Tòa “phớt lờ”  kháng nghị của Viện Kiểm sát

Theo hồ sơ vụ án, Công ty Novartis (nguyên đơn, có trụ sở tại Thụy Sỹ) khởi kiện đề nghị TAND tỉnh Bình Dương buộc Công ty CP Dược phẩm Đạt Vi Phú (bị đơn, có trụ sở tại tỉnh Bình Dương) phải chấm dứt hành vi xâm phạm quyền đối với bằng độc quyền sáng chế của nguyên đơn; bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn số tiền 500 triệu đồng; công khai xin lỗi trên tạp chí; tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm hoặc kinh doanh sản phẩm mà nguyên đơn đã đăng ký bản quyền.

Ngược lại, bị đơn cũng có yêu cầu đề nghị huỷ bằng độc quyền sáng chế do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp cho nguyên đơn. 

Quá trình giải quyết vụ án, TAND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết. Sau khi kiểm sát vụ án, VKSND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, do TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục giải quyết vụ án nêu trên nên VKSND tỉnh Bình Dương đã rút toàn bộ kháng nghị phúc thẩm.

Sau khi VKSND tỉnh Bình Dương rút kháng nghị, TAND tỉnh Bình Dương lại tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “… cần đợi kết quả giải quyết của Cục Sở hữu trí tuệ mới giải quyết được vụ án”. 

VKSND tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành kháng nghị phúc thẩm vụ án, đồng thời nguyên đơn kháng cáo. Sau đó, TAND tỉnh Bình Dương chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp cao tại TP HCM (Toà cấp cao 3) để giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Trong khi Toà cấp cao 3 đang thụ lý giải quyết thì TAND tỉnh Bình Dương lại ban hành quyết định giải quyết vụ án với lý do căn cứ để tạm đình chỉ không còn.

leftcenterrightdel
Công ty Novartis, nguyên đơn trong vụ án kinh doanh thương mại. Ảnh: IT 
Viện Kiểm sát chỉ rõ những vi phạm của Tòa án

Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án nêu trên, VKSND cấp cao tại TP HCM (Viện cấp cao 3) nhận thấy, TAND tỉnh Bình Dương đã có những vi phạm như sau:

TAND tỉnh Bình Dương thụ lý yêu cầu của bị đơn không đúng thẩm quyền. Căn cứ theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị định số 63/1996/NĐ-CP, Nghị định số 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, việc huỷ bằng độc quyền sáng chế thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án.

Viện cấp cao 3 cho rằng, đúng ra TAND tỉnh Bình Dương phải căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 168 BLTTDS năm 2005 (nay là điểm đ khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015), trả lại đơn khởi kiện vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án. Hoặc sau khi thụ lý đơn khởi kiện của bị đơn, TAND tỉnh Bình Dương phải căn cứ điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015, ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng từ kèm theo cho đương sự.

Mặt khác, dù không có căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật, song TAND tỉnh Bình Dương đã 3 lần tạm đình chỉ vụ án với lý do “chờ kết quả giám định”. 2 lần cơ quan có thẩm quyền đã có kết luận giám định, trong đó xác định bị đơn đã xâm phạm quyền đối với bằng độc quyền sáng chế nhưng Toà án tiếp tục trưng cầu giám định lần thứ 3 thì Viện Khoa học sở hữu trí tuệ từ chối giám định. 

“Như vậy, việc thu thập chứng cứ đã đầy đủ, nhưng Toà án vẫn ra quyết định tạm đình chỉ không có căn cứ như nội dung phân tích của Kháng nghị số 52/2018/KNPT-KDTM ngày 16/3/2018 của VKSND tỉnh Bình Dương là có căn cứ” - Kiến nghị của Viện cấp cao 3 nêu rõ.

Ngoài ra, TAND tỉnh Bình Dương vi phạm thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết. Sau khi nhận Kháng nghị số 83/2017/QĐKNPT-KDTM ngày 18/8/2017 của VKSND tỉnh Bình Dương, nhưng TAND tỉnh đã không thực hiện việc chuyển hồ sơ vụ án cho Toà cấp phúc thẩm theo quy định mà lại ra Quyết định số 37/2017/QĐST-KDTM ngày 29/8/2017 về việc tiếp tục giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, để vụ án không bị kéo dài thời hạn giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, VKSND tỉnh Bình Dương đã quyết định rút toàn bộ Kháng nghị phúc thẩm số 83/2017 ngày 18/8/2017.

Sau khi VKS rút kháng nghị phúc thẩm số 83/2017, TAND tỉnh Bình Dương lại ban hành Quyết định số 03, VKSND tỉnh Bình Dương tiếp tục ban hành Quyết định kháng nghị số 52/2018/KNPT-KDTM ngày 16/3/2018. Lần này, TAND tỉnh Bình Dương đã chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp cao tại TP HCM. Tuy nhiên, trong quá trình Toà án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết vụ án, TAND tỉnh Bình Dương lại ban hành quyết định về việc tiếp tục giải quyết vụ án.

“Việc ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của TAND tỉnh Bình Dương trong khi hồ sơ đang do Toà án cấp phúc thẩm giải quyết là sai thẩm quyền”, Kiến nghị của Viện cấp cao 3 nêu rõ.

Để bảo đảm cho việc chấp hành pháp luật được nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, Viện cấp cao 3 kiến nghị yêu cầu Chánh án TAND tỉnh Bình Dương có biện pháp chỉ đạo kiểm tra để khắc phục vi phạm nêu trên.

Phi Sơn - Nguyễn Lánh