Nhức nhối nạn buôn bán người

Trong thời gian vừa qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều hướng gia tăng và tiếp tục tiềm ẩn diễn biến phức tạp.

leftcenterrightdel
 Đầu tháng 8/2022, cơ quan chức năng đã bắt khẩn cấp một đối tượng lừa bán 2 thiếu nữ người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk ra Hải Phòng. 

VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (Zalo, Facebook), sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để lập các tài khoản mạng xã hội ảo nhằm kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài sẽ có cuộc sống giàu sang, nhàn hạ.

Với những thông tin “hấp dẫn” hứa hẹn nói trên, các đối tượng đã lừa bán các nạn nhân ra nước ngoài ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage trong nước….

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua nổi lên tình trạng lừa bán các nạn nhân qua Campuchia. Theo đó, các đối tượng sinh sống tại Việt Nam đã liên hệ với các đối tượng là người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Campuchia, các đối tượng đã từng đi Campuchia hoặc... để tuyển chọn, môi giới người Việt Nam đưa sang Campuchia bằng các con đường tiểu ngạch.

Theo đó, các đối tượng đã sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Telegram, Wechat…đăng tin tuyển lao động với nội dung: mức lương từ 20-30 triệu đồng/tháng. Mỗi ngày làm việc từ 8 - 10 giờ, công việc thoải mái, không bị gò bó, có ký kết hợp đồng lao động với công ty và được bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi...

Khi tìm được người có nhu cầu lao động, các đối tượng sẽ bố trí xe đưa người lao động đến gần khu vực cửa khẩu rồi tổ chức vượt biên trái phép sang Campuchia. Khi qua biên giới, sẽ có các đối tượng là người Việt Nam, hoặc là người Campuchia đưa đến các công ty Game đánh bạc online để bán với số tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, khác với những thông tin “hấp dẫn” hứa hẹn trong lúc tuyển dụng, khi người lao động làm việc tại Campuchia phải ăn ở, làm việc tập trung, bị quản thúc, không được tự do đi lại. Không chỉ vậy, thời gian làm việc từ 14 đến 16 tiếng mỗi ngày, công việc rất áp lực, phải đạt chỉ tiêu do công ty đặt ra thì mới được nhận đủ lương, nếu không đạt sẽ bị trừ lương, đánh đập hoặc bị bán cho các công ty khác.

Những khó khăn trong việc xác minh, xử lý tội phạm

Quá trình kiểm sát việc giải quyết tin báo, kiểm sát điều tra các vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn, VKSND tỉnh Đắk Lắk cho biết, trong quá trình xác minh thu thập các tài liệu chứng cứ đảm bảo cho việc xử lý các tin báo về hành vi mua bán người có một số khó khăn điển hình.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự các đối tượng, phạm tội “Mua bán người”.

Thứ nhất, các tội phạm mua bán người nói chung thường rất ít khi bị bắt phạm tội quả tang mà chủ yếu qua truy xét nên việc thu thập, củng cố các tài liệu, chứng cứ gặp rất nhiều trở ngại.

Thứ hai, những người bị hại đang ở nước ngoài không có mặt tại nơi cư trú nên việc lấy lời khai trực tiếp người bị hại không thể thực hiện được do đó những tình tiết liên quan đến việc bị mua bán không đầy đủ.

Thứ ba, phần lớn việc mua bán người đã xảy ra được một thời gian khá dài, người làm đơn trình báo không cung cấp được tài liệu chứng cứ cũng như trình bày rõ ràng, đầy đủ các nội dung có liên quan.

Thứ tư, một nguyên nhân nữa làm cho công tác đấu tranh với các tội phạm mua bán người là các đối tượng thường sử dụng các tài khoản mạng xã hội ảo để trao đổi, mua bán người nên việc thu thập được các tài liệu chứng cứ quan trọng này rất ít. Bên cạnh đó, các thiết bị các đối tượng sử dụng để trao đổi việc mua bán cũng được thường xuyên thay để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện từ đó việc trích xuất khôi phục dữ liệu hầu như không có đạt kết quả.

Thứ năm, khi cơ quan điều tra các cấp tiến hành làm việc các đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội. Đồng thời, yêu cầu cơ quan điều tra đưa ra các chứng cứ để chứng minh việc cơ quan điều tra cho rằng mình có liên quan đến hoạt động mua bán người.

Thứ sáu, các vụ mua bán người có yếu tố nước ngoài thường được các đối tượng trong nước liên hệ, móc nối với các đối tượng là người Việt Nam ở nước sở tại hoặc công dân nước sở tại và hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia. Do đó, việc điều tra xử lý và giải cứu các nạn nhân là không hề đơn giản cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành.

Thứ bảy, các đối tượng sử dụng các chứng minh nhân dân, căn cước công dân giả để lập các tài khoản ngân hàng phục vụ cho việc mua bán người. Do đó, việc truy xét nhân thân, lai lịch các đối tượng sử dụng các tài khoản ngân hàng này không thu được kết quả mong muốn.

Mặt khác, những người bị lừa bán qua biên giới chủ yếu là những người không có công ăn việc làm ổn định, muốn có công việc nhẹ và thu nhập cao. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc các đối tượng đã lợi dụng để lừa gạt những người ham lợi “việc nhẹ, lương cao”...

Trong thời gian từ 1/12/2021 đến 31/8/2022, Cơ quan CSĐT Công an các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận đơn và thụ lý 9 tin báo của quần chúng nhân dân về việc con em họ bị các đối tượng lừa bán ra nước ngoài. Đến nay, trên kết quả kiểm tra, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ Cơ quan CSĐT đã xác định được các 2 vụ có bị can và đã tiến hành khởi tố để xử lý theo quy định. Trong đó, 1 vụ/4 bị can bị khởi tố về tội “Mua bán người”, quy định tại Điều 150 BLHS và 1 vụ/1 bị can về tội “Mua bán người dưới 16 tuổi”, quy định tại Điều 151 BLHS./.

Bài 2: Sáng kiến hay của Kiểm sát viên, triệt phá vụ án mua bán người qua biên giới

Quang Hưng – Nguyễn Chính