Thời gian qua, tình trạng trồng cây cần sa trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được phát hiện tăng rất nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến hết Quý I/2021, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 32 vụ, 33 đối tượng trồng trái phép cây cần sa (nhiều hơn 25 vụ, tăng 357,14% so với cùng kỳ 1/1/2019 đến hết Qúy I/2020), thu giữ 8.495 cây cần sa tươi...
|
|
Đại diện Viện kiểm sát tham gia kiểm tra, giám sát tại hiện trường. |
Gia tăng tội phạm về ma túy
Những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án hình sự tuy có giảm, nhưng tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn tinh vi; đối tượng phạm tội ngày càng đa dạng.
Đặc biệt, bên cạnh những hoạt động băng nhóm tội phạm có tổ chức, trộm cắp tài sản, phát sinh những loại tội phạm mới như hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, các đường dây tổ chức cá độ bóng đá qua mạng, đánh bạc với số tiền hàng chục tỷ đồng, thì tội phạm về ma túy cũng tăng nhanh, xuất hiện nhiều tụ điểm sử dụng trái phép chất ma túy phức tạp với nhiều đối tượng, đường dây vận chuyển ma túy lớn qua địa bàn gây bức xúc trong nhân dân…
Trong các năm từ 2016 - 2021, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới tổng số 6.810 vụ/12.162 bị can, thì án về ma túy là 996 vụ/1.293 bị can (chiếm 15% lượng án kiểm sát khởi tố mới, tăng 317 vụ/460 bị can so với cùng kỳ 2011- 2016).
Tình trạng trồng cây cần sa trái phép tăng mạnh
Đáng chú ý về tội phạm ma túy, nổi lên tình trạng trồng cây cần sa trái phép được phát hiện tăng rất nhanh trên nhiều địa bàn, gây ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính trong khoảng thời gian từ 01/01/2020 đến hết Quý I/2021, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 32 vụ, 33 đối tượng trồng trái phép cây cần sa (nhiều hơn 25 vụ, tăng 357,14% so với cùng kỳ 01/01/2019 đến hết Qúy I/2020), thu giữ 8.495 cây cần sa tươi .
Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu của Quý II/2021, lực lượng chức năng đã phát hiện đường dây trồng cây cần sa quy mô lớn với hơn 1.900 cây cần sa tươi và thu giữ hơn 80kg cần sa khô ngay trong lòng Tp. Buôn Ma Thuột.
Các đối tượng thực hiện việc trồng cây cần sa với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng như: Trồng xen kẽ với các loại cây trồng khác; xây tường rào cao vây kín xung quanh khu vực vườn, rẫy; số lượng cần sa được trồng rải rác ở nhiều nơi, mỗi nơi luôn được trồng ít hơn 500 cây. Đáng chú ý, các đối tượng “áp dụng khoa học công nghệ” vào việc trồng cây cần sa để cho năng suất cao nhất và “đạt chất lượng” tốt nhất, (Trồng trong môi trường kín để tưới cây đều, điều chỉnh không khí; Dựng đèn có ánh sáng nhân tạo 24/7; Rút ngắn vòng sinh trưởng của cây cần sa từ lúc gieo hạt đến lúc thu hoạch).
Điển hình như vụ án xảy ra vào khoảng 11h ngày 23/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Krông Búk phát hiện, bắt quả tang Bùi Trung Kiên, SN 1976, trú tại thôn Ea Tút, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk về hành vi trồng trái phép 529 cây cần sa tại rẫy thuộc Buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk. Ngày 28/7/2020, Tòa án nhân dân huyện Krông Búk xét xử sơ thẩm, tuyên phạt phạt Bùi Trung Kiên 6 tháng tù về tội Trồng cây cần sa, theo quy định tại Khoản 1, Điều 247 Bộ Luật hình sự (Kiên kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt nhưng không được Tòa án nhân dân cấp tỉnh Đắk Lắk chấp thuận).
Một vụ án khác xảy ra vào khoảng 11h30’ ngày 3/4/2021, tại thôn 8, xã Hòa Thuận, Tp Buôn Ma Thuột, Tổ công tác Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện, bắt quả tang Đỗ Thanh Toản, SN 1985, trú tại thôn 4, xã Hòa Thuận về hành vi trái phép Trồng cây cần sa và Tàng trữ trái phép chất ma túy (cây cần sa), thu giữ 51,7kg cần sa khô và 994 cây cần sa tươi.
Tại cơ quan Công an, Toản khai nhận, được đối tượng tên Phong (chưa rõ năm sinh cụ thể), trú tại thôn 4, xã Hòa Thuận, thuê trồng và thu hoạch cần sa từ đầu tháng 3/2021 với tiền công là 6 triệu đồng/tháng. Lúc nhận việc, Toản được Phong hướng dẫn cách trồng và thời điểm đó, tại vườn đã có hơn 400 cây cần sa có độ cao 1,5 - 2m và nhiều cây cần sa con đang ươm trong chậu nhựa. Trung bình mỗi ngày Toản thu hoạch từ 20 đến 30 cây cắt lấy phần lá và hoa đem vào nhà sử dụng quạt và máy sấy nhiệt làm khô, phần còn lại đem đốt tiêu huỷ.
Đáng chú ý, toàn bộ khu vườn Toản đã trồng và thu hoạch cây cần sa được vây kín bằng tôn, trên đất có nhà xây được trang bị hệ thống đèn điện, quạt, điều hòa.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, tạm giam Toản để điều tra, xử lý về tội “ Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy" và tội "Mua bán trái phép chất ma túy”.
Viện kiểm sát xác định nguyên nhân
Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, đại diện Viện kiểm sát tỉnh Đắk Lắk cho biết một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên:
Về khách quan, Đắk Lắk với đặc thù là một tỉnh miền núi có địa bàn phức tạp, rộng lớn, kiện đi lại khó khăn, dân số đông, có nhiều dân di cư ở nơi khác đến sinh sống làm ăn. Trong đó, có một bộ phận các dân tộc miền núi phía bắc mang theo hạt giống cây cần sa, cũng như phương thức canh tác của loại cây này đến tỉnh Đắk Lắk để trồng trọt với mục đích buôn bán, sử dụng hoặc làm dược liệu, chăn nuôi.
Kinh tế của người dân trên địa bàn tỉnh phụ thuộc chủ yếu từ việc sản xuất nông nghiệp; các khu vực sản xuất này có diện tích đất canh tác rộng lớn, nằm xa khu dân cư. Vì vậy, các đối tượng lợi dụng đặc điểm này để thuận lợi trồng cây cần sa xen kẽ với những loại cây trồng khác (cà phê, hồ tiêu, bơ…) trong diện tích canh tác nên rất khó kiểm soát, phát hiện.
Có lúc, có nơi chính quyền địa phương chủ quan, buông lỏng công tác quản lý và công tác tuyên truyền trong lĩnh vực này.
Công tác quản lý nhà nước về thường trú, tạm trú của lực lượng Công an địa phương, cán bộ xã vẫn còn thiếu sót, sơ hở dẫn đến tình trạng các đối tượng đi đến địa phương để trồng hoặc thuê trồng cây cần sa nhưng chính quyền không nắm bắt, phát hiện được.
Về chủ quan, việc sử dụng cần sa dễ dàng, khó bị phát hiện, các đối tượng chỉ cần dùng 1 viên khô (nhỏ) với chiếc tẩu thuốc, điếu cày bên quán vỉa hè hay vo tròn bỏ vào điếu thuốc lá, cuốn lá khô sử dụng là có thể tạo nên thú chơi gây cảm giác “ảo”, thoát ly thực tại, nhất là những đối tượng thanh, thiếu niên.
Xuất phát từ lợi nhuận thu được qua việc trồng, mua bán cây cần sa rất lớn (theo khai nhận từ các đối tượng, người đến mua tại vườn có giá từ 4 - 6 triệu đồng/kg) nên các đối tượng bất chấp, không từ thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với chính quyền ở một số địa phương trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma chưa thực sự gắn kết, thiếu chặt chẽ đồng bộ. Nhận thức của một số bộ phận còn xem nhẹ tình hình tội phạm ma túy, chưa làm hết trách nhiệm của mình. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, tấn công trấn áp tội phạm ở một số xã, phường còn yếu chưa chủ động và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của một bộ phận quần chúng nhân dân. Ý thức của một bộ phận nhân dân chưa cao trong hoạt động tố giác tội phạm về ma túy, còn lo sợ đối tượng phạm tội trả thù.
Viện kiểm sát kiến nghị giải pháp
Xuất phát từ thực trạng và các nguyên nhân dẫn đến tình hình trồng trái phép cây cần sa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng như đã nêu trên. Để phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược Quốc gia, phòng chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020”; Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy” và Quyết Định số 291/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW.... Quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp và các ban, ngành liên quan nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo lĩnh vực quản lý, điều hành công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn toàn tỉnh.
Cụ thể, các Cơ quan chuyên môn có chức năng liên quan của UBND tỉnh phân công cụ thể trách nhiệm, phối hợp và thống nhất nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy. Tiến hành nghiên cứu, phương pháp, nội dung, hình thức, xây dựng chương trình hành động, chương trình tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó tập trung chính vào những nội dung sau:
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và Tp. Buôn Ma Thuột trong toàn tỉnh có giải pháp theo dõi, kiểm soát địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật ở lĩnh vực này; Phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân, giúp nhân dân nhận biết cây thuốc phiện, cây cần sa, các cây khác có chứa chất ma túy cũng như tác hại, hệ lụy, hiểm họa, hậu quả của việc sử dụng các loại cây này cho xã hội và sức khỏe; Các quy định của pháp luật về việc trồng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại cây có chứa chất chất ma túy và các hình thức xử lý đối với những hành vi vi phạm.
Chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương phối hợp với Công an các phường, xã, thị trấn khẩn trương thực hiện ngay đợt kiểm tra, rà soát trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát hiện, thu giữ và xử lý kịp thời việc người dân trồng, tàng trữ và sử dụng các loại cây có chứa chất ma túy.
Chỉ đạo các cơ quan truyền thông (Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Lắk), các Cơ quan báo chí địa phương, trung ương đóng trên địa bàn xây dựng chương trình, kế hoạch gia tăng thời lượng, mở các chuyên trang, chuyên mục, các tin bài, hình ảnh tuyên truyền và đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền giáo dục phòng chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng, đưa nội dung này lên mạng viễn thông, internet, tin nhắn ... để giúp người dân nhận biết, nhận diện về cây thuốc phiện, cây cần sa và các cây khác có chứa chất ma túy.
Kết hợp các hình thức tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông với tuyên truyền trực tiếp, trong đó chú ý vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín, ảnh hưởng với cộng đồng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục, thể thao mang thông điệp phòng chống ma túy; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền, giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể, trọng tâm là học sinh sinh viên và người dân, đồng bào dân tộc thiểu số tại những vùng trọng điểm, những vùng có nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy cao.
Hỗ trợ tổ chức triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống ma túy ở cấp cơ sở, tập trung cho các xã, phường, thị trấn trọng điểm. Trong đó chú trọng triển khai các hoạt động tuyên truyền nhằm làm tốt công tác phòng ngừa; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng công an cấp xã và các tổ chức đoàn thể về phòng chống ma túy; xây dựng và duy trì các mô hình có hiệu quả về phòng chống ma túy.
Tăng cường hơn nữa trách nhiệm, trong việc quản lý chặt chẽ, kiểm tra thường xuyên việc đăng ký tạm trú, lưu trú trên địa bàn để hạn chế được tình hình mất trật tự trị an nói chung và tình trạng các đối tượng ở nơi khác đến cư trú, thực hiện những hành vi trái phép liên quan đến ma túy nói riêng, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội của địa phương.
Tăng cường phối hợp, kết hợp giữa các lực lượng chuyên trách ở tỉnh và giữa các cơ quan tại địa phương, nhất là những địa phương trọng điểm phức tạp về ma túy. Kịp thời rút kinh nghiệm việc thực hiện các kế hoạch phối hợp nhằm bổ sung các biện pháp phù hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch này. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, xử lý triệt để tội phạm về ma túy, như: xây dựng kế hoạch đấu tranh sát với tình hình thực tế; ngăn chặn ma túy xâm nhập ở khu vực biên giới, giáp ranh; triệt xóa các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy.
Chỉ đạo đẩy mạnh việc xây dựng tổ dân phố, xã, phường lành mạnh gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm góp phần xây dựng cuộc sống văn hóa lành mạnh trong đó Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong toàn Tỉnh có biện pháp huy động cả hệ thống chính trị tại các Phường, thị trấn, thôn, buôn, tổ dân phố để tổ chức nắm bắt tình hình, vận động nhân dân tố giác các hành vi tàng trữ, mua bán các chất ma túy nói chung, việc trồng, tàng trữ và sử dụng các loại cây có chức chất ma túy nói riêng; có ý thức không trồng, không sử dụng, không tàng trữ và mua bán những loại cây có chứa chất ma túy. Kịp thời phát hiện, báo tin cho lực lượng chức năng về hành vi trồng, tàng trữ các cây, bộ phận của cây cần sa, cây thuốc phiện và các loại cây khác chứa chất ma túy để ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm.
Thường xuyên chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương phối hợp với: Mặt trận tổ quốc, Đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể vận động đoàn viên, hội viên tham gia và tích cực vận động mọi người tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn về ma túy và nhất là tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.