Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện một số Thông tư liên tịch trong ngành KSND do VKSND tối cao tổ chức, đồng chí Trần Hưng Bình, Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao đã giới thiệu sự cần thiết, quá trình xây dựng cũng như những nội dung mới của Thông tư liên tịch số 06/2018 giữa VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (TTLT số 06/2018).

Phối hợp xử lý tội phạm xâm hại người dưới 18 tuổi

Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, đặc biệt là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán và theo yêu cầu của Đại biểu Quốc hội, TTLT số 06/2018 đã bổ sung Điều 13 quy định trách nhiệm phối hợp giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ việc, vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán; sửa đổi, bổ sung Điều19 quy định trách nhiệm phối hợp của các bộ, ngành, trong đó tại khoản 3 quy định rõ: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy trình đặc biệt trong điều tra, truy tố, xét xử, bảo vệ và hỗ trợ người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán.

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Hưng Bình, Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao giới thiệu nội dung TTLT số 06/2018 tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện các TTLT trong ngành KSND 

Quy định cụ thể, chặt chẽ về nơi lấy lời khai

Liên quan đến việc lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi, TTLT số 06/2018 đã gộp 02 điều của TTLT số 01/2011 (Điều 10. Lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can và Điều 15. Lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên) thành Điều 14 quy định về lấy lời khai, hỏi cung người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Cùng với đó, TTLT số 06/2018 đã sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về nơi lấy lời khai đối với từng đối tượng, việc lấy lời khai, ghi âm, ghi hình và các quy định khác để bảo đảm quyền lợi ích của người dưới 18 tuổi khi lấy lời khai, hỏi cung bị can.

Theo đó, nơi lấy lời khai có thể thực hiện tại nơi học tập, lao động và sinh hoạt của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra; việc hỏi cung bị can dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi cư trú của người đó hoặc nơi tiến hành điều tra. Trường hợp lấy lời khai, hỏi cung tại nơi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử thì phải sắp xếp, bố trí phòng lấy lời khai, hỏi cung bảo đảm thân thiện, phù hợp với tâm lý người dưới 18 tuổi (khoản 1).

Bảo đảm việc lấy lời khai, hỏi cung phải theo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, bảo đảm sự tham gia của người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi; thực hiện đúng trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo Thông tư liên tịch số 03/2018 (khoản 2).

Đối với người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì việc lấy lời khai của họ phải được tiến hành ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin về tội phạm. Địa điểm lấy lời khai phải ưu tiên tại nơi cư trú của người đó, nếu không có nơi cư trú thì phải tiến hành tại cơ sở chăm sóc trẻ em.

Khi tiến hành lấy lời khai, hỏi cung, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu, phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức của họ; xem xét áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thời gian, số lượng lần lấy lời khai, hỏi cung (khoản 3).

Điều tra viên, Kiểm sát viên phải kiểm soát chặt chẽ việc hỏi của người đại diện, người bào chữa của người dưới 18 tuổi; yêu cầu không được hỏi và phải dừng ngay việc hỏi đối với những câu hỏi có tính chất gợi ý, định hướng hoặc có tính chất khẳng định, phủ định liên quan đến vụ án. Trường hợp phát hiện người đại diện, người bào chữa có dấu hiệu thông cung, mớm cung phải lập tức yêu cầu họ dừng ngay việc hỏi và lập biên bản, báo cáo người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 4).

TTLT số 06/2018 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/2/2019 thay thế Thông tư liên tịch 01/2011 ngày 12/7/2011. TTLT số 06/2018 gồm 19 điều, với các nội dung mới, như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; phân công người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; xác định tuổi người dưới 18 tuổi; thông báo về hoạt động tố tụng; áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp áp giải; phối hợp thực hiện việc giám sát đối với người bị buộc tội dưới 18 tuổi…

 

P.V