leftcenterrightdel
Quang cảnh phiên tòa xét xử vụ hành khách khởi kiện công ty xe khách yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tại TP Hồ Chí Minh.  Ảnh: Tuyết Mai 

Thực tiễn giải quyết

Để giải quyết các vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nói chung và do phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra nói riêng (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) thì các bên đương sự hay cơ quan, người tiến hành tố tụng đều áp dụng quy định tại Điều 584 BLDS để xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Tại khoản 2 điều luật quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Theo đó, đối với các vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra, khi có căn cứ xác định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp phương tiện gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện… phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 584 BLDS như đã nêu trên hoặc trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác hay có thỏa thuận khác.

Đồng thời, BLDS cũng quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại hoặc bất khả kháng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng): khoản 4 Điều 585 BLDS đã quy định: khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Để xem xét việc xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại có hợp lý hay không, chúng tôi xin đưa ra một ví dụ sau:

Ngày 13/2/2019, ông Trần Văn A. đi bộ trái phần đường trên QL 1A nên bị xe ô tô do ông Phạm Văn B. điều khiển (chủ sở hữu) tông làm ông A. chết. Gia đình ông A. khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông B. bồi thường mọi thiệt hại tính mạng do xe ô tô gây ra theo quy định của pháp luật dân sự.

Để giải quyết yêu cầu trên của gia đình ông A., cơ quan và người tiến hành tố tụng căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 601 BLDS: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi” để giải quyết. Do đó, Tòa án huyện Y, tỉnh X đã tuyên buộc chủ phương tiện (xe ô tô) là ông B. phải bồi thường mọi thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho gia đình ông A. với toàn bộ số tiền chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho con ông A. từ 6 tuổi đến đủ 18 tuổi và khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại bằng một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định theo quy định tại Điều 591 BLDS.

Nếu căn cứ theo quy định tại Điều 601 BLDS thì chủ phương tiện tham gia giao thông đường bộ (nguồn nguy hiểm cao độ) phải bồi thường mọi thiệt hại tính mạng, tài sản cho bị hại cả khi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ không có lỗi (xe ô tô chạy đúng phần đường). Như vậy, có sự nghịch lý là người không vi phạm pháp luật an toàn giao thông, không có lỗi trong quá trình gây ra thiệt hại (chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện…) lại phải bồi thường thiệt hại cho người có lỗi vô ý trong quá trình gây ra thiệt hại (bị hại).

Mặt khác, để xác định nạn nhân có lỗi vô ý hay cố ý trong khi tham gia giao thông đường bộ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng là việc làm khó khăn. Chẳng hạn: chị C do mâu thuẫn vợ chồng nên có ý định tự tử. Khi thấy xe ô tô chạy ngược chiều, chị C điều khiển xe mô tô cố vượt qua xe ô tô cùng chiều để bị xe ô tô ngược chiều tông chết. Trong quá trình giải quyết vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại tính mạng của gia đình chị C, cơ quan và người tiến hành tố tụng cũng như gia đình bị hại đều xác định chị C chết là do tham gia gia thông (lỗi vô ý), nên Tòa án buộc chủ xe ô tô gây thiệt hại tính mạng chị C phải bồi thường mọi thiệt hại theo Điều 591 BLDS.

Trong trường hợp này, chị C đã chết, hiện trường là vụ tai nạn giao thông đường bộ nên không có căn cứ xác định chị C cố ý tự tử, Tòa án có căn cứ xác định chị C chết do lỗi vô ý vượt xe cùng chiều, thiếu quan sát nên chủ phương tiện gây thiệt hại (chủ xe ô tô) phải bồi thường mọi thiệt hại tính mạng cho chị C.

Một số vướng mắc, bất cập trong khi áp dụng Bộ luật dân sự năm 2015

Muốn giải quyết vụ án tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây ra (bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) được đúng đắn thì phải xác định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 584 BLDS), nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (khoản 4 Điều 585 BLDS và quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (khoản 3 Điều 601 BLDS). Thế nhưng, hiện quy định giữa các điều luật có sự mâu thuẫn, chẳng hạn:

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng giải quyết hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: CTV 

Khoản 2 Điều 584 BLDS quy định: Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Khoản 4 Điều 585 BLDS quy định: Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Và khoản 3 Điều 601 BLDS quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Qua đó cho thấy, trong mọi trường hợp, nếu người bị hại có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng hoặc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi có hậu quả xảy ra thì đều phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bị hại (người có lỗi vô ý) (khoản 3 Điều 601 BLDS) là mâu thuẫn với quy định chung về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 584 BLDS) và về nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (khoản 4 Điều 585 BLDS). Từ đó, làm cho đương sự, cơ quan và người tiến hành tố tụng lại có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau để thỏa thuận hoặc giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của bị hại, làm cho pháp luật không được thực thi nghiêm minh. Chính sự bất cập này đã gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng BLDS, có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên kiểm sát khám nghiệm hiện trường một vụ tai nạn giao thông. Ảnh: CTV 

Kiến nghị

Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ (chủ nguồn nguy hiểm cao độ) khi có hậu quả xảy ra, qua bài viết này, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để cơ quan, người tiến hành tố tụng trong vụ án dân sự thực hiện đúng quy định tại các Điều 584, 585 và 601 BLDS, nhằm bảo đảm cho pháp luật được thi hành thống nhất, bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Thanh Nghị