leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên sử dụng sơ đồ tư duy hỗ trợ liên ngành hội ý giải quyết 1 vụ việc.

VKSND thị xã Cửa Lò đã triển khai đầy đủ, có giải pháp chi tiết để thực hiện các Kế hoạch, Chương trình khâu đột phá về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của VKSND tối cao, VKSND tỉnh; xác định rõ trách nhiệm thực hiện là toàn bộ cán bộ, công chức, người lao động, trong đó lãnh đạo Viện là những người đi đầu, nắm vững, nhận thức đúng đắn về ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tiên phong trong việc ứng dụng các tiện ích của CNTT nhằm tạo ra phong trào và  là tấm gương cho cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị noi theo; kiên trì công tác tự bồi dưỡng để nâng cao các kiến thức, kỹ năng cơ bản về CNTT bằng nhiều hình thức khác nhau.

Để hỗ trợ cán bộ, công chức và người lao động kịp thời, Viện trưởng đã thành lập Tổ chỉ đạo ứng dụng CNTT do Viện trưởng trực tiếp chỉ đạo; lựa chọn các cán bộ có trình độ, kinh nghiệm làm thường trực; tổ chức khảo sát kĩ năng ứng dụng CNTT và những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức và người lao động trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Từ việc khảo sát nhu cầu, tổ ứng dụng CNTT đã triển khai các sinh hoạt chuyên đề về ứng dụng công nghệ thông tin như: Phương pháp xây dựng báo cáo chuyên đề bằng trang trình chiếu; báo cáo án bằng hình ảnh, báo cáo án bằng sơ đồ tư duy, xây dựng các video clip... Sau khi tổ chức quán triệt, cán bộ nào chưa thực hiện được thì thường trực của tổ chỉ đạo sẽ trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, lưu ý các thao tác cụ thể để khắc phục các nhược điểm.

Đảm bảo hệ thống đường truyền mạng kết nối và sử dụng các hệ thống ứng dụng; yêu cầu cán bộ nghiệp vụ khai thác có hiệu quả chức năng của các phần mềm, ứng dụng hiện có phục vụ hiệu quả công tác chuyên môn; thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các phần mềm quản lý sổ thụ lý tin báo điện tử, phần mềm quản lý án hình sự, dân sự, phần mềm báo cáo thống kê; kế toán. 100% cán bộ sử dụng thường xuyên phần mềm văn bản Quản lý điều hành, chữ ký số. Hàng tuần, duy trì tốt việc giao ban trực tuyến với VKS tỉnh và các cuộc tập huấn trực tuyến khi có yêu cầu. Toàn đơn vị đã sử dụng văn bản điện tử thay thế cho các văn bản giấy; khai thác, sử dụng triệt để hộp thư điện tử công vụ; khai thác thông tin từ mạng Internet để phục vụ hoạt động chuyên môn một cách hiệu quả. Thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hình sự, vụ, việc dân sự 100%.

100% cán bộ nghiệp vụ sử dụng thành thạo các phần mền khác nhau để thiết kế slide phục vụ công tác chuyên môn, báo cáo chuyên đề. Xuất phát từ thực trạng công tác quán triệt văn bản mới và các báo cáo chuyên đề của VKSND thị xã Cửa Lò trong những năm trước đây chủ yếu được thực hiện theo phương pháp truyền thống: đọc-nghe đơn điệu, buồn tẻ dẫn đến việc ghi nhớ và áp dụng văn bản mới vào công tác còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tồn tại này, ngay sau khi bộ phận thường trực của tổ chỉ đạo thực hiện CNTT quán triệt chuyên đề “Phương pháp xây dựng báo cáo chuyên đề bằng trang trình chiếu”, Lãnh đạo Viện đặt ra yêu cầu bắt buộc là chuyên đề và văn bản nghiệp vụ thuộc bộ phận nghiệp vụ nào thì cán bộ nghiệp vụ đó phải báo cáo bằng powerpoint,  không “khoán trắng” việc xây dựng các chuyên đề cho cán bộ tổng hợp như trước đây. Sau khi thực hiện xong báo cáo, dự thảo chuyên đề phải sử dụng ứng dụng CNTT để chia sẻ trước cho các cán bộ còn lại trong đơn vị để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thảo luận trước khi tổ chức quán triệt.

Do ứng dụng các phần mềm có hiệu ứng tốt, có sơ đồ kèm âm thanh, hình ảnh, văn bản được chuyển đổi thành audio thuyết minh chất lượng cao nên việc tiếp thu kiến thức tốt hơn, việc thảo luận cũng sôi nổi hơn. Trong 9 tháng đầu năm, đơn vị đã xây dựng 2 video Clip triển khai nhiệm vụ công  tác năm và Hội nghị cán bộ, công chức và người lao động 2023; 19 slide về quán triệt các chuyên đề (Trong đó 6 powerpoint, 1 inforgraphic trên ứng dụng Canva, 11 Googleslides). Đơn vị đạt giải Nhì trong cuộc thi thiết kế slide do VKSND tỉnh Nghệ An tổ chức.

leftcenterrightdel
 Một cuộc họp đơn vị có ứng dụng CNTT.

Mỗi cán bộ được phân công đã có những cách ứng dụng CNTT để phục vụ nhiệm vụ của mình tốt hơn. Cán bộ tổng hợp hình sự đã sử dụng phần mềm Microsoft 365 phiên bản Premium (có tính phí theo năm) bao gồm: các phần mềm Microsoft Word, Excel, PowerPoin và thư mục bảo mật; đồng bộ máy tính và điện thoại. Thông tin được mã hóa, dữ liệu được lưu trong thư mục bảo mật phải xác nhận 2 lớp, giúp đảm bảo tính bảo mật.  Trong đó đã sử dụng Microsoft Word, Excel để tạo file tổng hợp các vi phạm của Cơ quan điều tra theo từng vụ việc, vụ án giúp cho việc tham mưu, đề xuất Lãnh đạo ban hành kiến nghị cá biệt, kiến nghị tổng hợp đầy đủ, kịp thời. Ứng dụng có bản quyền này cho phép người dùng scan văn bản giấy thành file mềm, giúp scan các vi phạm của Cơ quan điều tra mà Kiểm sát viên nêu trong báo cáo đề xuất nhanh chóng, tiện lợi. Tạo file Word để thống kê số liệu theo từng tuần. Ngay khi có vụ án, bị can mới khởi tố hay trong việc ban hành các yêu cầu, kiến nghị có thống kê ngay vào bằng điện thoại thông minh giúp việc tổng hợp số liệu tuần so với số liệu tháng được đảm bảo. Bên cạnh đó, cán bộ tổng hợp còn sử dụng ứng dụng Google Keep (ứng dụng ghi chú của Google) lập danh sách các chỉ tiêu nghiệp vụ trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác thực hành, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Danh sách đồng bộ giữa điện thoại và máy tính nên việc tạo danh thực hiện trên máy tính dễ dàng, chia các giai đoạn thành từng nhóm, ví dụ như: Trong giai đoạn điều tra: xác định 2 vụ án trọng điểm,... Trong danh sách, ở đầu các chỉ tiêu có các Check box (Hộp kiểm). Đối với các chỉ tiêu đã hoàn thành chỉ cần đánh dấu vào Check box (Hộp kiểm), ứng dụng sẽ tự động chuyển xuống một nhóm riêng, giúp dễ dàng theo dõi các chỉ tiêu nghiệp vụ chưa hoàn thành để báo cáo, tham mưu Lãnh đạo đơn vị nhanh chóng.

Các Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự đã thực hiện việc báo cáo án bằng sơ đồ tư duy. Ưu điểm của báo cáo án bằng sơ đồ tư duy giúp cho Kiểm sát viên hệ thống được toàn bộ các thủ tục tố tụng, các tài liệu, chứng cứ, nắm chắc nội dung vụ án, vụ việc, từ đó có thể phát hiện các thiếu sót trong hồ sơ để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Mặt khác, đối với các vụ việc, vụ án có dữ liệu điện tử như hình ảnh, video, âm thanh được đính kèm báo cáo để trình chiếu giúp lãnh đạo dễ dàng nắm bắt toàn bộ nội dung của vụ việc, vụ án; từ đó có chỉ đạo kịp thời, sát, đúng. Một số vụ, việc phức tạp, cần ý kiến chỉ đạo liên ngành cũng được báo cáo bằng sơ đồ tư duy, hỗ trợ các Cơ quan liên ngành trình bày quan điểm.

Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự cũng đã ứng dụng CNTT trong việc thu thập chứng cứ để phục vụ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và phục vụ giải quyết các vụ án nhằm đảm bảo việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm, nhất là trong các vụ án có đồng phạm, các vụ Gây rối trật tự công cộng, tội phạm đánh bạc bằng hình thức lô đề; lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Qua thực tiễn kiểm sát, VKSND thị xã Cửa Lò nhận thấy, hầu hết các đối tượng đánh bạc bằng hình thức lô đề trên địa bàn thị xã Cửa Lò đều sử dụng điện thoại di động để nhắn tin số lô, số đề; chuyển khoản tiền đánh bạc thông qua internet banking. Việc gửi số lô, số đề thông qua nhiều phần mềm hoặc các mạng xã hội khác nhau như: Zalo, Facebook, Telegram, Viber,… Các phần mềm này, các đối tượng thường đặt chế độ tự động xóa hoặc chế độ bảo mật; ẩn ứng dụng liên lạc.

Do đó, khi cơ quan điều tra thu giữ điện thoại của đối tượng, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên bật chế độ máy bay ngay để ngắt tất cả các kết nối mạng của điện thoại, loại trừ ngay việc người khác đăng nhập từ thiết bị khác để xóa dữ liệu tin nhắn, cuộc gọi. Sau đó, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên kiểm tra kỹ điện thoại, vào mục cài đặt của điện thoại để xem đối tượng đã sử dụng những ứng dụng, phần mềm nào, có bao nhiêu phần mềm có thể dùng để liên lạc để tránh trường hợp đối tượng đã ẩn những ứng dụng để liên lạc ngoài màn hình chính; sau đó, vào từng phần mềm để kiểm tra dữ liệu tin nhắn, cuộc gọi. Khi kiểm tra được thông tin liên quan đến vụ án, yêu cầu chụp màn hình từng đoạn nhắn tin, chụp lịch sử cuộc gọi, thời lượng cuộc gọi, phân loại theo từng máy của từng đối tượng, sắp xếp theo trình tự thời gian,… để lập biên bản thu thập chứng cứ điện tử ngay sau khi thu giữ điện thoại,… Đối với các điện thoại không còn dữ liệu hiển thị do đối tượng đã xóa tin nhắn, sau khi đã tính tiền thắng thua hoặc các đối tượng đặt chế độ tự động xóa dữ liệu, thì yêu cầu CQĐT phối hợp với phòng kĩ thuật hình sự Công an tỉnh phục hồi dữ liệu tin nhắn, lịch sử cuộc gọi làm căn cứ để mở rộng điều tra vụ án,…

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên cũng đã chú trọng kiểm tra các ứng dụng ngân hàng điện tử (Banking) trên điện thoại, sau đó chụp ảnh màn hình các ứng dụng rõ số tài khoản, tên tài khoản đang đăng nhập trên điện thoại. Nhờ biện pháp này, đã phát hiện được nhiều đối tượng che giấu, không chỉ sử dụng một tài khoản ngân hàng, mà còn sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên người khác như cha, mẹ, vợ, con, anh, chị, em,… không sử dụng tài khoản mang tên mình để thực hiện các giao dịch. Sau khi chụp ảnh màn hình các tài khoản ngân hàng đăng nhập trên điện thoại, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên rà soát các tài khoản ngân hàng mà đối tượng thường sử dụng để yêu cầu thu thập dữ liệu giao dịch tại ngân hàng, từ đó làm căn cứ để đấu tranh với đối tượng chuyển tiền đi, đối tượng nhận tiền chuyển đến; mục đích chuyển tiền… để làm rõ tang số đối tượng sử dụng đánh bạc, số đối tượng tham gia đánh bạc để yêu cầu khởi tố thêm bị can.

Đối với các vụ án lừa đảo và làm giả giấy tờ tài liệu, các vụ án ma túy, buôn bán hàng cấm...; Kiểm sát viên nghiên cứu kĩ biên bản thu giữ đồ vật, phương tiện liên lạc bị thu giữ ban đầu để yêu cầu Điều tra viên tiến hành kiểm tra dữ liệu điện tử tương tự như trên từ các cuộc gọi, tin nhắn sms; cuộc gọi, tin nhắn các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook (messeger) đi, đến; kiểm tra ứng dụng thanh toán Banking tài khoản ngân hàng mà đối tượng sử dụng giao dịch trên điện thoại thông minh để rà soát có bao nhiêu người liên quan, bị hại, nếu trên ứng dụng không hiển thị nội dung thì yêu cầu đối tượng mở tin nhắn với những người này trên tất cả các ứng dụng, phần mềm, nhờ đó mở ra được các cuộc trò chuyện mà đối tượng đã ẩn. Qua đó, sao lưu để làm căn cứ đấu tranh từng đối tượng, yêu cầu cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp để chuyển hóa chứng cứ nhằm truy cứu trách nhiệm hình sự, cá thể hóa hình sự từng đối tượng đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Đối với các vụ án Cố ý gây thương tích, các vụ Gây rối trật tự công cộng thường xảy ra ở các khu vực đông người, quán ăn, nhà hàng, khu vực đông dân cư,... quá trình tham gia khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên đã yêu cầu Cơ quan điều tra rà soát các camera có tại hiện trường để kịp thời yêu cầu cơ quan CSĐT thu thập dữ liệu; tránh để kéo dài, dữ liệu sẽ không khôi phục được. Khi cơ quan CSĐT thu thập được dữ liệu điện tử thì Kiểm sát viên tập trung xem kĩ để nhận dạng, phân loại, tham gia hỏi cung cùng ĐIều tra viên để đấu tranh làm rõ các đối tượng có trong file hình ảnh được ghi lại. Từ chứng cứ hình ảnh để đấu tranh những điểm chưa rõ, những điểm mà lời khai của các đối tượng còn có mâu thuẫn; từ đó đề ra yêu cầu xác minh, đấu tranh mở rộng vụ án, yêu cầu khởi tố bị can khi thấy đã rõ về tội phạm mà CQĐT không kiên quyết xử lý.

Từ việc vận dụng linh hoạt các giải pháp công tác nêu trên, Kiểm sát viên đã phối hợp đấu tranh mở rộng 1 vụ án đánh bạc bằng hình thức ghi số lô, số đề với 14 đối tượng tham gia; mở rộng điều tra 1 vụ án Gây rối trật tự công cộng tại quán Bar trên địa bàn; 1 vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức chuyển tiền qua E-banking; 1 vụ Lừa đảo và sử dụng giấy tờ tài liệu giả.

Hoàng Anh Dũng