Theo nội dung vụ án, khoảng 20h ngày 13/4/2022, sau khi uống rượu tại nhà anh Phạm Phi Hồng, Lê Tấn Đạt điều khiển xe mô tô đến đoạn đường trước nhà ông Đoàn Văn Lân thì Đạt gặp ông Lân đã uống rượu đứng giữa đường dang hai tay để chặn xe của Đạt lại không cho Đạt đi. Đạt điều khiển xe lách về bên phải theo chiều đi của mình để né tránh.

Sau khi điều khiển xe chạy qua ông Lân khoảng 5 mét, Đạt quay xe lại đến gần chỗ ông Lân đứng, dừng xe, ngồi trên xe nói “Sao ông Ba chặn xe con vậy ?”. Ông Lân chỉ trỏ, chửi và nhào về phía Đạt, Đạt dựng xe xuống đứng đối diện với ông Lân nói “Giờ ý ông sao?” thì ông Lân tiếp tục nhào về phía Đạt, nói khích và dùng tay chỉ trỏ vào mặt Đạt. Thấy vậy, Đạt dùng tay gạt tay ông Lân ra và đánh mấy cái vào mặt ông Lân; ông Lân cũng đánh lại nhưng không trúng. 

Lúc này, Phạm Nhật Quý cùng nhóm bạn đi ngang qua thấy vậy đến can ngăn 2 bên ra nhưng không được. Đạt tiếp tục dùng tay phải của mình tát mạnh một cái vào mặt ông Lân, dùng chân phải đạp vào người ông Lân làm ông Lân ngã xuống nền đường trong tư thế ngồi. Thấy vậy, Quý đến nắm vai Đạt kéo lại, Đạt hất tay Quý ra rồi đến chỗ dựng xe để đi về.

Khi đi được khoảng 1, 2 bước, Đạt nghe ông Lân vẫn còn ngồi chửi nên quay lại, đứng đối diện dùng chân phải của mình đá mạnh một cái theo hướng từ phải qua trái trúng vào vùng đầu, cổ bên trái của ông Lân, làm ông Lân ngã nằm bất động dưới nền đường, người nghiêng bên phải, rồi Đạt lên xe bỏ về. Trên đường về đến gần nhà, Đạt thấy điện thoại có cuộc gọi nhỡ của Quý nên gọi lại, Quý bảo Đạt đến xem thử chứ sao đánh ông Lân bất tỉnh mà bỏ đi. Lúc này, Lê Tấn Đạt gọi điện thoại cho Phạm Văn Đạt ở cùng xóm nhờ chở quay lại hiện trường để xem tình hình.

Khi đi tới thôn Phước Thọ, xã Mỹ Hòa, Đạt sợ người nhà ông Lân đánh trả thù nên xuống xe ở lại đó và bảo Phạm Văn Đạt chạy đến hiện trường. Sau khi đến hiện trường thấy ông Lân đã chết, Phạm Văn Đạt quay lại thông báo cho Tấn Đạt biết, rồi chở Tấn Đạt quay lại nhà anh Hồng. Sau đó, Tấn Đạt gọi điện cho mẹ ruột đến đưa Đạt về nhà, rồi Đạt đến Công an huyện đầu thú. Hậu quả ông Lân chết do bị gãy cột sống cổ chèn ép tủy.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 53/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 TAND tỉnh B áp dụng khoản 2 Điều 123; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Lê Tấn Đạt 5 năm tù về tội “Giết người”.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17/10/2022 Viện cấp cao 2 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm với nội dung: Hủy bản án hình sự sơ thẩm số 53/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 TAND tỉnh B để xét xử lại đối với bị cáo Lê Tấn Đạt theo hướng: Bị cáo phạm tội “Giết người” theo điển n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 và tăng hình phạt đối với bị cáo.

Bản án hình sự phúc thẩm số 40/2023/HS-PT ngày 16/3/2023 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của Viện cấp cao 2; hủy bản án hình sự sơ thẩm số 53/2022/HS-ST ngày 21/9/2022 của TAND tỉnh B, giao hồ sơ về cho TAND tỉnh B để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Trong vụ án trên, theo Viện cấp cao 2 có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. Cụ thể, việc ông Lân đứng giữa đường chặn xe của bị cáo do say rượu, chưa gây ra thiệt hại gì cho bị cáo nên đây chỉ là va chạm nhỏ nhặt trong giao tiếp. Sau khi đã đánh ông Lân ngã ngồi xuống đường được mọi người can ngăn bị cáo đã định ra về nhưng nghe tiếng ông Lân chửi thì bị cáo quay lại dùng chân đá mạnh vào đầu, trong điều kiện ông Lân bị say rượu và vừa bị Đạt đánh ngã ngồi trên vệ đường không có khả năng kháng cự.

Cũng theo Viện cấp cao 2, hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện rõ tính côn đồ hung hãn nên đã phạm vào điển n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo theo khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 là không đúng khung hình phạt, dẫn đến áp dụng mức hình phạt 5 năm tù với bị cáo là quá nhẹ so với tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội bị cáo đã thực hiện.

P.V