Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp theo Điều 21 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (KSV, KTV) khi kiểm sát giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền đối với tài sản cần nắm chắc chế định tài sản, chế định quyền đối với tài sản được quy định trong BLDS năm 2015 để có quan điểm giải quyết vụ án được đúng đắn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ thống nhất.
|
|
Nhà đất là tài sản thường xảy ra tranh chấp. |
Về tài sản: Khi kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự liên quan đến tranh chấp tài sản mà không được liệt kê tại Điều 105 BLDS như: tài sản ảo là game online…, KSV, KTV cần lưu ý: Tòa án không được quyền từ chối giải quyết với lý do chưa có điều luật để áp dụng. Bên cạnh đó, KSV, KTV cũng cần kiểm sát việc áp dụng của Tòa án trong trường hợp tranh chấp đó “chưa có điều kiện để áp dụng”. Trường hợp này phải đặc biệt chú ý đến khoản 2 Điều 14 BLDS quy định như sau: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 và Điều 6 BLDS được áp dụng”. Theo đó, trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng, Tòa án căn cứ vào tập quán theo Điều 5 BLDS; Áp dụng pháp luật tương tự theo Điều 6 BLDS; Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 BLDS thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS, án lệ, lẽ công bằng để xem xét, giải quyết. Trong trường hợp này, Tòa án và cơ quan có thẩm quyền thay vì từ chối giải quyết yêu cầu của cá nhân, pháp nhân thì phải thụ lý, giải quyết và tuyên bố chủ thể được hưởng quyền dân sự hoặc miễn trừ nghĩa vụ dân sự.
Ngoài ra, tài sản hình thành trong tương lai được chính thức quy định là một loại tài sản và có thể thực hiện việc chuyển giao trong các giao dịch dân sự nói chung mà không phải chỉ được giao dịch trong một số giao dịch đảm bảo theo quy định trước đây của pháp luật. Do vậy, khi xác định đối tượng của các giao dịch dân sự là tài sản loại này cần xác định đây là những tài sản mà luật không cấm, nghĩa là giao dịch dân sự có đối tượng là tài sản hình thành trong tương lai được xác định hợp pháp.
Về quyền chiếm hữu: Với nội dung này, khi kiểm sát giải quyết tranh chấp về quyền đối với tài sản chiếm hữu thì KSV, KTV cần lưu ý: Người chiếm hữu không ngay tình được suy đoán là ngay tình theo Điều 181 BLDS, nghĩa là việc bảo vệ người chiếm hữu tài sản dựa vào tình trạng chiếm hữu thực tế tài sản. Do đó, nếu người nào cho rằng người chiếm hữu không ngay tình thì phải chứng minh (khoản 1 Điều 184 BLDS). Khi kiểm sát giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền đối với tài sản thì người chiếm hữu được suy đoán là người có quyền đó (khoản 2 Điều 184 BLDS), KSV, KTV không nhất thiết phải yêu cầu người chiếm hữu phải chứng minh việc chiếm hữu đó có căn cứ pháp luật hay không mà người cho rằng việc chiếm hữu đó không ngay tình thì phải đưa ra các căn cứ để chứng minh rằng việc chiếm hữu đó là bất hợp pháp.
Về quyền hưởng dụng: Khi áp dụng những quy định về quyền hưởng dụng để giải quyết các vụ, việc dân sự, KSV, KTV cần lưu ý về một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành như sau:
Thứ nhất, thời hạn hưởng dụng dài sẽ ảnh hưởng đến quyền của những người thừa kế. Điều 260 BLDS quy định thời hạn về quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời người hưởng dụng đầu tiên, nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa là 30 năm, nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân. Chẳng hạn, khi chủ sở hữu tài sản chết nhưng thời hạn người được hưởng dụng vẫn còn thì tài sản sẽ không thể đem chia. Trường hợp quyền hưởng dụng chấm dứt khi hết cuộc đời người hưởng dụng đầu tiên thì không chắc lúc đó người thừa kế còn sống. Hơn nữa, việc xác định tài sản thừa kế là không dễ dàng và giá trị tài sản cũng đã thay đổi so với ban đầu. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng nếu xảy ra tranh chấp.
Thứ hai, việc phân định giữa quyền hưởng dụng và quyền sử dụng trong hợp đồng thuê tài sản rất khó. Bởi vì, các chủ thể đều có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Trường hợp các bên không thỏa thuận rõ là hợp đồng thuê tài sản hay cho hưởng quyền hưởng dụng thì xác định dựa trên căn cứ nào?
Về quyền bề mặt: Khi kiểm sát giải quyết tranh chấp về quyền bề mặt, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ mà KSV, KTV phải lưu ý để xử lý cho phù hợp: Quyền sử dụng bề mặt có thời hạn như thế nào đối với mặt nước? Bề mặt của bất động sản được sử dụng vào mục đích canh tác hay xây dựng? Xây dựng công trình kiến trúc kiên cố hay bán kiên cố trên bề mặt đất đai, mặt nước? Trên thực tế, nếu pháp luật quy định về quyền bề mặt liên quan đến đất đai sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết bằng pháp luật tương ứng: đất đai, rừng núi, sông hồ thuộc sở hữu toàn dân theo quy định tại Hiến pháp. Như vậy, nếu một cá nhân hay tổ chức có quyền sử dụng đất do thuê lại của nhà nước lại xây dựng các công trình kiến trúc trên toàn bộ diện tích đất thuê và sau đó cá nhân, tổ chức này lại chuyển giao quyền sở hữu đối với vật kiến trúc đó cho chủ thể khác thông qua hợp đồng mua bán, đến khi hết thời hạn sử dụng bề mặt, những vật kiến trúc thuộc quyền sở hữu của người mua, thì quyền của người mua đối với bề mặt như thế nào? Do đó, cần có những hướng dẫn phân định quyền sở hữu của nhà nước, quyền sử dụng đất và quyền bề mặt. Cũng tương tự như vậy, người sử dụng mặt nước thông qua hợp đồng hay luật định đã xây dựng bến cảng, cầu tàu nhưng đến khi hết hạn sử dụng mặt nước thì các vật được xây dựng đó giải quyết như thế nào?
Qua thực tiễn áp dụng BLDS đã phát sinh những bất cập, vướng mắc như đã nêu trên, do đó, cơ quan có thẩm quyền cần có hướng dẫn để pháp luật dân sự được tuân thủ thống nhất.
Thanh Nghị