Những năm qua, công tác thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát (VKS) các cấp tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Viện trưởng VKSND tối cao cho thấy, trong nhiệm kỳ, số vụ án VKS truy tố đúng thời hạn đạt tỷ lệ 99,9%, vượt 9,9% và số bị can VKS truy tố đúng tội danh đạt tỷ lệ 99,9% vượt 4,9% chỉ tiêu của Nghị quyết 96.

Đặc biệt, các trường hợp VKS quyết định truy tố nhưng Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội chiếm tỷ lệ rất nhỏ và giảm nhiều theo từng năm. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp VKS truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt dẫn đến TAND sơ thẩm tuyên bị cáo không phạm tội, phải xét xử về khoản khác trong cùng điều luật hoặc tội danh khác tội danh VKS đã truy tố. Những hạn chế trong công tác THQCT trong giai đoạn truy tố thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, còn nhiều vướng mắc, bất cập:

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ vụ án (Ảnh: VKS Hà Nội)

- Trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn

Trường hợp quyết định việc truy tố, thì trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, VKS phải ra quyết định truy tố bị can trước Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can hoặc người đại diện của bị can có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, VKS phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày (Điều 240, 244 BLTTHS).

VKS có quyền quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố. Thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 240 của Bộ luật này (Điều 241 BLTTHS).

Như vậy, trường hợp VKS ra bản cáo trạng đúng vào ngày cuối cùng của thời hạn truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS, lúc này thời hạn áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh hay bảo lĩnh đối với bị can cũng đã hết, nhưng VKS chưa giao được cáo trạng cho bị can (vụ án có nhiều bị can, cư trú ở nhiều nơi khác nhau), thì cũng không được tiếp tục áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh hay bảo lĩnh đối với bị can. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bị can bỏ trốn trong khoảng thời gian từ khi VKS ra bản cáo trạng cho đến khi VKS chuyển hồ sơ và bản cáo trạng đến Tòa án, do trong thời gian này bị can không còn bị áp dụng bất cứ một biện pháp ngăn chặn nào, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án.

- Việc hủy bỏ biện pháp tạm giam khi tạm đình chỉ vụ án đối với bị can

Khoản 2 Điều 125 BLTTHS năm 2015 quy định: khi thấy không còn cần thiết hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang áp dụng. Tuy nhiên, với trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án, hiện nay chưa có quy định rõ các biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với bị can, bị cáo sẽ được xử lý như thế nào.

Vấn đề đặt ra là lệnh bắt bị can để tạm giam vẫn còn tồn tại trong hồ sơ vụ án sẽ được giải quyết như thế nào? Rõ ràng, lệnh bắt bị can để tạm giam trong hồ sơ đó bị rơi vào tình trạng pháp lý “lơ lửng”, không có quyết định hủy bỏ, cũng không có quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn khác[1].

- Về quyền yêu cầu, kiến nghị

Luật tổ chức VKSND năm 2014, BLTTHS không quy định trách nhiệm cũng như thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét, trả lời yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án của VKS trong giai đoạn truy tố, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng giải quyết vụ án trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, chế tài xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong giai đoạn truy tố cũng chưa được pháp luật quy định rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quyền yêu cầu của VKS.

leftcenterrightdel
  Nghiên cứu, trao đổi (Ảnh: Nguyễn Thị Hoạt)

Điểm a khoản 1 Điều 237 BLTTHS năm 2015 quy định Viện kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật. Vấn đề đặt ra là, trường hợp nào VKS kiến nghị, trường hợp nào VKS yêu cầu xử lý người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật? Vấn đề này chưa được quy định tách bạch, rõ ràng.

- Quy định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can

Theo quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS thì VKS phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can trong thời hạn quyết định việc truy tố, tức là trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.

Trong khi đó, tại điểm a khoản 2 Điều 242; điểm b khoản 1 Điều 247 BLTTHS lại có quy định khác. Theo đó, trong giai đoạn truy tố, khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố thì VKS yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi quyết định tạm đình chỉ vụ án. Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để tạm đình chỉ vụ án không liên quan đến tất cả bị can thì tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can. Sau khi có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, VKS ra quyết định tách vụ án nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

Như vậy, khoản 1 Điều 240 BLTTHS và điểm b khoản 1 Điều 247 Bộ luật này đã có sự mâu thuẫn, không thống nhất về thời điểm ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can.

Thực tiễn cho thấy, quy định hết thời hạn quyết định việc truy tố, VKS mới yêu cầu CQĐT truy nã bị can, sau đó ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bỏ trốn là không hợp lý, làm phát sinh một số vướng mắc, như cáo trạng được ban hành trong thời hạn truy tố, trong khi quyết định tạm đình chỉ bị can lại ra khi đã hết thời hạn truy tố, do đó, cáo trạng không thể hiện việc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, dẫn đến quyết định truy tố không đầy đủ, không đúng yêu cầu của mẫu số 144/HS ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-VKSTC ngày 09/01/2018 của VKSND tối cao.  

- Thời hạn quyết định việc truy tố:

Về thời hạn quyết định việc truy tố được quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS là chưa thật sự phù hợp với thực tiễn. Có những vụ án tuy thuộc loại tội ít nghiêm trọng nhưng tính chất phức tạp, thời hạn luật định không đủ để hoàn thành việc truy tố. Ngược lại, một số vụ án tuy thuộc loại tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng thuộc trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ đầy đủ, lý lịch bị can rõ ràng, có thể kết thúc việc truy tố sớm hơn nhiều so với thời hạn luật định.

Từ những vướng mắc nêu trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật, như sau:

Một là, sửa đổi, bổ sung Điều 241 BLTTHS theo hướng thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 240 của Bộ luật này. Trường hợp vụ án phức tạp, cần có thời gian dài hơn để giao bản cáo trạng cho bị can thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, đặt tiền để bảo đảm, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày.

leftcenterrightdel
  Kiểm sát viên báo cáo đề xuất giải quyết vụ án (Ảnh: Hoàng Long)

Hai là, bổ sung quy định về việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ điều tra đối với bị can, tạm đình chỉ vụ án đối với bị can vào BLTTHS.

Ba là, bổ sung vào khoản 2 Điều 16 Luật tổ chức VKSND năm 2014, khoản 2 Điều 236 BLTTHS quy định trách nhiệm, thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xem xét, thực hiện, trả lời yêu cầu của VKS về cung cấp tài liệu có liên quan đến vụ án trong giai đoạn truy tố nhằm đảm bảo cho VKS thực hiện tốt hơn quyền công tố, bên cạnh đó còn là cơ sở để VKS có xem xét, quyết định các biện pháp xử lý tiếp theo khi hết thời hạn yêu cầu mà cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện.

Đồng thời hướng dẫn, giải thích trường hợp nào VKS yêu cầu và trường hợp nào phải kiến nghị xử lý người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

Bốn là, tại điểm b khoản 1 Điều 247 BLTTHS, đề xuất sửa đổi thời điểm ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, theo hướng: khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu và thời hạn quyết định việc truy tố còn lại không quá 03 ngày; trong trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can trước khi tạm đình chỉ vụ án.

Năm là, về thời hạn quyết định việc truy tố, chúng tôi đề xuất sửa đổi Điều 240 BLTTHS theo hướng quy định thời hạn truy tố chung cho tất cả các loại tội phạm là 30 ngày; trường hợp vụ án phức tạp thì có thể gia hạn thêm một lần không quá 30 ngày.



[1] Nguyễn Hòa Bình, Hoàn thiện quy định về biện pháp bắt, tạm giam trong Bộ luật Tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, Website: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/hoan-thien-quy-dinh-ve-bien-phap-bat-tam-giam-trong-bo-luat-to-tung-hinh-su-dap-ung-yeu-cau-cai-cach-tu-phap6702.html, truy cập ngày 15/9/2022

 

Anh Minh