Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành và sự chỉ đạo của VKSND tối cao, VKSND hai cấp tỉnh Tuyên Quang xác định, công tác tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đây là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở nguồn tin về tội phạm tiếp nhận, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xác minh, xác định có hay không có dấu hiệu tội phạm để quyết định việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Ngay sau khi liên ngành Trung ương ban hành Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 (TTLT số 01/2017); Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 (TTLT số 01/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của TTLT số 01/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; VKSND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc. VKSND cấp huyện đã tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra cùng cấp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định mới về một số nhiệm vụ của Công an xã, phường, thị trấn... đảm bảo việc sơ bộ kiểm tra, xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ ban đầu trong tiếp nhận giải quyết nguồn tin về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn... được thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Kết quả sơ kết TTLT số 01/2017, các cơ quan chức năng hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã tiếp nhận, thụ lý, giải quyết 4.554 nguồn tin về tội phạm, Cơ quan điều tra đã giải quyết 4.447 tin (Tỷ lệ giải quyết đạt 98%; vượt  8% so với chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội và chỉ tiêu của VKS),; đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả; đang giải quyết: 107 tin.

Nhằm thực hiện có hiệu quả TTLT số 01/2017, TTLT số 01/2021 (sửa đổi, bổ sung), Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, VKSND hai cấp tỉnh Tuyên Quang đã đề ra nhiều giải pháp phối hợp, đã và đang thực hiện đạt hiệu quả cao.

leftcenterrightdel
 Hội nghị liên ngành sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017 và rút kinh nghiệm 2 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021. 

Theo đó, VKSND tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng (Cơ quan CSĐT, Tòa án, Chi Cục kiểm lâm, Thanh tra tỉnh Tuyên Quang) xây dựng và ký Quy chế phối hợp liên ngành (Quy chế số 01/QC-LN ngày 01/01/2018 và Quy chế 01/2022/QC-LN ngày 28/11/2022 thay thế Quy chế số 01/QC-LN ngày 01/01/2018) về công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Định kỳ hàng năm, liên ngành tiến hành tổ chức Hội nghị sơ kết để đánh giá quan hệ phối hợp thực hiện Bộ luật Tố tụng hình sự, TTLT số 01/2017, TTLT số 01/2021 (sửa đổi, bổ sung) và các văn bản hướng dẫn của liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Thực hiện Kế hoạch số 64/KH-VKSTC ngày 30/3/2023 của VKSND tối cao, ngày 29/5/2023 VKSND tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì phối hợp tổ chức Hội nghị liên ngành hai cấp sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2017 và rút kinh nghiệm 2 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2021 về phối hợp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Qua hội nghị, Lãnh đạo liên ngành đã kết luận về những ưu điểm đã đạt được và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục.

Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp thường xuyên phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm; các nguồn tin về tội phạm đều được phối hợp xem xét, đánh giá kịp thời, thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật TTHS và TTLT số 01/2017, TTLT số 01/2021 (sửa đổi, bổ sung); VKSND quán triệt triển khai thực hiện nghiêm Quy chế (theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC), bảo đảm mọi nguồn tin về tội phạm đều được phát hiện, xử lý kịp thời đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan, sai người vô tội.

Công tác phối hợp được thể hiện rõ nét qua các giải pháp: Tuỳ theo tính chất vụ việc, qua hoạt động nghiệp vụ nắm bắt thông tin về tội phạm hoặc trong thời hạn 3 ngày phân loại, chưa ban hành Quyết định phân công, nhưng CQĐT đã chủ động thông tin cho Viện kiểm sát để cử Kiểm sát viên (KSV) cùng Điều tra viên trao đổi, thống nhất, đề ra biện pháp nhằm phát hiện và xử lý triệt để vi phạm, tội phạm. Đối với các vụ việc phức tạp, KSV chủ động tham gia lấy lời khai ngay sau khi phân công thụ lý, giải quyết, như vậy hoạt động này được đẩy lên sớm hơn, không chờ đến trước khi khởi tố mới tham gia lấy lời khai.

Hoạt động phối hợp này đã tạo điều kiện cho Viện kiểm sát tiếp cận nguồn tin sớm hơn, KSV nắm chắc nội dung để thực hiện kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm; đồng thời, cũng trao đổi giúp cho CQĐT, ĐTV thực hiện đúng các trình tự theo quy định của Bộ luật TTHS.

Theo khoản 5 Điều 88 Bộ luật TTHS, không quy định trong giai đoạn kiểm tra, xác minh giải quyết nguồn tin về tội phạm, CQĐT phải chuyển giao tài liệu cho Viện kiểm sát; liên ngành đã thống nhất đưa vào Quy chế việc chuyển giao tài liệu kiểm tra, xác minh cho Viện kiểm sát và quy định rõ trước khi ra Quyết định khởi tố, không khởi tố, tạm đình chỉ, phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm thì CQĐT, Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra phải trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát bằng văn bản (Điều 8, Điều 10 Quy chế số 01/2022/LN-QCPH). Các vụ việc phức tạp, khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, đều được liên ngành họp thống nhất đường lối giải quyết.

Hoạt động phối hợp giữa Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra với CQĐT và Viện kiểm sát cũng được phối hợp hết sức chặt chẽ, thể hiện vai trò trung tâm là Viện kiểm sát: Đó là sự vào cuộc sớm hơn của CQĐT; Viện kiểm sát đã cùng với Cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra và CQĐT đánh giá chứng cứ trước khi quyết định khởi tố vụ án và chuyển cho CQĐT. Hoạt động phối hợp này đã giúp cho CQĐT sớm nắm bắt nội dung vụ án, chủ động đề ra Kế hoạch điều tra và triển khai thực hiện ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án và cùng KSV xem xét việc khởi tố bị can.

Công tác phối hợp hướng dẫn, kiểm tra đối với Công an xã, phường, thị trấn… cũng được đặc biệt quan tâm, VKSND cấp huyện đã phối hợp với CQĐT cùng cấp tổ chức 10 cuộc/7 VKSND cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra đối với Công an cấp xã. Hoạt động này không chỉ dừng ở Viện kiểm sát cấp huyện; các cuộc trực tiếp kiểm sát của VKSND tỉnh đối với Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm đều mời Lãnh đạo Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tham gia; quá trình trực tiếp kiểm sát, kết hợp thực hiện phối hợp hướng dẫn, kiểm tra đối với Công an xã, phường, thị trấn… (từ năm 2022 đến nay, đã phối hợp hướng dẫn, kiểm tra đối với 9 đơn vị Công an xã, phường, thị trấn).

Với những giải pháp trọng tâm nêu trên, đã đem lại hiệu quả cao trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm. Hiện nay, Bộ Công an đã ban hành Hướng dẫn số 15/HD-BCA-V03 ngày 29/8/2023 “Về việc thực hiện bố trí Điều tra viên ở Công an cấp xã”, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục đề ra giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết nguồn tin về tội phạm trong thời gian tiếp theo.

 

Nguyễn Tiến Đường