VKSND tối cao (Vụ 7) vừa ban hành hướng dẫn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020. Về nhiệm vụ trọng tâm, theo VKSND tối cao,  Viện kiểm sát các cấp phải quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự được nêu tại mục 2, Điều 2, Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, TAND, công tác thi hành án.

Làm tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội thuộc phạm vi công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự theo yêu cầu của các chỉ thị chuyên đề, chỉ thị công tác năm của Viện trưởng VKSND tối cao; khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử hình sự năm 2019 của địa phương, đơn vị mình.

Đồng thời, tiếp tục nâng chất lượng hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự. Kiểm sát đầy đủ, chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án để nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị, nhất là kháng nghị phúc thẩm ngang cấp, kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên. 

Liên quan đến công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Theo hướng dẫn của VKSND tối cao, trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung của vụ án, các chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, dự kiến các vấn đề cần hỏi, nội dung tranh luận và đối đáp, các tình huống tố tụng có thể phát sinh tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động xét hỏi, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án, các vấn đề mới phát sinh (nếu có), xác định các nội dung liên quan để định hướng tranh luận, làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Khắc phục tình trạng Kiểm sát viên tranh luận, đối đáp với luật sư không triệt để, đầy đủ và người tham gia tố tụng; triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình tranh tụng; chủ động xử lý tốt các tình huống người tham gia tố tụng cung cấp chứng cứ, tài liệu mới, bảo đảm quan điểm truy tố, buộc tội của Viện kiểm sát thuyết phục, có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên tiếp tục kiểm sát chặt chẽ bản án, quyết định của Tòa án để phát hiện vi phạm pháp luật (nếu có), chú ý đối chiếu nội dung bản án và nội dung tuyên án của Hội đồng xét xử tại phòng xử án bảo đảm tính thống nhất, công khai và đúng quy định của pháp luật; kiên quyết kháng nghị hoặc đề xuất kháng nghị phúc thẩm khi có căn cứ.

Đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, Lãnh đạo Viện cần chú ý lựa chọn Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm kiểm sát xét xử và kỹ năng xử lý tình huống trực tiếp tham gia phiên tòa; với những vụ án Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra sau đó phân công Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cần thực hiện cơ chế biệt phái Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc cùng Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Hồ sơ kiểm sát xét xử sơ thẩm được thiết lập đầy đủ, đúng quy định của Ngành, phản ánh đầy đủ, rõ ràng thao tác nghiệp vụ, quản lý của Kiểm sát viên và Lãnh đạo Viện.

Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục chú trọng chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự như công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa , thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án”…

P.V