Thực hiện kế hoạch kiểm sát, vừa qua VKSND tỉnh đã trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Búk (tiến hành kiểm tra sổ sách, nghiên cứu hồ sơ và kiểm sát toàn diện công tác thi hành án dân sự tại Chi cục trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày 5/5/2021 đến hết ngày 11/5/2021).

Qua trực tiếp kiểm sát, VKSND tỉnh đã xác định 14 dạng vi phạm mà Chi cục THADS huyện mắc phải, từ đó phân tích những nguyên nhân khách quan, chủ quan, cũng như trách nhiệm để xảy ra những vi phạm, thiếu sót, từ đó ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục.

Cụ thể như sau:

Những vi phạm được phát hiện

Vi phạm trong việc sử dụng và bảo quản các loại sổ thi hành án (Vi phạm Điều 29 Luật THADS, khoản 4 Điều 29 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 của Bộ Tư pháp): 

Sổ thụ lý THADS, sổ ra quyết định cưỡng chế thi hành án: một số việc đã thi hành xong nhưng chưa cập nhật kết quả thi hành và kết quả cưỡng chế vào sổ. Sổ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án: một số việc đã được đưa vào sổ theo dõi riêng, nhưng chưa cập nhật vào cột “Chuyển sang sổ theo dõi riêng”; một số việc đã ra quyết định tiếp tục thi hành án nhưng chưa cập nhật số quyết định vào cột “Quyết định tiếp tục thi hành án”. Sổ nhận yêu cầu thi hành án: cột “Tài liệu kèm theo” có một số dòng còn bỏ trống.

leftcenterrightdel
 VKSND tỉnh đã trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Búk.

Sổ nhận bản án/quyết định của Tòa án: việc giao, nhận bản án/quyết định của Tòa án được tiến hành trực tiếp, nhưng cột “Người giao” và cột “Người nhận” không có chữ ký và họ tên người giao, người nhận. Sổ theo dõi vật chứng, tài sản kê biên, tạm giữ: cột “Quyết định thi hành án”, nhiều vật chứng đã được xử lý xong nhưng chưa cập nhật số quyết định thi hành án vào sổ....

Một số hồ sơ thi hành án chưa đánh số bút lục, chưa lập bảng danh mục tài liệu theo quy định (Vi phạm điểm c khoản 1 Điều 30 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp).

Một số hồ sơ thi hành án theo yêu cầu khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, Chấp hành viên không thông báo việc nhận đơn cho người yêu cầu biết (Vi phạm khoản 4 Điều 31 Luật THADS); một số hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc Chi cục THADS huyện thông báo việc nhận được quyết định ủy thác cho Chi cục THADS khác (Vi phạm khoản 2 Điều 57 Luật THADS). 

Vi phạm về thông báo thi hành án: Hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc Chấp hành viên gửi quyết định cho đương sự, gửi không đúng địa chỉ…(Vi phạm khoản 1 Điều 39 Luật THADS). Một số hồ sơ trong khoảng thời gian dài Chấp hành viên không có hoạt động thi hành án; xác minh tài sản không đúng với thực tế, không chính xác...(Vi phạm khoản 4, khoản 6 Điều 44 Luật THADS).

Chấp hành viên tham mưu cho Lãnh đạo Chi cục THADS huyện Krông Búk ban hành quyết định chưa có điều kiện thi hành án chưa đảm bảo căn cứ (Vi phạm điểm a khoản 1 Điều 44a Luật THADS). Một số hồ sơ không có tài liệu thể hiện việc Chấp hành viên gửi quyết định chưa có điều kiện thi hành án cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai (Vi phạm khoản 2 Điều 44a Luật THADS và khoản 1 Điều 11 Nghị định 62/2015/NĐ-CP). 

Không gửi quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án cho tổ chức có liên quan (Vi phạm khoản 2 Điều 69 Luật THADS); chậm ký hợp đồng thẩm định giá, bán đấu giá tài sản (Vi phạm khoản 2 Điều 98, khoản 2 Điều 101 Luật THADS). 

Vi phạm trong việc kê biên tài sản: Chấp hành viên không khảo sát giá thị trường đối với quyền sử dụng đất tại thời điểm thi hành án để áp dụng việc kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp…(Vi phạm khoản 1 Điều 90 Luật THADS). 

Chậm chi trả tiền cho người được thi hành án (Vi phạm khoản 5 Điều 47 Luật THADS và khoản 1 Điều 17 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016). 

Không thông báo thông tin lý lịch tư pháp của người phải thi hành án cho Sở Tư pháp (Vi phạm khoản 1 Điều 17 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQ ngày 10/5/2012). 

Chưa có biện pháp tác động để xử lý tiền tạm giữ, tạm thu: Tại thời điểm kiểm tra, Chi cục THADS huyện Krông Búk chưa có biện pháp tác động nào đối với các cơ quan có liên quan để xử lý các khoản tiền tạm giữ, tạm thu (như: công văn đề nghị phối hợp rà soát kết quả xử lý các vụ, việc hoặc đề nghị cơ quan Thuế thông báo nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân, Trại tạm giam thông báo cụ thể các khoản nghĩa vụ mà phạm nhân đã nộp…) để xử lý kịp thời số tiền tạm giữ, tạm thu theo quy định tại các khoản 5, 6 Điều 19 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016; Điều 47, Điều 126 Luật THADS; Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ; các Điều 17, 18 Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 1/2/2016 là chưa làm hết trách nhiệm.

Nguyên nhân vi phạm

Nguyên nhân khách quan: Huyện Krông Búk còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, đa số người phải thi hành án có thu nhập thấp, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên không ổn định; Ý thức chấp hành pháp luật của một số người phải thi hành án chưa cao; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Thi hành án dân sự chưa thật đầy đủ, nhiều quy định còn chồng chéo, bất cập, chưa đáp ứng được sự đa dạng, phức tạp trong quá trình tổ chức thi hành án; Số vụ việc phải tổ chức thi hành ngày một tăng, có nhiều vụ việc phức tạp, khó thi hành, trong khi đó biên chế Chấp hành viên, Thư ký thi hành án vẫn giữ nguyên; Năng lực chuyên môn của Chấp hành viên cũng không đồng đều, nên có phần ảnh hưởng đến kết quả thi hành án. 

Nguyên nhân chủ quan: Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Krông Búk chưa thật sự kiên quyết, kịp thời trong việc quản lý, chỉ đạo, kiểm tra đối với Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án, nên còn có vụ việc để kéo dài, ảnh hưởng quyền lợi của người được thi hành án; Việc chấp hành pháp luật và các quy định nghiệp vụ của Tổng cục THADS trong lĩnh vực THADS của một số Chấp hành viên trong một số vụ việc chưa thật đầy đủ, trong quá trình tác nghiệp chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, nên còn để xảy ra những vi phạm, thiếu sót.

Về trách nhiệm, văn bản kiến nghị cũng chỉ rõ: Để xảy ra những vi phạm nêu trên trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Chi cục THADS huyện Krông Búk và các Chấp hành viên, cán bộ công chức được phân công trực tiếp thực hiện chức trách, nhiệm vụ và tổ chức thi hành án. Ngoài ra còn có trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc cung cấp thông tin liên quan đến tài sản của người phải thi hành án chưa chính xác; trách nhiệm của VKSND cùng cấp khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, việc phối hợp liên ngành trong hoạt động THADS, nên việc tổ chức thi hành án một số vụ việc còn chậm, kéo dài. 

Yêu cầu khắc phục những vi phạm, thiếu sót

Từ những vấn đề được nêu trên, lãnh đạo VKSND tỉnh đã ban hành kiến nghị, yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Krông Búk chỉ đạo khắc phục ngay những vi phạm, thiếu sót.

Đồng thời, tổ chức họp đơn vị để kiểm điểm rút kinh nghiệm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm; Tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc để Chấp hành viên chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục THADS nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới.

Trả lời kiến nghị bằng văn bản cho VKSND tỉnh Đắk Lắk theo quy định của pháp luật. Ngay sau đó, VKSND tỉnh đã ban hành thông báo rút kinh nghiệm đến các đơn vị trong ngành KSND tỉnh để rút kinh nghiệm chung về những vi phạm, thiếu sót trong hoạt động Thi hành án dân sự tại Chi cục THADS huyện Krông Búk./.

Trường Lưu