Giám đốc và quản đốc vào tù vì...
Theo nội dung vụ án, vào khoảng 9h30’ ngày 18/3/2017, trên tuyến đường Tỉnh lộ 1 (địa phận xã Cư M’lan, huyện Ea Súp), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô tải BKS: 81C-109.56 của Công ty TNHH vận tải Gia Thiện (tỉnh Gia Lai) do Huỳnh Thế Hải (trú tại tỉnh Bình Định) điều khiển chở 21,757m3 gỗ xẻ các loại, quy tròn là 34,811m3. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế Hải không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc của số gỗ này.
Tài xế Hải khai nhận, khối lượng gỗ trên Hải bốc tại xưởng cưa của Công ty cổ phần Nông lâm sản và Xây dựng Đắk Bùng (Công ty Đắk Bùng, đóng tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp) do ông Thái Anh Dũng làm giám đốc.
Kiểm tra tại phân xưởng II của Công ty Đắk Bùng do Nguyễn Phước Lý làm quản đốc phân xưởng, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ tổng cộng 262,548m3 gỗ các loại (đã quy tròn). Đến ngày 23/3/2017, Dũng xuất trình các hóa đơn, chứng từ liên quan đến khối lượng gỗ thu giữ nêu trên. Qua đối chiếu với số lượng gỗ trên thực tế đã thu giữ, cơ quan chức năng xác định: Tổng số gỗ thu giữ là 297,359m3 (đã quy tròn), trong đó chỉ có 174,585m3 là có hóa đơn, chứng từ hợp pháp của Công ty Đắk Bùng và gỗ gia công cho Công ty Ngọc Hiếu. Số gỗ còn lại 122,774 m3 (gồm: 27,550m3 gỗ quy tròn thu giữ trên xe ô tô BKS: 81C-109.56 và 95,224m3 gỗ quy tròn thu giữ tại phân xưởng II của Công ty Đắk Bùng) không có nguồn gốc, hóa đơn chứng từ, không có dấu búa của Hạt Kiểm lâm.
|
|
Lực lượng chức năng kiểm tra tại Công ty cổ phần Nông lâm sản và Xây dựng Đắk Bùng, phát hiện hàng trăm m3 gỗ không có hoá đơn chứng từ. |
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 47/2018/HSST ngày 27/12/2018, TAND huyện Ea Súp tuyên phạt bị cáo Thái Anh Dũng 2 năm 3 tháng tù và bị cáo Nguyễn Phước Lý 2 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
Mức hình phạt tù quá nhẹ
Qua kiểm sát bản án sơ thẩm, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, do đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội và trách nhiệm hình sự của các bị cáo nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án đối với các bị cáo quá nhẹ, không có tác dụng cải tạo, giáo dục riêng đối với các bị cáo và răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
Bởi các bị cáo đã cùng nhau lợi dụng việc có hợp đồng gia công xẻ gỗ thành phẩm cho các doanh nghiệp để mua các loại gỗ khai thác trôi nổi, không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn, đưa vào gia công, chế biến để bán nhằm thu lợi bất chính với tổng khối lượng là 122,774 m3 gỗ quy tròn các loại từ nhóm V đến nhóm VIII thông thường. Trong đó, các bị cáo chịu trách nhiệm chung là 80,224m3; bị cáo Dũng chịu trách nhiệm riêng thêm 27,550m3 gỗ quy tròn thu giữ trên xe ô tô BKS: 81C-109.56; bị cáo Lý chịu trách nhiệm riêng thêm 15m3 gỗ xẻ thanh quy tròn thu giữ tại phân xưởng II (số gỗ này, Lý đã tự mua vào để xẻ gia công bán kiếm lời).
Theo Viện kiểm sát, hành vi phạm tội nêu trên của các bị cáo thuộc trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, là trường hợp gây hậu quả cao nhất được quy định tại điểm 1.6, mục 1, phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT ngày 8/3/2007 của Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao và tại khoản 2 Điều 175 BLHS năm 1999, có mức án từ 2-10 năm tù. Thế nhưng, cấp sơ thẩm chỉ tuyên phạt bị cáo Dũng mức án 2 năm 3 tháng tù và bị cáo Lý mức án 2 năm tù là không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo; không phục vụ cho yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm và tội phạm xâm phạm các quy định về quản lý và bảo vệ lâm sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và huyện Ea Súp nói riêng hiện nay.
Trên cơ sở đó, mới đây, VKSND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Quyết định số 05/QĐ-VKS-P7, kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm nói trên của TAND huyện Ea Súp; đề nghị TAND tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng mức hình phạt tù đối với các bị cáo Dũng và Lý.