Liên quan đến bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Theo đó, để kiểm sát việc giải quyết vụ án liên quan đến bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Kiểm sát viên phải đánh giá nguyên tắc bồi thường, điều kiện bồi thường, các trường hợp được xem xét bồi thường, trình tự, thủ tục bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm 2 nội dung: bồi thường về đất và bồi thường thiệt hại về tài sản, sản xuất, kinh doanh. Mỗi hình thức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm những nguyên tắc tương ứng.

Đối với khiếu kiện yêu cầu bồi thường về đất, trước hết, Kiểm sát viên nghiên cứu tài liệu kèm theo để xác định việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất có bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai (căn cứ từ Điều 75 đến Điều 81 Luật Đất đai năm 2013) hay không. Đối với khiếu kiện về mức bồi thường không thỏa đáng (người bị thu hồi đất cho rằng mức bồi thường thấp), Kiểm sát viên căn cứ các quy định tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để xác định mức bồi thường đối với từng trường hợp cụ thể, từ đó có thể đánh giá yêu cầu Tòa án giải quyết về mức bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của người khởi kiện có hợp pháp hay không, xác định xem xét cơ quan Nhà nước áp dụng mức bồi thường đối với diện tích đất bị thu hồi trong từng trường hợp cụ thể là phù hợp hay chưa phù hợp? Ngoài ra, khi đánh giá, xem xét đối với khiếu kiện yêu cầu về mức bồi thường không thỏa đáng, Kiểm sát viên cần lưu ý các trường hợp: Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2004 nhưng đã nộp tiền để được sử dụng đất mà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp diện tích đất thực tế khác với diện tích ghi trên giấy tờ về quyền sử dụng đất; bồi thường về đất cho người sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên phát biểu quan điểm tại một phiên tòa xét xử vụ án hành chính. Ảnh: vkshaugiang

Đối với khiếu kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất, kinh doanh: Kiểm sát viên căn cứ quy định từ Điều 88 đến Điều 94 Luật Đất đai năm 2013 để làm rõ các thiệt hại về tài sản, sản xuất, kinh doanh khi thu hồi đất có thuộc trường hợp được bồi thường hay không? Nếu thuộc căn cứ quy định tại Điều 92 Luật Đất đai năm 2013 thì Nhà nước không phải bồi thường cho người có đất bị thu hồi.

Liên quan đến hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh

Bên cạnh đó, đối với vụ án liên quan đến nội dung hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất: Khi có đất bị thu hồi, người sử dụng đất thường yêu cầu được hỗ trợ các khoản tương ứng với giá trị diện tích đất bị thu hồi, để có căn cứ xác định các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi đã phù hợp chưa, Kiểm sát viên căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, khoản 1 Điều 2 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để làm rõ các nội dung về: đối tượng, thủ tục thực hiện, mức hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất...

Đối với vụ án liên quan đến hỗ trợ cho thuê đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà người sử dụng đất không được bồi thường về đất, Kiểm sát viên cần làm rõ hình thức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP…

Đối với vụ án liên quan nội dung hỗ trợ tái định cư trong trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở, để giải quyết loại khiếu kiện về trình tự, thủ tục tái định cư, Kiểm sát viên căn cứ các quy định tại Điều 85, 86 và 87 Luật Đất đai năm 2013.

Ngoài ra, đối với khiếu kiện liên quan đến giá trị nhà tái định cư (giá đất, giá bán nhà tái định cư hay cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt của nhà tái định cư...), Kiểm sát viên đánh giá nội dung về nhà ở khu tái định cư có bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về đất đai hay không, cần đối chiếu điều kiện thực tế của nhà tái định cư với các tiêu chí về kỹ thuật, về diện tích sử dụng đối với nhà tái định cư, quy định tại Điều 27 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP về “suất tái định cư tối thiểu”. Việc xác định giá đất, giá bán nhà tái định cư là một trong những nội dung thường xuyên xảy ra tranh chấp khi người có đất bị thu hồi không nhất trí với việc áp dụng giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư. Khi kiểm sát việc giải quyết về loại khiếu kiện này, Kiểm sát viên cần căn cứ quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật như: Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất; Nghị định số 104/2014/NĐ-CP quy định về khung giá đất; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất;... 

P.V