leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên tòa.

Trong vụ án này, tranh chấp diễn ra giữa nguyên đơn ông Trần Văn Tư; bị đơn ông Trần Văn Ba; những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan - là đồng hàng thừa kế bao gồm các bà Trần Thị Đưng, bà Trần Thị Lợi, bà Trần Thị Sáu, bà Đỗ Thị Phỉ và các ông Trần Văn Liêm, ông Trần Văn Tâm.

Theo nội dung vụ án, cha và mẹ của ông Trần Văn Tư sinh được 7 người con. Cha ông chết năm 1971, mẹ ông chết năm 2018, không để lại di chúc nhưng có để lại di sản là căn nhà cấp 4 gắn liền diện tích đất 216,5m2 tại khu phố 5, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết, đã được UBND thành phố Phan Thiết cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mẹ ông Tư.

Ngoài ra di sản thừa kế còn có thửa đất trồng hoa màu, diện tích 1500m2; đất rẫy diện tích 3.600m2 tại khu phố 5, phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết.

Ông Tư khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết phân chia di sản thừa kế của mẹ để lại cho 7 người con là đồng thừa kế hàng thứ nhất theo quy định của pháp luật đối với khối tài sản nêu trên.

Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Phỉ có yêu cầu độc lập về việc yêu cầu nguyên đơn phải trả tiền công sức bảo quản, nuôi mẹ già và thờ cúng ông bà, tổ tiên cho bị đơn và trả lại thửa đất theo hiện trạng ban đầu cho bị đơn.

Đây là vụ án tranh chấp di sản thừa kế có tính chất phức tạp, có nhiều người tham gia tố tụng với tư cách đương sự khác nhau như: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan...

Kiểm sát viên được phân công giải quyết vụ án đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ, tìm hiểu các văn bản pháp luật có liên quan; chuẩn bị kỹ đề cương tham gia xét hỏi tại phiên Tòa để làm rõ một số nội dung, tình tiết của vụ án.

Kiểm sát viên cũng nhận định, đánh giá tính có căn cứ của các chứng cứ, lời khai của các bên đương sự cung cấp nhằm định hướng, đưa ra đường lối giải quyết phù hợp, có căn cứ pháp luật, đồng thời đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát đã được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Sau khi phiên toà kết thúc, lãnh đạo đơn vị đã tổ chức họp rút kinh nghiệm có sự tham dự của các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên tham dự phiên tòa, trong đó nêu lên những ưu điểm, tồn tại của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa, của Hội đồng xét xử. Thông qua đó rút kinh nghiệm chung đối với Kiểm sát viên khi được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham gia phiên tòa các vụ án dân sự nói chung trong việc khắc phục những hạn chế, tồn tại; đồng thời phát huy những ưu điểm đạt được trong quá trình tham gia giải quyết án.

Cao Hường