leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên tòa.

Phiên tòa được kết nối trực tuyến đến 15 điểm cầu gồm: 13 VKS cấp huyện, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát TP Hồ Chí Minh.

Thời gian qua, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và TP Hạ Long nói riêng cơ bản ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những vụ án sử dụng hung khí, vũ khí là súng quân dụng để thực hiện hành vi “Giết người” gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm dư luận xã hội quan tâm. Vụ án Nguyễn Việt Dũng cùng đồng phạm sử dụng vũ khí quân dụng giết người, gây rối trật tự công cộng xảy ra tại tổ 1, khu 2, phường Hà Lầm, TP Hạ Long vào ngày 7/3/2023 là một điển hình. Hậu quả của vụ án là anh Nguyễn Văn Hà tử vong, một số đối tượng khác bị thương.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Quảng Ninh: Khoảng 14 giờ ngày 7/3/2023, tại tổ 1, khu 2, phường Hà Lầm, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Nguyễn Việt Dũng đã chủ mưu, cầm đầu, lôi kéo Nguyễn Đức Việt tham gia đánh nhau với nhóm Nguyễn Văn Cường. Nguyễn Văn Cường có hành vi rủ Âu Quốc Hải, Nguyễn Văn Hà cùng giải quyết mâu thuẫn với nhóm Dũng. Trong quá trình xô xát đánh nhau, Nguyễn Đức Việt sử dụng 1 dao bấm chém lia sượt qua vùng cổ bên trái làm Cường bị thương tích 2% và đâm 1 nhát trúng vào vùng ngực trái của Nguyễn Văn Hà khiến Hà tử vong.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên trình chiếu các tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa để đấu tranh với các bị cáo.

Mở rộng điều tra, phát hiện: Năm 2018, Nguyễn Văn Yên có hành vi mua 1 khẩu súng quân dụng K59, kèm theo 20 viên đạn của người không quen biết. Sau đó, Yên bắn hết 7 viên đạn rồi mang cất giấu trên đồi thuộc phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long. Đến khoảng tháng 01/2023, Yên cho Dương Văn Bình mượn súng, Bình mang về nhà thuộc tổ 5, khu 6, phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long cất giấu. Đến khoảng 14h 30’ ngày 7/3/2023, Yên đến nhà Dương Văn Bình lấy súng, đạn, mang đến phường Hà Lầm, mục đích đưa súng, đạn cho Nguyễn Việt Dũng mượn. Khi đến nơi, biết hai nhóm đã đánh nhau, hậu quả Nguyễn Văn Hà đã tử vong, Yên lại mang theo súng, đạn đi về phường Hà Khánh để cất giấu thì bị bắt.

Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, trị an trên địa bàn, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân tại địa phương bởi hành vi phạm tội hết sức côn đồ, manh động của các đối tượng. Trong vụ án, Nguyễn Việt Dũng với vai trò chủ mưu, cầm đầu đã tập hợp một nhóm đông đối tượng, chuẩn bị trước hung khí (dao, kiếm, súng …) mang theo, sẵn sàng dùng hung khí, vũ lực đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn từ nguyên cớ rất nhỏ nhặt trong sinh hoạt.

Khi xảy ra xô xát, Nguyễn Đức Việt có hành vi dùng dao bấm đâm 1 nhát vào ngực anh Nguyễn Văn Hà, khiến bị hại tử vong. Các bị cáo đều có nhân thân xấu, từng bị Tòa án xét xử, bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi vi phạm pháp luật nhưng các bị cáo không lấy đó làm bài học để cải sửa, rèn luyện bản thân mà lại tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội. Ngay sau khi vụ án xảy ra, ba ngành Công an – Toà án – VKSND tỉnh Quảng Ninh, đã khẩn trương tiến hành điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, nhằm đáp ứng công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Sau một thời gian điều tra, CQĐT đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến VKSND tỉnh Quảng Ninh và ban hành Cáo trạng truy tố Nguyễn Việt Dũng cùng các đồng phạm về các tội danh nêu trên.

Xác định đây là một vụ án trọng điểm với nhiều tình tiết phức tạp, đông đối tượng tham gia, Phòng 2, VKSND tỉnh đã phối hợp với TAND tỉnh lựa chọn đưa vụ án ra xét xử trực tuyến đến 13 VKS cấp huyện và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát TP Hồ Chí Minh để rút kinh nghiệm chung.

Tại phiên tòa, các bị cáo về cơ bản đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Kiểm sát viên và HĐXX vẫn tiếp tục xét hỏi, tích cực đấu tranh với các bị cáo bằng những tài liệu, chứng cứ đã được số hóa và trình chiếu ngay tại phiên tòa, lập luận, phân tích về các hành vi, phân hóa vai trò, tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả do hành vi mà các bị cáo gây ra để các bị cáo thấy được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Mức hình phạt do HĐXX tuyên đối với các bị cáo về cơ bản tương đương với đề nghị của đại diện VKS. Đây không chỉ là hình phạt tương xứng dành cho các bị cáo mà còn là bài học cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa chung tội phạm đối với những người tham dự phiên tòa.

Ngay sau khi phiên tòa kết thúc, Phòng 2, VKSND tỉnh đã phối hợp với Tòa Hình sự – TAND tỉnh để rút kinh nghiệm chung cho HĐXX, thư ký và Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp của Kiểm sát viên, kỹ năng xét xử, điều hành phiên toà của Thẩm phán Chủ toạ phiên toà; hoạt động của HĐXX và Thư ký Toà án; nâng cao chất lượng các phiên toà, dựa trên việc xét hỏi và tranh tụng công khai tại phiên toà; tránh oan, sai và bỏ lọt tội phạm; góp phần tích cực vào việc đấu tranh, phòng chống tội phạm trong tình hình mới.

 

Việt Hà