VKSND tối cao cho biết, trong những năm qua, công tác kháng nghị phúc thẩm cùng cấp, cấp trên trực tiếp của nhiều đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt theo chỉ tiêu của ngành Kiểm sát và Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, còn một số vụ án, Viện kiểm sát chưa kịp thời phát hiện được vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm, có kháng nghị chất lượng chưa cao. Để kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án, nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm, việc ban hành Hướng dẫn là cần thiết.

Vi phạm trong việc xác định đối tượng khởi kiện 

Đối tượng khởi kiện vụ án hành chính là các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong hoạt động quản lý nhà nước theo quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 3 và tại Điều 30 Luật Tố tụng hành chính 2015. Quá trình kiểm sát, Kiểm sát viên lưu ý để xác định đúng đối tượng khởi kiện, ngoài Luật Tố tụng hành chính thì còn căn cứ vào các luật chuyên ngành có liên quan như: Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Luật Cạnh tranh, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân... và có thể căn cứ vào án lệ và tham khảo các hướng dẫn của TAND tối cao như: Án lệ số 10/2016/AL theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án TAND tối cao; công văn số 64/TANDTC-PC ngày 3/4/2019 của TAND tối cao... 

Các quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể đã được giải quyết khiếu nại theo Luật khiếu nại hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại và không tiếp tục khiếu nại nữa hoặc trường hợp đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại nhưng khiếu nại đó không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện ra Tòa án. Trong một số trường hợp Tòa án xác định không đúng, không đầy đủ đối tượng khởi kiện để giải quyết. 

Vụ án hành chính giữa người khởi kiện là bà Phạm Thị T với người bị kiện là Bảo hiểm xã hội tỉnh H là một ví dụ. Nội dung thể hiện ngày 29/5/1997, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh H ban hành Quyết định số 119 có nội dung thu hồi sổ hưu của bà T, buộc bà T hoàn trả toàn bộ số tiền đã lĩnh từ khi nghỉ hưu. 

Ngày 15/8/2012, bà T có đơn đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh H xem xét cho bà T được hưởng lương hưu. Ngày 4/10/2012, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh H ban hành văn bản số 600 có nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà T về việc hưởng chế độ hưu trí, nhưng ngày 11/4/2018 bà T mới biết có văn bản số 600 nên ngày 10/7/2018, bà T khiếu nại văn bản này nhưng không được Bảo hiểm xã hội tỉnh H xem xét, giải quyết.

leftcenterrightdel
 Trao đổi, phối hợp công tác của cán bộ, công chức VKSND TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (ảnh: Lê Mơ - Tuấn Linh)

Ngày 16/1/2019, bà T khởi kiện ra TAND tỉnh H yêu cầu hủy quyết định số 119 và văn bản số 600 của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh H. Tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều nhận định văn bản số 600 là văn bản hành chính thông thường, không phải là quyết định hành chính nên không thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính, đồng thời xác định thời hiệu khởi kiện đối với quyết định số 119 ngày 29/5/1997 đã hết nên đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định giám đốc thẩm số 02/2021 ngày 27/1/2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã hủy quyết định phúc thẩm và quyết định sơ thẩm giao TAND tỉnh H xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Vi phạm trong việc xác định thời hiệu khởi kiện 

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện (khoản 1 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính 2015). Như vậy, Kiểm sát viên cần xác định thời hiệu khởi kiện đối với vụ án còn hay đã hết, trường hợp đương sự thực hiện quyền khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì thời hiệu khởi kiện được xác định là 1 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại hoặc kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại đó không được giải quyết và không có văn bản trả lời cho người khiếu nại. 

Trong trường hợp thời hiệu khởi kiện vượt quá thời hạn quy định của pháp luật tố tụng, Kiểm sát viên cần xác định có xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hay không và nếu có thì xác định thời gian cụ thể, đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Tố tụng hành chính về thời hiệu khởi kiện. 

Cụ thể, vụ án hành chính giữa người khởi kiện là vợ chồng ông P và bà H với người bị kiện là UBND quận 7, thành phố T. Ngày 18/9/2014, UBND quận 7 cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) số CH03232 cho vợ chồng ông P và bà H. Ngày 13/11/2017, bà H phát hiện GCNQSDĐ số CH03232 cấp thiếu diện tích so với nguồn gốc đất của gia đình nên ông P, bà H đã khiếu nại đến UBND quận M. Ngày 22/6/2018, Chủ tịch UBND quận 7 ban hành Văn bản số 487 trả lời khiếu nại của ông P, bà H; bà H tiếp tục khiếu nại nên ngày 14/11/2018, Chủ tịch UBND thành phố T ban hành Văn bản số 4048 trả lời khiếu nại của bà H.

Văn bản số 4048 ngày 14/11/2018 của Chủ tịch UBND thành phố T là căn cứ để tính thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính; ngày 14/11/2018, bà H và ông P đã được nhận văn bản số 4048 ngày 14/11/2018 của Chủ tịch UBND thành phố T. Do đó, thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 là 1 năm tính từ ngày 14/11/2018 đến ngày 14/11/2019.

Ngày 5/11/2019, ông P, bà H trực tiếp nộp đơn khởi kiện tại TAND thành phố T. Tòa án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện 1 năm tính từ ngày 13/11/2017 là không chính xác, mặc dù ngày 13/11/2017 (ngày bà H biết GCNQSDĐ cấp thiếu diện tích) nhưng gia đình bà H đã thực hiện trình tự khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện M, sau đó là UBND thành phố T và gia đình bà H đều nhận được văn bản trả lời khiếu nại.

Khi khởi kiện ra Tòa án, ông P và bà H yêu cầu hủy văn bản trả lời của Chủ tịch UBND thành phố T chứ không yêu cầu hủy GCNQSDĐ nên thời hiệu khởi kiện được xác định kể từ ngày ông P và bà H nhận được văn bản trả lời của Chủ tịch UBND thành phố T. Nhưng quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 03/2020 ngày 5/3/2020 của TAND thành phố T và quyết định phúc thẩm số 292/2020 ngày 15/7/2020 của TAND cấp cao đều xác định hết thời hiệu khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính. 

Vì vậy, Quyết định giám đốc thẩm số 51 ngày 18/11/2021 của TAND tối cao đã hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND thành phố T giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm. 

P.V