|
|
Dự án BOT tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP HCM - Trung Lương "đắp chiếu" sau nhiều năm triển khai. (Ảnh: MP) |
Theo Cơ quan điều tra, đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm, được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an theo dõi tiến độ, kết quả điều tra, xử lý.
Trước đó, như báo BVPL đã thông tin, liên quan đến dự án BOT đường nối cao tốc TP HCM - Trung Lương với đại lộ Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký Văn bản số 2158/UBND-DA chấp thuận chủ trương ngừng thực hiện dự án.
Theo đó, UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ động làm việc, trao đổi nghiệp vụ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn các thủ tục liên quan về ngừng thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố, tham mưu đề xuất UBND Thành phố theo đúng quy định trong tháng 7/2022.
Đồng thời tham mưu, đề xuất UBND TP HCM bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định.
UBND TP HCM cũng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, sau khi được giao nhiệm vụ lập đề xuất chủ trương đầu tư dự án, khẩn trương nghiên cứu thực hiện dự án theo hình thức BOT và xem xét hướng tiếp cận kết nối với đường Vành đai 3 TP HCM nhưng không làm ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng của dự án đã thực hiện, không ảnh hưởng chi phí đầu tư gồm phần chi phí thanh toán hợp pháp mà nhà đầu tư đã thực hiện và phần chi phí đầu tư còn lại của dự án, sớm trình cấp thẩm quyền xem xét, hoàn thành trong quý III/2022.
Trong cùng diễn biễn xử lý vụ việc này, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ký Văn bản số 2157/UBND-DA đề nghị Kiểm toán Nhà nước quan tâm, chấp thuận bổ sung kế hoạch kiểm toán dự án nói trên theo hình thức BOT trong năm 2022. Lý do cần cơ quan Kiểm toán Nhà nước “vào cuộc” là vì dự án BOT đường nối cao tốc TP HCM – Trung Lương với đường Võ Văn Kiệt chỉ có thể triển khai tiếp trong trường hợp chấm dứt trước thời hạn với nhà đầu tư và ngân hàng cho vay phải tiếp nhận và đề xuất nhà đầu tư mới thay thế.
Sớm hoàn tất thủ tục chấm dứt thực hiện trước thời hạn hợp đồng BOT đã ký kết nhằm hạn chế phát sinh các chi phí liên quan thanh toán cho nhà đầu tư, công tác kiểm tra hồ sơ quyết toán được thuận lợi và sớm tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành và đưa công trình vào khai thác.
Để đi đến quyết định nói trên, các cơ quan chức năng TP HCM đã nhiều lần bàn họp, tìm phương án tháo gỡ. Gần nhất, UBND TP HCM đã quyết định chấm dứt trước thời hạn hợp đồng BOT với tính chất chưa có tiền lệ. Như vậy, đến nay "số phận" dự án BOT đầy tai tiếng này đã được “định đoạt”. Tính đến nay, tiến độ giải ngân dự án rất thấp, chỉ đạt khoảng 140 tỉ đồng (tương đương 12% khối lượng xây lắp) trong khi thời gian thực hiện dự án được duyệt là từ năm 2015 – 2017.
Cùng với đó, ngày 15/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đã có Văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị quan tâm chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT sớm cử giám định viên để thực hiện giám định theo Quyết định trưng cầu giám định số 262-P04 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP Đầu tư Yên Khánh trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Võ Văn Kiệt đến đoạn nối vào cao tốc TP HCM - Trung Lương dưới hình thức hợp đồng BOT. Đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm, được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an theo dõi tiến độ, kết quả điều tra, xử lý.
Một dự án có số vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng nhưng thẩm định, chỉ định, phê duyệt nhà đầu tư “ lỏng lẻo”, dẫn đến giao dự án nghìn tỉ cho nhà đầu tư yếu kém về tài chính, năng lực thi công, làm ăn thua lỗ như tập đoàn của “ Út trọc” để đầu tư thực hiện dự án là có vấn đề. Dư luận cho rằng vụ việc cần được điều tra làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh.