Nội dung vụ án và quá trình giải quyết cho thấy: Ngày 25/4/2020, Công ty cổ phần Hóa chất PL (địa chỉ trụ sở chính: huyện BT, tỉnh L), có đơn yêu cầu TAND tỉnh L mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Hóa chất PL (Công ty). Ngày 27/5/2020, TAND tỉnh L đã thụ lý vụ việc “Yêu cầu mở thủ tục phá sản” theo đơn yêu cầu của Công ty.
Căn cứ Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2020/QĐ-MTTPS ngày 26/6/2020 của TAND tỉnh L và kết quả Hội nghị chủ nợ ngày 4/1/2019, ngày 30/9/2022, TAND tỉnh L đã ban hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 01/2022/QĐ-TBPS tuyên bố phá sản đối với Công ty.
Ngày 27/10/2022, VKSND tỉnh L ban hành Quyết định kháng nghị số 146/QĐKN-VKS-PS kháng nghị đối với toàn bộ Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản nêu trên, đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội xem xét hủy toàn bộ Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, giao hồ sơ cho TAND tỉnh L giải quyết lại.
Tại phiên họp giải quyết đề nghị xem xét lại Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, đại diện Viện cấp cao 1 đề nghị chấp nhận kháng nghị, hủy Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản của TAND tỉnh L, đã được TAND cấp cao tại Hà Nội chấp nhận.
Quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 83/2023/QĐ-PT ngày 27/7/2023 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định: Hủy toàn bộ Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 01/2022/QĐ-TBPS ngày 30/9/2022 của TAND tỉnh L về việc tuyên bố phá sản đối với Công ty; giao hồ sơ cho TAND tỉnh L giải quyết lại việc yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản...
Trong vụ việc trên, theo Viện cấp cao 1 có những vi phạm cần rút kinh nghiệm. Trước hết là về kết quả kiểm kê tài sản. Quá trình giải quyết việc yêu cầu tuyên bố doanh nghiệp phá sản, Công ty đã thực hiện kiểm kê tài sản và gửi Tòa án các tài liệu về kiểm kê tài sản, tổng hợp khoản nợ phải trả, khoản nợ phải đòi. Tại các báo cáo tài chính các năm 2017, 2018, 2019 của Công ty, đơn vị kiểm toán là Công ty A đều có ý kiến thể hiện không xác định được tính khách quan đối với tình trạng tài sản và một số khoản tiền trong các báo cáo tài chính. Vì vậy, các tài liệu về kiểm kê tài sản và tổng hợp các khoản nợ do Công ty tự lập không đủ độ tin cậy, cần phải yêu cầu Quản tài viên tiến hành kiểm kê, xác định giá trị tài sản và tổng hợp các khoản nợ để đảm bảo tính chính xác, khách quan. TAND tỉnh L đã yêu cầu Quản tài viên tiến hành các công việc trên theo quy định tại khoản 4 Điều 65 Luật Phá sản.
Tuy nhiên, Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản số 01/2022/QĐ-TBPS ngày 30/9/2022 nêu trên lại viện dẫn và đính kèm theo các phụ lục tài liệu về kiểm kê tài sản, tổng hợp khoản nợ phải trả, khoản nợ phải đòi do Công ty lập, không phải do Quản tài viên lập. Do đó, nội dung của Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản là không khách quan, không hợp lệ.
Bên cạnh đó, về Báo cáo tài chính, Công ty nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có gửi kèm Báo cáo tài chính năm 2017 được lập ngày 30/3/2019; Báo cáo tài chính năm 2018, năm 2019 được lập cùng ngày 20/3/2020, đều chưa được kiểm toán.
Sau khi có Quyết định mở thủ tục phá sản, Công ty nộp Báo cáo tài chính năm 2017, 2018, 2019. Các báo cáo nêu trên của Ban giám đốc Công ty đều do Tổng Giám đốc ký, đóng dấu xác nhận cùng ngày 27/4/2022 và đồng thời Công ty kiểm toán độc lập A cũng ký, ban hành Báo cáo kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính của tất cả các năm 2017, 2018, 2019 của Công ty cùng ngày 27/4/2022 nhưng tại các Báo cáo kiểm toán của đơn vị kiểm toán đều thể hiện đơn vị này không biết có Báo cáo tài chính các năm 2017, 2018, 2019 đã được Công ty lập và nộp cho Tòa án ở giai đoạn trước khi mở thủ tục phá sản. Như vậy, trong cùng vụ việc lại có 2 hệ thống báo cáo tài chính khác nhau đều của Công ty nên chưa đủ cơ sở để đánh giá thực trạng tài chính của Công ty.
Mặt khác, một nội dung khác cần rút kinh nghiệm là về các khoản nợ có bảo đảm. Theo danh sách chủ nợ do Quản tài viên lập thì Công ty có 4 chủ nợ có bảo đảm nhưng tại Quyết định tuyên bố phá sản chỉ tuyên xử lý nợ có bảo đảm của các chủ nợ là một số Ngân hàng, bỏ sót chủ nợ có bảo đảm là một Công ty khác.
Ngoài ra, tại Điều 5 của Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản chỉ nêu chung chung khoản nợ của các Ngân hàng sẽ được thanh toán bằng việc xử lý các tài sản bảo đảm, mà không xác định rõ từng khoản nợ (gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn) của mỗi chủ nợ là bao nhiêu, theo hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ nào, tài sản bảo đảm cho các khoản vay là tài sản nào, theo hợp đồng thế chấp nào.
Tại Phụ lục 5 của Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản về khoản vay của Ngân hàng cũng chỉ thể hiện khoản vay gốc là không đầy đủ. Các tài liệu liên quan đến khoản vay của Công ty tại các ngân hàng như: Hợp đồng tín dụng, khế ước nhận nợ, bảng kê và tổng hợp khoản vay, hợp đồng thế chấp tài sản, giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất đã thế chấp, ý kiến của những người liên quan đến tài sản thế chấp (nếu có) cũng chưa được thu thập đầy đủ để làm căn cứ xác định hiệu lực, tính hợp pháp của quan hệ tín dụng và quan hệ thế chấp tài sản.
Theo Viện cấp cao 1, việc giải quyết yêu cầu phá sản doanh nghiệp là phải xem xét toàn diện thực trạng tài chính và pháp lý của doanh nghiệp, trong đó có các quan hệ vay nợ. Mặc dù có thể có các chủ nợ hoặc người mắc nợ của doanh nghiệp không hoặc chưa phát sinh tranh chấp với doanh nghiệp khi doanh nghiệp đang trong thủ tục phá sản nhưng Tòa án cần phải làm rõ quan hệ vay nợ, thế chấp giữa doanh nghiệp với các chủ nợ, người mắc nợ có đảm bảo tính hợp pháp hay không, vì có thể có những quan hệ vay nợ sẽ bị vô hiệu do vi phạm điều cấm, hoặc trái đạo đức xã hội, hoặc có liên quan đến người thứ ba.
Việc TAND tỉnh L chưa làm rõ tình trạng pháp lý của quan hệ tín dụng giữa các Ngân hàng với Công ty, trong đó có các khoản nợ, tài sản thế chấp mà đã ban hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản là chưa đủ căn cứ, ảnh hưởng quyền và lợi ích của những người tham gia thủ tục phá sản.