Nội dung vụ án 

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (viết tắt là Ngân hàng) và Công ty trách nhiệm hữu hạn MT (Công ty MT) ký kết Hợp đồng vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước số 04/2007/HĐTD ngày 25/7/2007 (Hợp đồng tín dụng số 04). Theo đó, Ngân hàng cho Công ty MT vay 9 tỷ đồng để thực hiện Dự án đóng mới tàu vận tải biển 1.485 tấn; thời hạn vay 5 năm kể từ 1/8/2007, ân hạn 12 tháng, trả nợ gốc trong 4 năm (theo tiến độ quy định cụ thể), lãi suất trong hạn 8,4%/ năm, lãi quá hạn bằng 150% lãi vay trong hạn. Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 7 của Hợp đồng tín dụng số 04, hai bên còn thỏa thuận về việc bên vay (Công ty MT) phải trả lãi đối với khoản tiền lãi nếu chậm thanh toán, theo lãi suất nợ quá hạn (bằng 150% lãi cho vay trong hạn). Để bảo đảm cho khoản vay trên, hai bên có ký kết 5 hợp đồng thế chấp tài sản và các phụ lục kèm theo. 

Quá trình thực hiện Hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho Công ty MT vay 8.925.101.000 đồng. Do Công ty MT đã vi phạm thời hạn trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, Ngân hàng đã khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Công ty MT phải trả tổng số tiền nợ tính đến ngày 17/11/2016 là 17.545.259.950 đồng, gồm: Nợ gốc 7.255.885.300 đồng; lãi trên nợ gốc trong hạn 1.252.915.832 đồng; lãi trên nợ gốc quá hạn 5.812.084.875 đồng; lãi phạt trên lãi chậm thanh toán 3.224.373.943 đồng. Đồng thời yêu cầu tiếp tục tính lãi theo thỏa thuận của các bên tại Hợp đồng tín dụng số 04 cho đến khi Công ty MT thanh toán xong toàn bộ số nợ (gốc + lãi)... 

Quá trình giải quyết vụ án

Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/KDTM-ST ngày 17/11/2016 của TAND huyện TH, tỉnh TB đã quyết định: Buộc Công ty MT phải thanh toán trả toàn bộ số nợ cho Ngân hàng tổng số tiền là 17.545.259.950 đồng gồm: Nợ gốc 7.255.885.300 đồng; lãi trên gốc trong hạn 1.252.915.832 đồng; lãi trên gốc quá hạn 5.812.084.875 đồng; lãi phạt trên lãi chậm trả là 3.224.373.943 đồng. Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, Công ty MT không trả đủ số tiền trên cho Ngân hàng thì còn phải chịu lãi suất đối với số tiền nợ vay (gốc và lãi) cho đến khi thanh toán xong nợ vay (gốc và lãi) theo lãi suất thỏa thuận quy định tại Hợp đồng tín dụng số 04. 

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn tuyên về xử lý tài sản thế chấp, án phí và thời hạn kháng cáo... 

Do Công ty MT kháng cáo, Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 03/2017/KDTM-PT ngày 7/7/2017 của TAND tỉnh TB đã quyết định không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của Công ty MT. Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm cơ bản giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 04/2016/ KDTM-ST ngày 17/11/2016 của TAND huyện TH, nhưng đã sửa lại phần tuyên về lãi suất chậm trả sau xét xử sơ thẩm thành tuyên về lãi suất chậm thi hành án, nội dung tuyên sửa lại như sau: “Kể từ ngày Ngân hàng Phát triển Việt Nam có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty MT không thi hành các khoản phải thi hành hoặc thi hành chậm, thì Công ty MT phải chịu lãi suất do thi hành án chậm theo quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự”. 

Sau xét xử phúc thẩm, Công ty MT có đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 3/7/2020, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 04/2020/KN-KDTM, kháng nghị đối với một phần Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên, đề nghị bỏ phần quyết định buộc Công ty MT phải chịu khoản lãi phạt là 3.224.373.948 đồng tính trên số lãi chậm thanh toán, đồng thời đề nghị xác định lại thời điểm tính lãi chậm trả và số tiền được tính lãi chậm trả cũng như mức lãi suất chậm trả áp dụng sau thời điểm xét xử sơ thẩm. 

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND huyện Kiến Xương (Thái  Bình) phát biểu tại phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại. (Ảnh minh hoạ - VKS huyện Kiến Xương)

Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 24/11/2020, đại diện VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị, được Hội đồng giám đốc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đồng ý chấp nhận toàn bộ kháng nghị. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 24/2020/KDTM-GĐT đã quyết định sửa một phần Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 03/2017/KDTM-PT ngày 7/7/2017 của TAND tỉnh TB về số tiền được tính lãi và lãi suất áp dụng, đã tuyên: Buộc Công ty MT phải thanh toán cho Ngân hàng tổng số tiền 14.320.886.000 đồng (gồm nợ gốc là 7.255.885.300 đồng; lãi trên nợ gốc trong hạn là 1.252.915.832 đồng; lãi trên nợ gốc quá hạn 5.812.084.875 đồng). Kể từ ngày tiếp theo ngày xét xử sơ thẩm, Công ty MT còn phải chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng số 04 cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này... 

Nội dung rút kinh nghiệm 

Trong vụ án này, do Công ty MT vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng tín dụng số 04, Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm tuyên buộc Công ty MT phải trả Ngân hàng số tiền nợ gốc chưa thanh toán và lãi trên nợ gốc trong hạn, lãi trên nợ gốc quá hạn theo lãi suất các bên thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng số 04 là có căn cứ. Nhưng, Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm lại tuyên buộc Công ty MT phải trả cho Ngân hàng khoản lãi phạt là 3.224.373.943 đồng tính trên số lãi chậm thanh toán, đồng thời tiếp tục tính lãi sau xét xử sơ thẩm đối với số tiền lãi là không đúng quy định của pháp luật.

Lý do là: Vụ án do Ngân hàng khởi kiện ngày 17/11/2016, đề nghị xử lý tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng tín dụng số 04 ký kết ngày 25/7/2007 nên phải áp dụng các quy định của pháp luật điều chỉnh về nội dung tranh chấp có hiệu lực tại thời điểm các bên giao kết và thực hiện Hợp đồng tín dụng số 04. Theo đó thì việc tính lãi phải tuân thủ quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (khoản 2 Điều 11), Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có hiệu lực tại thời điểm này quy định về giới hạn lãi suất cho vay, lãi suất cơ bản, lãi suất thoả thuận và cách tính lãi áp dụng cho hợp đồng tín dụng. 

Xét thấy, tại thời điểm xác lập và thực hiện Hợp đồng tín dụng số 04 nêu trên không có quy định nào của pháp luật cho phép được tính lãi trên lãi (lãi chồng lãi) đối với hợp đồng tín dụng nói riêng, hợp đồng vay tài sản nói chung. Vì vậy, thỏa thuận của các bên tại khoản 2 Điều 4 và khoản 3 Điều 7 của Hợp đồng tín dụng số 04 ngày 25/7/2007 về số tiền lãi chậm thanh toán cũng phải chịu tính lãi theo lãi suất nợ quá hạn là trái pháp luật. Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm lẽ ra phải bác bỏ phần yêu cầu của Ngân hàng về đề nghị tính lãi trên lãi, nhưng lại chấp nhận yêu cầu này là không đúng. 

Ngoài ra, Bản án phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm, xác định lại thời điểm chịu lãi chậm trả sau xét xử sơ thẩm là “sau khi Ngân hàng có đơn yêu cầu thi hành án”, đồng thời xác định lại mức lãi suất chậm trả là “lãi suất chậm trả theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015” cũng là không đúng, trái với hướng dẫn tại Án lệ 08/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về xác định lãi suất, việc điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng tín dụng kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (Án lệ này có hiệu lực áp dụng tại thời điểm xét xử sơ thẩm và phúc thẩm vụ án này).

Cùng với đó, đến nay, nội dung hướng dẫn của Án lệ đã được chuyển thể thành quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/1/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Theo hướng dẫn này, áp dụng vào trường hợp cụ thể này, chỉ có số tiền gốc chưa thanh toán mới được tiếp tục tính lãi và thời điểm tiếp tục tính lãi đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán sau khi xét xử phải được tính từ ngày tiếp theo sau ngày xét xử sơ thẩm, theo mức lãi suất mà các bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng tín dụng số 04 ngày 25/7/2007.

P.V