Theo VKSND tối cao, thông qua công tác kiểm tra nhằm đánh giá đúng tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của Viện kiểm sát cấp dưới trong việc quán triệt, triển khai, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 2/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2023 và các Chỉ thị chuyên đề của Viện trưởng VKSND tối cao, qua đó đánh giá những ưu điểm, kịp thời phát hiện hạn chế, thiếu sót, tồn tại, xác định nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác, đảm bảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023.
Yêu cầu đặt ra là công tác kiểm tra phải bảo đảm linh hoạt, thiết thực, hiệu quả, đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác, trung thực kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được kiểm tra. Qua kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các đơn vị được kiểm tra; tổng hợp nghiên cứu báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao kiến nghị đối với các cơ quan tư pháp và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với một số vấn đề vướng mắc, bất cập (nếu có).
Tập trung kiểm tra kết quả thực hiện những chỉ tiêu, nhiệm vụ do Quốc hội giao và của Ngành quy định; kiểm tra những đơn vị còn nhiều hạn chế yếu kém; kết thúc kiểm tra, đơn vị chủ trì kiểm tra ban hành kết luận kiểm tra; thông báo rút kinh nghiệm cho các đơn vị trong toàn Ngành (nếu xét thấy cần thiết).
Việc tổ chức, thực hiện kiểm tra phải đúng quy định của Quy chế về công tác kiểm tra trong ngành KSND ban hành kèm theo Quyết định số 160/QĐ-VKSTC-T1 ngày 30/3/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thực hiện việc kiểm tra; tránh chồng chéo, gây lãng phí, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị được kiểm tra.
Đối tượng kiểm tra là VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện (danh sách các đơn vị được kiểm tra sẽ thông báo sau).
|
|
Đoàn công tác VKSND tối cao kiểm tra toàn diện tại VKSND Thành phố Hà Nội. (Ảnh minh hoạ) |
Số liệu, kết quả báo cáo phục vụ kiểm tra theo các nội dung từ 1/12/2022 đến thời điểm kiểm tra. Đoàn kiểm tra có thể xem xét, kiểm tra đối với các vụ, việc đã được giải quyết trước hoặc sau thời điểm kiểm tra có liên quan đến việc triển khai thực hiện kế hoạch và các hoạt động nghiệp vụ của các khâu công tác nêu trên.
Ngoài ra, Kế hoạch cũng đã đề cập đến các nội dung kiểm tra. Cụ thể, kiểm tra việc triển khai thực hiện các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao, gồm: Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 2/12/2022 về công tác của ngành KSND năm 2023; Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 6/8/2021 về tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự; Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 18/10/2022 về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự và những việc khác theo quy định của pháp luật; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 28/7/2017 về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các quy định, hướng dẫn nghiệp vụ của VKSND tối cao.
Kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân.
Kiểm tra các bản án, quyết định bị Tòa án xét xử tuyên hủy, sửa có trách nhiệm của Viện kiểm sát; việc thực hiện các giải pháp để nâng cao tỉ lệ xử lý, giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Kiểm tra, đánh giá trách nhiệm của Viện kiểm sát, của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính liên quan đến đất đai, khiếu kiện đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; trong việc phát hiện vi phạm và kháng nghị phúc thẩm, nhất là đối với kháng nghị phúc thẩm án hành chính.
Kiểm tra hồ sơ kiểm sát, báo cáo đề xuất, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp nhất là các vụ án tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Kiểm tra công tác kiến nghị, kháng nghị trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật. Việc ban hành kiến nghị trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền.
Kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp công dân, gắn công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền; quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật; tổ chức đối thoại khi giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, bức xúc, kéo dài.
Xem toàn văn nội dung Kế hoạch kiểm tra tại đây: ke-hoach.pdf