Những nội dung rút kinh nghiệm đối với Kiểm sát viên

Theo Thông báo số 535/TB-VKSTC, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2018; Kế hoạch số 86/KH-VKSTC ngày 06/8/2018 của VKSND tối cao về “Tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến toàn quốc năm 2018”, VKSND tối cao phối hợp với VKSND và TAND tỉnh Bình Dương đã tổ chức phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án Hàng Thị Hồng Diễm, bị truy tố về tội “Giết người”. Phiên tòa khai mạc hồi 8h ngày 23/8/2018 tại trụ sở TAND tỉnh Bình Dương. Phiên tòa được ghi âm, ghi hình và đăng tải toàn bộ nội dung lên trang tin điện tử của Ngành để các đơn vị trong toàn quốc tải về theo dõi phục vụ cho công tác nhận xét, đánh giá, rút kinh nghiệm đối với hoạt động của Kiểm sát viên (KSV), Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.

Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND tối cao đã nhận được tổng số 70 biên bản góp ý kiến của VKSND các địa phương. Nhìn chung các đơn vị thực hiện rất nghiêm túc, nhiều đơn vị đóng góp ý kiến nhận xét chi tiết, cụ thể, chất lượng tốt như: Vụ 2, Vụ 5, Vụ 6, VC1, VC2, VKSND TP. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Tuy nhiên, còn một số đơn vị gửi biên bản họp góp ý với nội dung còn sơ sài, chưa sát thực.

Cũng theo Thông báo số 535/TB-VKSTC, trên cơ sở các biên bản đóng góp ý kiến của các đơn vị về phiên tòa, Vụ 7 đã tổng hợp và báo cáo Lãnh đạo VKSND tối cao. Kết quả tổng hợp cho thấy, đối với tác phong của KSV, về cơ bản, hai KSV của VKSND tỉnh Bình Dương đã thể hiện tốt tác phong của KSV khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa được quy định tại Quy tắc ứng xử của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án (Ban hành kèm theo Quyết định số 46/QÐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao). KSV có phong thái nghiêm túc, tác phong đĩnh đạc, tự tin, chủ động trong việc xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa. Công bố Cáo trạng, trình bày bản Luận tội, tiến hành tranh luận, đối đáp với Luật sư... thể hiện sự rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát. Cách đặt câu hỏi súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu. Về tồn tại, theo quy định tại Điều 7 Quy tắc ứng xử của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án: “Nếu mang theo mũ thì phải đặt mũ trên bàn, trước mặt, chếch về phía bên tay trái của KSV, phù hiệu trên mũ quay ra phía trước”. Tuy nhiên, hai KSV tham gia phiên tòa đều đặt mũ chếch sang phía bên tay phải là chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, phiên tòa có 02 KSV cùng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nhưng trước khi công bố, đọc các văn bản tố tụng tại phiên tòa, tranh luận, xét hỏi, có lúc KSV xưng hô “tôi” là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 6 Quy tắc ứng xử của KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án.

Đối với phần kiểm sát thủ tục phiên toà, KSV đã kiểm sát thủ tục phiên tòa đúng quy định. Phát hiện thiếu sót của Chủ tọa phiên tòa khi chưa hỏi bị cáo về việc đã nhận được Cáo trạng của Viện kiểm sát và Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án và đã kịp thời yêu cầu Chủ tọa bổ sung. KSV đã làm tốt việc bám sát diễn biến phiên tòa, có ý kiến đầy đủ về sự vắng mặt của những người được triệu tập đến tại phiên tòa và đã đề nghị công bố lời khai của những người vắng mặt tại phiên tòa. Tuy nhiên, trong phần thủ tục phiên tòa có một số thiếu sót nhưng KSV không phát hiện để đề nghị Chủ tọa phiên tòa thực hiện đầy đủ như: Chưa hỏi KSV và những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có đề nghị thay đổi ai trong trong thành phần những người tham gia tố tụng tại phiên tòa không? không hỏi có ai yêu cầu hoãn phiên tòa không? Không hỏi ý kiến của Luật sư về việc vắng mặt của một số người tham gia tố tụng? không giải thích quyền của bị cáo được “xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những thay đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa”, không công bố cụ thể nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân.

Đối với phần công bố cáo trạng, KSV đã thực hiện tốt việc công bố Cáo trạng truy tố bị cáo ra trước phiên tòa để xét xử. Giọng đọc to, rõ ràng, có điểm nhấn, giúp người nghe dễ dàng theo dõi nội dung Cáo trạng. Sau khi công bố xong Cáo trạng, KSV có câu kết thúc và đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc, thể hiện tính uy nghiêm của phiên tòa. Về tồn tại, bị cáo Hàng Thị Hồng Diễm phạm tội ngày 15/12/2017, đã được Cơ quan điều tra khởi tố về tội “Giết người” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, Cáo trạng và Luận tội đều truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Hàng Thị Hồng Diễm về tội “Giết người” theo điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Quy định tại điểm i khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 so với quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự năm 1999 không thuộc trường hợp có lợi hay bất lợi (có khung hình phạt bằng nhau). Do đó, Hàng Thị Hồng Diễm vẫn phải bị truy tố và xét xử về tội “Giết người” theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bên cạnh đó, KSV còn nhầm lẫn năm sinh của bị hại là anh Trần Thanh Tú (sinh năm 1980 nhầm thành 1990).

Trong phần xét hỏi, KSV đã có sự chuẩn bị kỹ hồ sơ, dự kiến đề cương xét hỏi với những vấn đề cần được làm rõ tại phiên tòa; chủ động xét hỏi, có sự phối hợp nhịp nhàng trong việc phân công xét hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng. Quá trình xét hỏi đã làm nổi bật được nguyên nhân, động cơ, diễn biến hành vi và thủ đoạn che dấu hành vi phạm tội của bị cáo cùng các tình tiết giảm nhẹ, đồng thời lồng ghép việc giáo dục tuyên truyền pháp luật đối với những người tham gia và tham dự phiên tòa. Các câu hỏi của KSV bám sát nội dung vụ án, đặc biệt là đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Mặt khác, hỏi và làm rõ về thu nhập và tài sản tích lũy của bị cáo, chi phí nuôi con hàng tháng để làm căn cứ xác định khả năng bồi thường các khoản chi phí cho đại diện bị hại. KSV ghi chép nghiêm túc, lắng nghe, bám sát diễn biến phiên tòa nên khi những người làm chứng xưng hô chưa đúng đã kịp thời đề nghị Hội đồng xét xử nhắc nhở, thay đổi cách xưng hô theo quy định.

Về tồn tại, có những câu hỏi trùng lặp với Hội đồng xét xử như: mối quan hệ của bị hại với bị cáo; sống chung như vợ chồng từ thời điểm nào; tình trạng say rượu của bị hại...; chưa làm rõ được thời điểm bị cáo nảy sinh ý định giết bị hại, chưa hỏi và làm rõ bị cáo dùng tay nào để chém bị hại và theo chiều nào; trong vụ án không có nhân chứng trực tiếp nhưng tại phiên tòa, KSV không yêu cầu chủ tọa công bố kết quả thực nghiệm điều tra; KSV chưa xét hỏi để làm rõ phần tài sản riêng của bị cáo trong khối tài sản chung với bị hại; nguồn gốc số tài sản bị cáo gửi ông Sang; nhân thân của bị cáo (Ví dụ có phải hộ nghèo không, gia đình có công với cách mạng...)

Đối với phần trình bày luận tội, về hình thức: KSV giới thiệu rõ ràng, đầy đủ họ tên, quyền năng pháp lý của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa. Trình bày luận tội rõ ràng, sắc bén, tác phong chuẩn mực. Nội dung luận tội được xây dựng theo đúng mẫu quy định của Ngành. Phần đánh giá chứng cứ ngắn gọn, có tính thuyết phục cao, bám sát nội dung truy tố, phân tích, đánh giá, kết luận về hành vi phạm tội, thể hiện được sự phê phán và lên án hành vi của bị cáo trước dư luận. Luận tội bổ sung diễn biến của phiên tòa như: Số vàng bị cáo gửi cho bố mẹ đẻ để bồi thường thiệt hại cho bị hại, việc thỏa thuận bồi thường dân sự để áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo điểm b, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự. Về tồn tại, khi trình bày luận tội, KSV không nên đọc các tiêu đề, đề mục theo mẫu một cách máy móc. Tại phần nhận định về trách nhiệm hình sự của bị cáo, KSV hai lần liên tục đọc sai bị cáo thành bị hại, mặc dù có sửa lại ngay sau đó nhưng điều này đã giảm đi phần nào tính đanh thép và sắc bén của bản Luận tội. Chiếc xe máy bị cáo dùng làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội, KSV không đề nghị tịch thu sung công mà đề nghị tạm giữ để đảm bảo thi hành án là không đúng quy định. Tại phiên tòa bị cáo và đại diện của bị hại đã thỏa thuận được với nhau về phần dân sự nhưng khi luận tội KSV chưa viện dẫn được Điều 246 Bộ luật dân sự để đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự thỏa thuận đó. KSV không đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự và dân sự theo quy định; chưa đề cập xử lý vật chứng đã thu giữ là chiếc ví có tiền USD và tiền mặt thu giữ. Chưa đề cập đến phần kiến nghị việc quản lý hành chính của chính quyền đối với các khu nhà trọ của công nhân nói riêng và việc các cặp đã sống với nhau như vợ chồng lâu dài không đăng ký kết hôn nhưng vẫn không can thiệp.

Đối với phần tranh luận, KSV chuẩn bị tốt hồ sơ, nắm chắc các quy định của pháp luật, bản hướng dẫn, đưa ra được các căn cứ pháp luật, tình tiết của vụ án để tranh luận kịp thời. KSV bảo vệ thành công toàn bộ nội dung Cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, Luật sư của bị cáo đề nghị áp dụng khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng KSV không đối đáp làm rõ để đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận hay không chấp nhận; Luật sư đánh giá việc bị cáo chém anh Tú là do hành vi tự vệ, động cơ, mục đích giết người của bị cáo là không rõ ràng nhưng KSV không có tranh luận là chưa đầy đủ. Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo hình phạt tù chung thân nhưng không đề nghị áp dụng Điều 39 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nhận xét, góp ý đối với Hội đồng xét xử

Liên quan đến nhận xét, góp ý đối với Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng khác, Thông báo số 535/TB-VKSTC nêu: Hội đồng xét xử mặc trang phục đúng quy định, tác phong chuẩn mực. Chủ tọa phiên tòa đã điều khiển phiên tòa dân chủ, công khai, khách quan và đảm bảo quy định của pháp luật; chủ động nêu rõ quy định của TAND tối cao về việc niêm yết công khai bản án và lý do không niêm yết đối với bản án xét xử vụ án Hàng Thị Hồng Diễm phạm tội “Giết người”. Bên cạnh đó, Chủ tọa phiên tòa và thẩm phán thành viên Hội đồng xét xử, các Hội thẩm nhân dân đã tích cực tham gia xét hỏi đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng tại phiên tòa làm sáng tỏ nội dung vụ án, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội bởi hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, việc bồi thường và xử lý vật chứng đều đảm bảo quy định của pháp luật. Việc xét hỏi có sự kết hợp với việc giáo dục, tuyên truyền, phố biến pháp luật cho bị cáo và những người tham dự phiên tòa.

Về tồn tại, phần thủ tục bắt đầu phiên tòa: Chủ tọa chưa hỏi bị cáo về việc có đồng ý để hai luật sư thực hiện quyền bào chữa cho bị cáo hay không để đảm bảo việc luật sư bào chữa theo đúng nguyện vọng của bị cáo. Trong khi chủ tọa đang kiểm tra lai lịch của bị cáo thì hỏi luôn ý kiến của bị cáo về sự vắng mặt của những người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cùng đồng thời hỏi luôn những người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa về sự vắng mặt của những người này trong khi chưa kiểm tra lai lịch của họ là vi phạm tố tụng. Trong phần xét hỏi: Chủ tọa phiên tòa hỏi câu hỏi không rõ nghĩa như “Thuê nhà sống hay ở nhà trọ”. Có câu hỏi bị cáo chưa trả lời xong, chủ tọa đã đặt câu hỏi tiếp theo. Phần tuyên án: Phần quyết định về xử lý vật chứng trong vụ án, chủ tọa đọc nhanh và không nghe rõ.

Đối với Thư ký phiên tòa, khi báo cáo những người vắng mặt, có mặt tại phiên tòa, thư ký không nói rõ hai người làm chứng là Đặng Quốc Tuấn và Nguyễn Văn Theo có mặt hay không mà chỉ thông báo việc hai người này thay đổi địa chỉ là không đảm bảo. Đối với người tham gia tố tụng khác, các luật sư bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa đã tham gia tố tụng theo đúng chỉ định. Người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người đại diện cho bị hại theo pháp luật... đã tham gia phiên tòa đúng triệu tập của Tòa án.

 Theo đánh giá chung, đây là phiên tòa đạt chất lượng cao; các KSV thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa đã thực hiện tốt vai trò của mình xuyên suốt toàn bộ phiên tòa thể hiện qua việc chuẩn bị chu đáo Luận tội, đề cương xét hỏi, đề cương tranh luận; bản lĩnh vững vàng, thái độ chuẩn mực, ứng xử có văn hóa đối với những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng; thực hiện tốt các quy định của pháp luật, quy chế của Ngành.

Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên tòa ghi hình, có sự biên tập ngắn gọn, cô đọng về nội dung, diễn biến toàn bộ phiên tòa giúp cho việc theo dõi phiên tòa được thuận lợi, liên tục, không bị ngắt quãng do lỗi kỹ thuật về đường truyền. Đồng thời các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương có thể chủ động sắp xếp công việc để theo dõi, xem lại phiên tòa vào thời gian hợp lý. Qua đó, các KSV, Kiểm tra viên, chuyên viên học hỏi, rút ra được nhiều kinh nghiệm từ các phiên tòa thực tiễn, nâng cao kỹ năng kiểm sát các hoạt động tư pháp tại phiên tòa, kỹ năng tranh tụng, đáp ứng yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Xem toàn bộ Thông báo số 535/TB-VKSTC tại đây: v7-converted.pdf

P.V

Về kiến nghị, đề xuất, Thông báo số 535/TB-VKSTC nêu rõ: Đề nghị VKSND tối cao tiếp tục tổ chức nhiều phiên tòa bằng hình thức ghi hình, ghi âm để VKSND các địa phương, các cán bộ, KSV học hỏi, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Mặt khác, cần nhân rộng phiên tòa rút kinh nghiệm toàn quốc sang nhiều loại án và đối với các loại tội phạm khác nhau (kinh tế, chức vụ, tham nhũng...). Đồng thời, Cáo trạng và Luận tội của vụ án được tổ chức rút kinh nghiệm cần được chuyển cho các đơn vị, địa phương nghiên cứu trước để tiện theo dõi nội dung, diễn biến, chủ động tham gia ý kiến đạt chất lượng cao hơn nữa.