Nội dung vụ án thể hiện, phía nguyên đơn là ông Đàm Văn Thấm cho rằng, bị đơn là ông Đàm Văn Tâm (Địa chỉ: Thôn Hùng Trì, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vay của ông tổng cộng 2.170.000.000 đồng chia thành 6 lần, cụ thể: Lần 1 ngày 6/2/2012 (vay hai đợt, đợt 1 số tiền 500 triệu đồng, đợt 2 số tiền 200 triệu đồng); lần 2 ngày 19/2/2012 vay số tiền 200 triệu đồng; lần 3 ngày 22/2/2012 vay 100 triệu đồng; lần 4 ngày 28/2/2012 vay số tiền 1.150.000.000 đồng; lần 5 ngày 16/3/2012 vay số tiền 10 triệu đồng; lần 6 ngày 19/3/2012 vay số tiền 10 triệu đồng. Ông Thấm khẳng định khi vay ông Tâm có ký nhận bên dưới.

Trong khi đó ông Tâm khẳng định mình chỉ vay 4 khoản vào các ngày 6/2/2012, 19/2/2012, 22/2/2012 với tổng số tiền là 910 triệu đồng. Các khoản vay ngày 16/3/2012 và ngày 19/3/2012 không có chữ ký của ông. 4 khoản vay với số tiền là 910 triệu đồng ông đã trả bằng cách gán bán nhà 3 tầng, quyền sử dụng đất tại thôn Tân Nhuế, xã Lạc Đạo cho ông Thấm (do vợ chồng anh Đàm Văn Bắc và chị Nguyễn Thị Len đứng tên trên hợp đồng chuyển nhượng). Đối với khoản vay lần thứ 4 ngày 28/2/2012 thể hiện: Vay hộ anh Tâm 1.150.000.000 đồng là do ông Thấm tự viết vào chứ ông Tâm không vay, không nhờ ông Thấm vay hộ tiền. Nội dung này không có chữ ký của ông Tâm. Do đó, việc nguyên đơn yêu cầu ông trả số tiền vay 2.170.000.000 đồng, tiền lãi là 1.541.741.600 đồng là không có cơ sở.

Quá trình giải quyết vụ án thể hiện, tại bản án sơ thẩm số 16/2019/DS-ST ngày 7/8/2019, TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thấm; buộc ông Tâm phải trả vợ chồng ông Thấm số tiền gốc là 2.170.000.000 đồng và số tiền lãi tính đến ngày xét xử là 1.541.741.600 đồng. Tổng cộng số tiền phải trả cả gốc và lãi là 3.711.741.600 đồng.

Sau đó, ngày 3/1/2019, ông Tâm có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án sơ thẩm số 16/2019/DS-ST của TAND huyện Văn Lâm.

Tại Quyết định số 07/KNGĐT-VC1-DS ngày 11/3/2020, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị Bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-ST của TAND huyện Văn Lâm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự sơ thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên xét xử sở thẩm lại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đình chỉ thi hành bản án sơ thẩm trên cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Viện cấp cao 1 cho rằng, các khoản vay lần 5 ngày 16/3/2012 và lần 6 ngày 19/3/2012 với tổng số tiền 20 triệu đồng không có chữ ký, chữ viết của ông Tâm phía dưới nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn căn cứ theo Kết luận giám định để xác định ông Tâm vay 2 khoản tiền nêu trên là không đủ cơ sở.

Bên cạnh đó, tài liệu trong vụ án còn thể hiện, lời khai của ông Thấm là có việc ông Thấm mua lại của ông Tâm nhà đất giá 1.180.000.000 đồng. Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn có xuất trình giấy xác nhận của vợ chồng anh Đàm Văn Bắc và chị Nguyễn Thị Len với nội dung: Vợ chồng anh Bắc, chị Len không mua căn nhà 3 tầng tại thôn Tân Nhuế, xã Lạc Đạo của anh Tâm mà chỉ là do anh Thấm nhờ vợ chồng anh chị đứng tên hộ... nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không thu thập chứng cứ xác định việc chuyển nhượng nhà đất của ông Tâm sang anh Bắc, chị Len để làm rõ những nội dung liên quan. Bởi anh Bắc khai các lần chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều không liên quan gì đến ông Tâm tại sao lại có hợp đồng này? Có việc vợ chồng anh Bắc, chị Len được ông Thấm nhờ đứng tên hộ trong hợp đồng không? Ông Thấm khai mua lại của ông Tâm nhà đất giá 1.180.000.000 đồng thì việc mua bán thể hiện ở hợp đồng nào? Có tài liệu chứng cứ về việc ông Thấm đã thanh toán tiền cho cho ông Tâm không... mà đã xác định ông Tâm không có tài liệu chứng cứ chứng minh là xác minh thu thập chứng cứ chưa đầy đủ và chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Cũng theo Viện cấp cao 1, mặc dù trên giấy vay tiền không thể hiện thỏa thuận lãi và thời hạn phải trả nhưng ông Thấm khẳng định chỉ cho ông Tâm vay nóng từ 1 tháng đến 3 tháng; đồng thời tại phiên tòa ông Thấm có yêu cầu phải xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ là ngày 19/6/2012. Như vậy, phải xác định ngày 19/6/2012 là ngày ông Thấm biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, nhưng đến ngày 24/10/2018 ông mới có đơn khởi kiện.

Căn cứ Điều 2 Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015; căn cứ khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, ngày 24/10/2018 ông Thấm mới có đơn khởi kiện, áp dụng thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 (Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản là 3 năm) thì đã hết thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng.

Mặt khác, căn cứ Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về những trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện và xác định yêu cầu của ông Thấm đòi khoản tiền gốc là “yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu” thì cũng chỉ chấp nhận yêu cầu của ông Thấm đối với khoản tiền gốc, không có căn cứ để chấp nhận khoản tiền lãi.

Ngoài ra, theo Viện cấp cao 1, Tòa án chưa xác minh làm rõ việc ông Tâm có chuyển nhượng nhà để thanh toán số tiền vay 1.150.000.000 đồng hay không? nếu có căn cứ thì phải công nhận. Do đó, bản án sơ thẩm của TAND huyện Văn Lâm áp dụng khoản 4 Điều 466 và khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự để buộc ông Tâm phải trả vợ chồng ông Thấm số tiền gốc là 2.170.000.000 đồng và tiền lãi 1.541.741.600 đồng là không đúng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ông Tâm, cần phải hủy án sơ thẩm để giải quyết lại.

Sau đó, tại Quyết định giám đốc thẩm số 42/2020/DS-GĐT ngày 15/8/2020, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện cấp cao 1. Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 16/2019/DS-ST ngày 7/8/2019 của TAND huyện Văn Lâm về vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn là ông Thấm với bị đơn là ông Tâm; đồng thời, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên giải quyết theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

P.V