1. Đối với Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 (gọi tắt là Thông tư liên tịch số 04) quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố, điều tra và truy tố:

- Tại Điểm a Khoản 6 Điều 9 của Thông tư quy định: “a) Nếu một người thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng cùng một tội danh và bị phát hiện cùng một thời điểm, thì chỉ ra một quyết định khởi tố vụ án hình sự, một quyết định khởi tố bị can đối với tất cả các lần phạm tội đó. Nếu trong quá trình điều tra, truy tố phát hiện bị can còn thực hiện hành vi phạm tội có cùng tội danh mà chưa bị khởi tố thì ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi phạm tội đó;”

Trên thực tế việc bị can thực hiện nhiều hành vi phạm tội của cùng một tội vào nhiều thời điểm khác nhau sẽ được xem xét là yếu tố để định khung hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” kể cả trong trường hợp khi mới khởi tố chưa làm rõ đầy đủ các lần phạm tội của bị can. Việc quy định ban hành quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự là không cần thiết, đề nghị liên ngành Trung ương xem xét sửa đổi cụm từ “có cùng tội danh” thành “tội danh khác”.

leftcenterrightdel
  Lễ ký Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm giữa Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - VKSND tối cao và TAND tối cao.

- Tại Khoản 7 Điều 9 của Thông tư quy định: “7. Sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra của Cơ quan điều tra, nếu Viện kiểm sát phát hiện thấy có cá nhân, pháp nhân thương mại đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố hoặc có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố hoặc còn hành vi phạm tội khác chưa bị khởi tố, thì Viện kiểm sát xem xét, quyết định việc khởi tố bị can theo quy định tại khoản 4 Điều 179 Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung, yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can và tiến hành các hoạt động điều tra theo thủ tục chung.”

Việc quy định như trên là chưa phù hợp vì trong cả hai trường hợp đã nêu Viện kiểm sát đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung để điều tra làm rõ nhân thân của người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác có liên quan.

- Tại Điều 10 của Thông tư chưa quy định về trường hợp Cơ quan điều tra đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can nhưng Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ xét phê chuẩn. Trong trường hợp này chưa có hướng dẫn cụ thể, vì vậy VKSND tỉnh Điện Biên đề nghị Liên ngành trung ương thống nhất thời hạn để bổ sung chứng cứ, tài liệu phê chuẩn không quá 3 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận được yêu cầu của Viện kiểm sát. Nếu không bổ sung được chứng cứ, tài liệu trong thời hạn gia hạn tạm giữ thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị Viện kiểm sát xem xét, quyết định.

- Khoản 3, Điều 10 Thông tư liên tịch số 04/TTLT-VKSTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định: “Trường hợp xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì thời hạn xét phê chuẩn không quá thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ”. Quy định như vậy trái với khoản 3 Điều 173 BLTTHS và gây khó khăn cho Viện kiểm sát khi xét phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra. Đề nghị sửa lại nội dung này.

- Tại Khoản 2 Điều 14 của Thông tư quy định: “Trường hợp đang điều tra vụ án mà xác định hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nặng hơn trong cùng một điều luật và trường hợp quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can sang tội nặng hơn ở điều luật khác, thì thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam được tính theo tội nặng hơn nhưng phải trừ thời hạn đã điều tra, tạm giam trước đó.”

leftcenterrightdel
 VKSND - Công an - Thanh tra tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 02/2017/QCPH-LN, ngày 1/9/2017 trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ, việc có dấu hiệu tội phạm do thanh tra tỉnh kiến nghị khởi tố.

Trong trường vụ án đã được gia hạn điều tra thì thời hạn điều tra đã được ghi cụ thể trong Quyết định gia hạn thời hạn điều tra vụ án hình sự hoặc thời hạn tạm giam được tính cụ thể, rõ ràng trong quyết định. Khoản 2 Điều 14 của Thông tư nêu rõ Cơ quan tiến hành tố tụng phải ban hành Quyết định mới thay thế quyết định cũ hay bổ sung quyết định cũ như thế nào để tránh trường hợp có hai quyết định cùng điều chỉnh một đối tượng là thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam đã được sử dụng.

- Tại Khoản 4 Điều 14 của Thông tư quy định: “Trường hợp thay đổi quyết định khởi tố bị can từ tội nặng hơn sang tội nhẹ hơn hoặc xác định được hành vi của bị can phạm vào khoản có khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng tội danh, thì thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam được tính theo tội nhẹ hơn. Ngay sau khi thay đổi quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát để xem xét, quyết định về việc áp dụng hoặc hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn đối với bị can phù hợp với tội nhẹ hơn.”

Trong Thông tư chỉ quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can mà chưa quy định về việc xác định thời hạn điều tra vụ án, trong trường hợp thay đổi Quyết định khởi tố vụ án, thay đổi Quyết định khởi tố bị can sang tội nhẹ hơn mà nếu tính thời hạn điều tra vụ án theo tội danh mới đến thời điểm đã hết (kể cả gia hạn). Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, Liên ngành tố tụng Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.

- Tại Khoản 3 Điều 16 của Thông tư quy định: “3. Trường hợp xét thấy việc khởi tố bị can có căn cứ, nhưng không cần thiết phải tạm giam bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam; nếu thấy cần thiết thì yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can.”

Trong trường hợp không áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với bị can thì phải áp dụng biện pháp ngăn chặn khác để ngăn chặn bị can bỏ trốn. Vì vậy cần bỏ cụm từ “nếu thấy cần thiết thì”, Viện kiểm sátphải yêu cầu Cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can.

- Trong Điều 17 của Thông tư chưa quy định về việc Cơ quan điều tra khởi tố bị can, đề nghị Viện kiểm sát khởi tố và thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp tạm giam thì Cơ quan điều tra đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn khác đối với bị can (trong thời hạn quyết định tạm giữ) hoặc đề nghị Viện kiểm sát hủy bỏ biện pháp ngăn chặn (trong thời hạn gia hạn tạm giữ).

- Tại Khoản 1 Điều 23 của Thông tư quy định: “1. Khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố mà thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm của bị can đã hết thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra lệnh, quyết định mới. Cơ quan điều tra đề nghị Viện kiểm sát phê chuẩn đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo lĩnh và quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm trước khi thi hành. Thời hạn áp dụng các lệnh, quyết định mới của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đối với các bị can không quá thời hạn gia hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố.”

Theo như hướng dẫn ở trên thì thời hạn Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát áp dụng lệnh, quyết định về cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm có được tính trước cả thời gian gia hạn điều tra hay không? Trong trường hợp không cần thiết phải gia hạn điều tra, gia hạn truy tố thì việc ban hành lệnh, quyết định tính cả thời gian gia hạn có đảm bảo hay không?

Tại Khoản 1 Điều 23 của Thông tư quy định: “1. Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu xác định thẩm quyền điều tra để trao đổi về việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời".

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Mường Nhé (Điện Biên) tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm.

Hiện nay, khi thấy vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan khác thì Cơ quan điều tra ban hành văn bản đề nghị Viện kiểm sát ra quyết định chuyển vụ án hình sự để điều tra theo thẩm quyền. Trong Thông tư không nêu rõ việc trao đổi của Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát bằng hình thức nào, Viện kiểm sát trả lời bằng văn bản theo biểu mẫu nào. Đề nghị Liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng cấp trên sớm thống nhất ban hành biểu mẫu đánh giá chứng cứ, tài liệu và lưu hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan điều tra, hồ sơ kiểm sát.

- Điều 30 của Thông tư quy định: “Khi nhận được ủy thác điều tra mà xét thấy hoạt động điều tra được ủy thác phức tạp, kéo dài thì Cơ quan điều tra được ủy thác phải phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên …”.Hiện nay chưa có hướng dẫn về việc xác định ủy thác điều tra thế nào là phức tạp, cần phải kéo dài. Do vậy khi nhận được ủy thác điều tra, đề nghị Cơ quan điều tra phân công Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên để giải quyết.

- Điểm b khoản 1 Điều 35 của thông tư quy định: “Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục)….”.  Trên thực tế nhiều đơn vị còn lúng túng trong việc đóng dấu bút lục (dấu hình chữ nhật) vì dấu bút lục của Viện kiểm sát có phần ghi số bút. Như vậy khi tiếp nhận các tài liệu mà CQĐT chuyển sang có phải ghi số bút lục hay không, nếu ghi thì lấy số ở đâu. Bên cạnh đó, việc đóng dấu bút lục ở góc dưới bên phải tài liệu thường đè lên chữ của văn bản, có trường hợp văn bản kín toàn bộ trang giấy không có chỗ để đóng dấu bút lục… Để thống nhất trong việc thực hiện đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn việc thực hiện đóng dấu bút lục.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên tham gia kiểm sát dựng lại hiện trường một vụ án.

2. Đối với Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA- BTP- BLĐTBXH ngày 21/12/2018, về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi:

Tại Khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch quy định: “Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây: a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; b) Người giám hộ; c) Người do Tòa án chỉ định.”

Trong quá trình giải quyết một số vụ việc, cha mẹ đẻ của người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi ở xa hoặc sức khỏe yếu, không nghe, đọc, viết được tiếng phổ thông nên không đảm bảo được quyền cho người được đại diện. Trong khi đó có anh, chị ruột của những người này đủ điều kiện để thực hiện việc đại diện lại không được tham gia đại diện ngay từ đầu, buộc các cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội cử người đại diện cho người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Xét về tâm lý của người dưới 18 tuổi hầu hết đều mong muốn người thân thích đại diện cho mình trong các hoạt động tố tụng, vì vậy cần bổ sung trường hợp “Anh, chị ruột là người đã thành niên nếu người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi đồng ý lựa chọn”

Điều 11 của Thông tư liên tịch quy định về việc phối hợp thực hiện việc giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi nhưng chưa quy định rõ về việc giám sát được thực hiện như thế nào, thực hiện tại đâu, ai là người chi trả các chi phí cho người giám sát. Chính vì chưa có các quy định cụ thể về việc này nên các cơ quan tiến hành tố tụng rất khó khăn trong việc áp dụng biện pháp giám sát đối với bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi, có trường hợp đối tượng phạm tội sống lang thang không có nơi cư trú rõ ràng hoặc có nơi cư trú nhưng không tổ chức, cá nhân nào nhận giám sát (kể cả chính gia đình đối tượng) vì sợ trách nhiệm khi để người bị buộc tội bỏ trốn.

Hà Chi
VKSND tỉnh Điện Biên