Viện kiểm sát THQCT, KSXX giám đốc thẩm hình sự đối với 1527 vụ

Trong những năm qua, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử (THQCT, KSĐT và KSXX) các vụ án hình sự của Viện kiểm sát các cấp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận; trong đó, công tác THQCT đã đảm bảo hành vi phạm tội, người phạm tội được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội; công tác KSĐT, KSXX đã đảm bảo cho quá trình điều tra, xét xử các vụ án hình sự được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần quan trọng bảo đảm tốt quyền con người của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong quá trình giải quyết vụ án hình sự theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp căn cơ, thiết thực để tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự, thực hiện có hiệu quả cơ chế gắn công tố với điều tra theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 6/12/2013 về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và Chỉ thị số 05/CT-VKS ngày 27/4/2020 về tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tại các phiên tòa hình sự, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên được thực hiện dân chủ, thẳng thắn, chất lượng ngày càng được khẳng định, từng bước đảm bảo kết quả tranh tụng thực sự là cơ sở để Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết về tội danh, hình phạt đối với bị cáo, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, từng bước thực hiện chủ trương “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.  

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THQCT, KSĐT và KSXX các vụ án hình sự trong những năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định, những sai lầm trong áp dụng pháp luật, thiếu sót trong đánh giá chứng cứ, tài liệu, vi phạm thủ tục tố tụng vẫn xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự nhưng không được Kiểm sát viên phát hiện kịp thời dẫn đến bản án, quyết định bị Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại, làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng nhất định đến quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội nghị “Rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại” do VKSND tối cao tổ chức ngày 16/9.

Trước thực trạng đó, việc tham mưu cho lãnh đạo VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn “Rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra lại, xét xử lại” là cần thiết, tạo cơ sở thực tiễn để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác THQCT, KSĐT và KSXX hình sự của Viện kiểm sát các cấp.

Số liệu cho thấy, trong thời gian từ năm 2018 đến 31/5/2022, các Viện kiểm sát cấp cao 1, 2, 3 và VKSND tối cao đã THQCT, KSXX giám đốc thẩm hình sự đối với 1527 vụ; trong đó, số vụ bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy bản án để điều tra lại, xét xử lại là 635 vụ.

Trên cơ sở nghiên cứu các quyết định giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định hình sự để điều tra lại, xét xử lại của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 5/2022 cho thấy, những vụ án bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại là do các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có những sai lầm, thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ ảnh hưởng của sai lầm, thiếu sót, vi phạm đối với việc giải quyết vụ án ở giai đoạn tố tụng nào, mà Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định để điều tra lại, xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại.

Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

Trên cơ sở những dạng sai lầm, vi phạm của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến phải hủy bản án, quyết định để điều tra lại hoặc xét xử lại cho thấy, có những vấn đề mà Viện kiểm sát các cấp, trực tiếp là các Kiểm sát viên cần rút kinh nghiệm khi THQCT, KSĐT và KSXX các vụ án hình sự.

Cụ thể, đối với công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, Kiểm sát viên cần kiểm sát chặt chẽ việc phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra; dự liệu các tài liệu, chứng cứ cần thu thập, các vấn đề liên quan đến nội dung tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố để chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu, xác minh làm rõ; trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên yêu cầu người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố bổ sung những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố giác.

Trường hợp Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã có yêu cầu bằng văn bản, nhưng không được khắc phục, thì Viện kiểm sát trực tiếp xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Đối với công tác THQCT và kiểm sát việc khởi tố, Kiểm sát viên phải nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, đánh giá đúng chất của hành vi khách quan và các yếu tố liên quan đến hành vi khách quan của một số tội danh, như mức độ tấn công; vị trí tấn công trên cơ thể người bị hại; công cụ, phương tiện, thủ đoạn được sử dụng; sự chống trả, kháng cự của người bị hại; mục đích của bị can khi thực hiện hành vi khách quan; các hành vi đi liền trước hành vi khách quan; độ tuổi, đặc điểm về thể chất và tâm thần của người bị hại; độ tuổi và đặc điểm nhân thân của bị can... làm cơ sở để xác định tội danh được khởi tố đúng hay không, từ đó đề xuất lãnh đạo Viện phê chuẩn hoặc yêu cầu thay đổi tội danh.

Đối với các vụ án có tính chất phức tạp, hành vi khách quan có dấu hiệu của nhiều tội danh khác nhau, hoặc có quan điểm khác nhau về tội danh giữa các ngành tố tụng, Viện kiểm sát phải chủ động tổ chức họp liên ngành; trường hợp xét thấy cần bổ sung kết luận giám định, định giá tài sản, hoặc phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn để làm rõ thêm tính chất của hành vi phạm tội, mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, thì Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn để bổ sung chứng cứ, tài liệu cần thiết cho việc xác định đúng tội danh theo quy định của Bộ luật hình sự.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 -VKSND tối cao trình bày Báo cáo đề dẫn tại Hội nghị.

Đối với công tác THQCT và KSĐT vụ án, Kiểm sát viên phải thường xuyên trao đổi với Điều tra để nắm chắc tiến độ điều tra và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được so với yêu cầu chứng minh vụ án, chủ động yêu cầu Điều tra viên chuyển tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động điều tra; kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra để yêu cầu khắc phục, sửa chữa.

Trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được; hoặc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định còn hành vi phạm tội hoặc người thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa được khởi tố, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện, để thời kịp thời đưa ra yêu cầu với Cơ quan điều tra thay đổi tội danh hoặc khởi tố bổ sung.

Viện kiểm sát phải chủ động đề ra yêu cầu điều tra đối với tất cả các vụ án hình sự; đối với những vụ án có tính chất phức tạp, vụ án mà hành vi khách quan có dấu hiệu của nhiều tội danh, vụ án mà hành vi phạm tội được thực hiện đan xen, có nhiều người liên quan, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên ưu tiên điều tra làm rõ các tình tiết, yếu tố liên quan trực tiếp đến hành vi khách quan để có cơ sở xác định đúng tội danh, làm rõ sự tác động, mức độ ảnh hưởng của những người liên quan đến hành vi phạm tội để xác định họ có đồng phạm hay không, nếu không thì họ tham gia với tư cách gì trong quá trình giải quyết vụ án.

leftcenterrightdel
 VKSND Thành phố Hà Nội tại phiên toà xét xử vụ “đất vàng” tại Bình Dương. 

Trước khi kết thúc điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được. Trường hợp phát hiện có sai lầm trong áp dụng pháp luật, đánh giá không đúng tính chất của hành vi khách quan; chưa xác minh, điều tra làm rõ tình tiết khách quan của vụ án, các đặc điểm nhân thân, lý lịch, tuổi của bị can, tuổi của người bị hại liên quan đến việc xác định tội danh, xác định khung hình phạt, xác định cấu thành hay không cấu thành một tội phạm cụ thể theo quy định của Bộ luật hình sự; xác định không đúng tư cách pháp lý của người tham gia tố tụng trong vụ án; không đưa người có liên quan đến sự việc phạm tội vào tham gia tố tụng hoặc các vi phạm, thiếu sót khác làm ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn, triệt để vụ án hình sự, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay lãnh đạo Viện hoặc thủ trưởng đơn vị để phối hợp với thủ trưởng Cơ quan điều tra tìm biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.

Đối với công tác THQCT và KSXX sơ thẩm, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung và các tình tiết chính của vụ án; chuẩn bị kỹ các thao tác nghiệp vụ trước khi tham gia phiên tòa, dự liệu các vấn đề, tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tại phiên tòa xét xử, Kiểm sát viên phải theo dõi và ghi chép đủ nội dung xét hỏi, nội dung trả lời để có cơ sở đánh giá nhận định, quyết định của Hội đồng xét xử trong bản án có phù hợp với kết quả điều tra công khai tại phiên tòa hay không. Đồng thời, Kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi để làm rõ nội dung truy tố, quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát; sử dụng chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa để tranh luận làm rõ các nội dung buộc tội, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Nguyễn Thị Hồng Vân đối đáp quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo tại phiên tòa xét xử cựu Đại tá Phùng Anh Lê.

Trường hợp sau khi xét hỏi, kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa có cơ sở để nhận thấy thực tế hành vi phạm tội của bị cáo không đúng với tội danh, hoặc khung hình phạt Viện kiểm sát đã truy tố, có người liên quan đến vụ án chưa được đưa vào tham gia tố tụng, xác định không đúng tư cách pháp lý của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện hoặc thủ trưởng đơn vị để kịp thời xử lý hoặc có quan điểm đúng, phù hợp tại phiên tòa.

Sau khi kết thúc phiên tòa, nếu phát hiện quá trình xét xử sơ thẩm vụ án có sai lầm trong áp dụng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, quyết định hình phạt không đúng quy định của Bộ luật hình sự, quá nặng hoặc quá nhẹ, nhận định của Hội đồng xét xử không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện hoặc thủ trưởng đơn vị để xem xét, thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm theo quy định của pháp luật, hạn chế, loại trừ tình trạng tòa án cấp phúc thẩm phát hiện những sai lầm, vi phạm của cấp sơ thẩm thông qua kháng cáo của người tham gia tố tụng, mà không phải do Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.

Đối với công tác THQCT và KSXX phúc thẩm, khi thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn này, nếu nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm, thiếu sót, nhưng những vi phạm, thiếu sót này có thể bổ sung được, thì cấp phúc thẩm thực hiện việc xác minh hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới tiến hành xác minh, bổ sung để tiếp tục giải quyết vụ án mà không cần phải hủy án để điều tra lại, hoặc xét xử sơ thẩm lại.

Đối với những vụ án mà cấp sơ thẩm có vi phạm, thiếu sót, nhưng những vi phạm, thiếu sót đó nếu có hủy án sơ thẩm để điều tra lại thì cũng không thể khắc phục, bổ sung được, hoặc những vi phạm, thiếu sót không ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, Kiểm sát viên cần có quan điểm rõ ràng về việc không cần thiết phải hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại.

Đối với những vụ án mà các tình tiết có ý nghĩa trong việc xác định vai trò của bị cáo, xác định khung hình phạt, các tình tiết có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo đã được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, hoặc các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội, bỏ lọt người phạm tội và đã được Cơ quan điều tra tách theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nhưng Toà án cấp phúc thẩm lại nhận định theo hướng có căn cứ tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, thì Kiểm sát viên phải nêu rõ quan điểm của mình, tránh tình trạng Toà án cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại không có căn cứ, trong đó có trách nhiệm của Kiểm sát viên như thực tế đã xảy ra.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên THQCT và KSXX tại phiên toà xét xử vụ “đất vàng” tại Bình Dương. 

Đối với quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp và giữa Viện kiểm sát với cơ quan tố tụng cùng cấp, Viện kiểm sát các cấp cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động thỉnh thị, xin ý kiến nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; đảm bảo việc báo cáo thỉnh thị, xin ý kiến nghiệp vụ phải phản ánh đủ, chính xác nội dung của những khó khăn, vướng mắc mà Viện kiểm sát cấp dưới đang gặp phải; nội dung trả lời thỉnh thị hoặc cho ý kiến nghiệp vụ của Viện kiểm sát cấp trên phải kịp thời, bám sát vấn đề mà Viện kiểm sát cấp dưới đang vướng mắc, tránh tình trạng nêu quan điểm chung chung, theo hướng tùy nghi làm cho Viện kiểm sát cấp dưới khó vận dụng, không phát huy được hiệu quả trên thực tế.

Ngoài ra, Viện kiểm sát các cấp phải tăng cường, linh hoạt và chủ động hơn nữa trong hoạt động phối hợp với cơ quan tố tụng cùng cấp trong quá trình giải quyết các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, vụ án mà dư luận xã hội và các phương tiện truyên thông quan tâm, vụ án mà quy định của pháp luật còn bất cập, mâu thuẫn trong việc xác định tội danh, xác định khung hình phạt, xác định tư cách pháp lý của những người có liên quan để hạn chế tình trạng không thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tố tụng; các nội dung, quan điểm đưa ra trong quá trình trao đổi ý kiến, họp liên ngành phải trên cơ sở kết quả nghiên cứu kỹ lưỡng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và vận dụng các quy định của văn bản pháp luật tương ứng, liên quan.

Thông qua những vấn đề, nội dung tham luận tại Hội nghị “Rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự bị cấp giám đốc thẩm hủy để điều tra, xét xử lại”, Viện kiểm sát các cấp có cơ hội để tham khảo, vận dụng của nhau những kinh nghiệm hay, những kỹ năng, thao tác nghiệp vụ có tính chuyên sâu để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của cấp mình, góp phần quan trọng để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự.
Đắc Thái (thực hiện)