định nhiều, kỹ thuật phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng trình độ chuyên môn của nhiều giám định viên chưa đáp ứng yêu cầu; kết luận giám định còn chung chung, chưa trả lời đúng câu hỏi; nhiều trường hợp né tránh, phải giám định nhiều lần mới cho kết quả. Đơn cử, vụ án Phạm Công Danh phải giám định 5 lần, kéo dài gần 2 năm mới kết luận được.
Từ những vướng mắc trên, đại diện Bộ Công an đã đề nghị sửa đổi nhiều quy định của pháp luật, như luật Giám định tư pháp; luật Phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn thống nhất về xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại và áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; thành lập tổ liên ngành về giám định tư pháp để điều phối đôn đốc công tác giám định, đảm bảo tiến độ điều tra; tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy nhanh ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp
Bên cạnh đó, cũng theo đại diện Bộ Công an, để thực hiện hiệu quả án tham nhũng, cần phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tố tụng, thành lập tổ liên ngành khi cần thiết để trao đổi, nắm bắt kết quả, tiến độ và giải quyết vấn đề nảy sinh; hạn chế điều tra bổ sung, điều tra lại nhiều lần. Phối hợp có hiệu quả với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác định hướng dư luận, không để xuyên tạc, gây mất ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.
Trần Tâm